Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1747 |
Tổng truy cập : | 559,515 |
Nuôi trồng thủy, hải sản
Kỹ thuật nuôi con don
Giới thiệu tập tính sinh hoạt và môi trường sống của con don. Sinh trưởng, phát triển, sinh sản, giá trị và thị trường của con don. Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và chữa bệnh cho don.
* Đặc điểm sinh thái
Tên Việt Nam thường gọi là don, có nơi gọi là hon hay nhím đuôi dài. Tên khoa học là Atherurus macrourus. Họ với nhím Hisricidae, bộ gặm nhấm Rodentia, nhóm thú.
Đặc điểm để phân biệt với nhím là don nhỏ hơn nhím và có đuôi, lông gai trâm thô, ngắn (70 - 100 mm) và dẹp (không tròn như nhím).
Don là loài thú nhỏ cùng họ nhím, don chỉ nặng 3 - 5 kg, thân dài 400 - 500 mm, đuôi dài 150 - 250 mm.
Don đực và don cái rất khó phân biệt (cách phân biệt đực cái tương tự như nhím).
Don chủ yếu ở rừng rậm, núi đá hay núi đá vôi nhiệt đới. Ở Việt Nam: hầu hết ở các vùng còn rừng. Số lượng don ở Việt Nam còn tương đối nhiều. Trên thế giới: Thái Lan, miền đông Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia… cũng có don sinh sống.
* Tập tính sinh hoạt và môi trường sống
Don là động vật hoang dã, thuộc loài gặm nhấm, thường sống trong các gốc cây, hang, hốc đá tự nhiên. Môi trường sống thích hợp là rừng cây có nhiều củ, quả…
Tập tính sinh hoạt, thức ăn gần giống nhím và có khả năng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau từ rừng nguyên sinh đến các vùng đất canh tác. Sống theo bầy đàn từ 6 - 8 con. Ban ngày nó ẩn nấp trong hang hốc, gốc cây, ban đêm đi kiếm ăn…
* Sinh trưởng, phát triển: hai tuần sau khi chào đời, don con có thể rời tổ và lông bắt đầu cứng. Don con khá hiếu động và thích chạy nhảy, đùa giỡn cùng nhau. Don con bú mẹ 6 - 8 tuần và bắt đầu tập ăn cây cỏ... Don sinh trưởng, phát triển trung bình 0,5 - 0,7 kg/con/tháng. Don trưởng thành 7 - 8 tháng và đạt trọng lượng 3 - 4 kg/con thì bắt đầu sinh sản.
* Sinh sản: don sinh sản quanh năm không theo mùa vụ. Khi don được 7 - 8 tháng tuổi thì bắt đầu động dục. Khi muốn giao phối, nước tiểu của don đực nặng mùi khai hơn và chúng thường đánh nhau tranh giành con cái.
* Giá trị và thị trường
Don là nguồn thực phẩm có giá trị, tuy nhiên, trong tự nhiên don cũng là loài gây một số tác hại như phá hoại hoa màu…
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi don thương phẩm cho thu nhập cao. Nuôi 1 đôi don thương phẩm, sau 6 tháng nặng khoảng 2,5 - 3,5 kg/con, cho thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng trong khi đó chi phí giống, thức ăn chỉ khoảng 50 - 60%.
Hiện nay trên thị trường, don thịt không đủ bán, nhu cầu thị trường rất lớn, đây là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi don phát triển.
* Chuồng trại và dụng cụ nuôi
Don thích ánh sáng tán xạ, cho nên chuồng nuôi nên làm nửa sáng, nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Nền và sân chuồng nên tráng bằng bê tông dốc 1 - 2%, dày 8 - 10 cm để don không đào hang chui ra ngoài và thoát nước… Xung quanh rào bằng lưới ô vuông hoặc B40, cao 1,0 - 1,5 m, phía trước có cửa ra vào thuận lợi. Mỗi ô chuồng nuôi 1 - 2 con chỉ cần khoảng 1 m2. Hệ thống cống rãnh thoát nước thiết kế ở phía sau, ngoài chuồng.
Trong tự nhiên, don hay ở hang nên ta cũng có thể làm hang nhân tạo cho don (bằng tôn uốn cong hoặc bằng ống cống f 30 - 40 cm) và để ở ngoài sân chơi để tiện vệ sinh.
* Thức ăn
Thức ăn của don phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây ngọt bùi đắng chát… thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố…, thức ăn động vật gồm: côn trùng, ốc, giun đất...Về khẩu phần thức ăn trung bình cho 1 con/ngày như sau:
- Don 2 - 3 tháng tuổi: 50 - 100 g rau, củ quả; 5 - 10 g thức ăn hỗn hợp và 5 - 10 g lúa, ngô, đậu các loại.
- Don 3 - 6 tháng tuổi: 100 - 250 g rau, củ, quả; 10 - 15 g thức ăn tổng hợp; 5 - 15 g thức ăn hạt thóc, đậu và 3 - 10 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
- Don 6 - 9 tháng tuổi: 250 - 350 g rau, củ, quả; 15 - 30 g thức ăn tổng hợp; 15 - 30 g thức ăn hạt các loại và 10 - 20 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
Có thể thay dầu dừa, dầu phộng bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ...), thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi của các hãng chế biến thức ăn.
Ta có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát, nếu sau 12 giờ cho ăn thấy don ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Khi cho ăn đủ thức ăn rau, củ, quả tươi thì don không cần uống nước hoặc uống ít nước. Thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi, đảm bảo cho don thức ăn tươi, xanh, sạch đề phòng bệnh tiêu chảy, don sẽ khỏe mạnh ít dịch bệnh…
Don thường chịu rét tốt hơn chịu nóng, nếu nóng trên 350C, cần có quạt thông gió cho thoáng mát.
* Chăm sóc nuôi dưỡng và thu hoạch
Don giống để nuôi thường được 2 - 3 tháng tuổi, trọng lượng 1,5 - 2,0 kg/con, đã quen ăn các thức ăn do con người cung cấp trong điều kiện nuôi dưỡng nhân tạo.
Trước khi bán thịt 30 - 40 ngày, vỗ béo cho don bằng cơm, tấm gạo, bắp xay 60 - 70% trộn với thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn tinh hỗn hợp loại dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi 30 - 40%. Don tăng trọng rất nhanh và béo khỏe, có thể đạt 0,5 - 0,7 kg/tháng, bán được giá, cho hiệu quả kinh tế cao.
* Phòng và chữa bệnh
Để phòng bệnh cho don, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa, nắng nóng và không cần ánh sáng trực tiếp... Don là động vật hoang dã, mới được thuần hóa, sức đề kháng rất mạnh nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, don vẫn bị một số bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da, bệnh đường ruột…
- Bệnh ký sinh trùng ngoài da do ve, mò (1 loài ký sinh) cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc don tự liếm cũng có thể khỏi. Để phòng bệnh, ta nên định kỳ vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh 1 - 2 lần/tháng.
- Bệnh đường ruột thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên don có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa... Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.
8736-ntm.002920_ky-thuat-nuoi-con-don.pdf