Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 11731
Tổng truy cập : 2,030,398

Nuôi trồng thủy, hải sản

Kỹ thuật nuôi cua biển

Giới thiệu một số đặc điểm sinh học của cua biển: tính ăn, sinh trưởng, điều kiện, môi trường sống. Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua biển: xây dựng ao nuôi, cải tạo ao, con giống, mật độ thả giống, quản lý, chăm sóc, thu hoạch.


I. Đặc điểm sinh học của cua biển: Cua biển phân bố nhiều ở vùng biển nước ta, trong đó là cua xanh có tên khoa học là  Scylla serrata (Forskal) là loài có kích thước tương đối lớn, có giá trị kinh tế cao.

1. Tính ăn

Cua biển là loài ăn tạp nghiêng về động vật. Giai đoạn ấu trùng thức ăn là những loài động vật phù du (luân trùng, moina, artemia…). Giai đoạn từ cua con đến cua trưởng thành thức ăn là cá, ốc, tép  tươi sống.

2. Sinh trưởng

Từ ấu trùng đến trưởng thành cua phải qua nhiều lần lột xác và qua mỗi lần lột xác thì thay đổi về kích thước và hình thái cấu tạo thực thụ của cua.

Giai đoạn ấu trùng và cua bột thời gian giữa các lần lột xác thường ngắn từ 2-3 ngày hoặc 3-5 ngày. Giai đoạn trưởng thành cua thường lột xác vào chu kỳ của thuỷ triều (đầu con nước).

3. Điều kiện môi trường sống

pH: Cua sống vùng nước lợ có độ pH trong khoảng 7.5 – 9.5, thích hợp nhất là 7.5 – 8.2.

Độ mặn: Cua là loài rộng muối, có thể sống trong vùng nước gần như  ngọt cho đến độ mặn 33 %o. Khả năng thích nghi cao với sự thay đổi của độ mặn cua có thể nuôi ở vùng ven biển thuộc Tứ Giác Long Xuyên, Bán Đảo Cà Mau và dọc theo sông Cái Lớn

Nhiệt độ nước: Cua biển phân bố rất rộng, chịu đựng nhiệt độ nước thấp tốt. Ở vùng biển phía nam nước ta cua biển thích nghi với nhiệt độ nước từ 25 – 290C. Nhiệt độ cao thường ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sinh lý của cua,  đây là một trong những nguyên nhân gây chết cua.

Nơi cư trú: Cua thích sống ở nơi có nhiều thực vật thuỷ sinh, có những vùng bán ngập, có bờ để đào hang, tìm nơi trú ẩn, nhất là thời kỳ lột xác. Vùng rừng ngập mặn, cửa sông, ven biển có nhiều cua sinh sống.

 

II. Kỹ thuật nuôi

1. Xây dựng ao nuôi

Ao nuôi cua con thành cua thương phẩm thường có diện tích từ 500m2 đến 5000m2, sâu 1-1,5 m

Địa điểm: ao nuôi cần được xây dựng ở vùng dễ thay nước nhờ vào thuỷ triều để giảm chi phí. Chọn những vùng có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, nông nghiệpvà nước thải sinh hoạt sinh hoạt.

Bờ ao: bờ cần được nén kỹ để chống mọi, rò rỉ và sạt lỡ. Chân bờ ao rộng từ 3-4m, chiều cao từ 1.5 đến 2m, cao hơn mực nước triều cao nhất ít nhất là 0,5m.

Kênh: phía trong ao, cách bờ 2-3m đào một kênh rộng 3-4m bao quanh ao. Ở giữa ao chừa lại một cồn nổi cao hơn mặt nước ao 0.2-0.3m. Trong kênh nên bỏ thêm chà (nhánh cây được phơi khô) cho cua ẩn nấp.

Cống : mỗi ao nuôi nên có hai cống ở hai đầu đối diện nhau, nếu ao hình chữ  nhật thì hai cống sẽ đặt ở hai bờ thuộc chiều rộng. Cống thoát đặt sát đáy và thông với kênh trong ao. 

Làm đăng chắn quanh bờ không cho cua vượt bờ ra ngoài, có thể dùng lưới mùng loại thưa bao quanh, đăng tre. Đăng chắn phải nghiêng về phía trong ao một góc 600, đăng phải cao từ  0.8-1m.

2. Cải tạo ao

Tuỳ theo độ phèn của đáy ao mà có cách xử lý cho phù hợp, nếu pH của đất dưới 6 thì rải vôi bột (CaCO3) cho đáy ao: tháo cạn nước rải vôi đều trên đáy ao, cả lòng kênh và mép bờ ao.

Lượng vôi rải từ 7-10 kg/100m2 ao. Phơi đáy ao 2-3 ngày, sau đó cho nước ra vào 3-4 lần xã sạch nước phèn .

3. Con giống

Nguồn cua giống cung cấp cho nghề nuôi cua chủ yếu dựa vào nguồn giống khai thác trong tự  nhiên. Cua giống thu được ở hàng đáy, ghe cào ở các cửa sông; tìm bắt ở các bãi sình vùng ngập mặn. Hiện nay có nơi đã cho sinh sản nhân tạo giống cua biển

Cua con có các cỡ :

Cua hạt tiêu (chiều rộng mai từ 0,5-0,7 cm);

Cua hạt me (chiều rộng mai từ 1-1,5 cm);

Cua mặt đồng hồ (chiều rộng mai từ 3-4 cm).

Tốt nhất là nên mua cua giống từ vùng lân cận và sau khi đã đánh bắt được chuyển nhanh về nơi thả nuôi.

Trong từng ao nên thả cua cùng cỡ. Cũng có thể chọn cỡ cua theo mong muốn ngay ở nơi cung cấp cua giống, hoặc tuyển chọn trước lúc thả nuôi

4. Mật độ thả giống

Cua hột tiêu 2-3 con/m2, cua hột me 1-2 con/m2, cua mặt đồng hồ 0.5-1 con/ m2. Thả giống vào lúc trời mát, ở nhiều điểm khác nhau trong ao. Mỗi ao nên thả giống trong một hai ngày cho đủ số lượng.

5. Quản lý, chăm sóc

Cho ăn : cua nuôi trong ao phải cung cấp thức ăn hàng ngày. Thức ăn chủ yếu là  cá vụn, còng, ba khía, đầu cá … Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4 – 6% trọng lượng cua, cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối. Mỗi ngày cho cua ăn một lần vào thời gian từ 17 – 19h.

Cách cho ăn : thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau. Có thể dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của cua.  Sau 2-3 giờ cho ăn kiểm tra sàng ăn, nếu cua ăn hết thức ăn trong sàng thì có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn

Định kỳ thu mẫu để tính sản lượng cua có trong ao mà điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ.

Hàng ngày phải cho cua ăn, không được để cua đói. Những cua lớn bị đói sẽ giết những cua nhỏ ăn thịt. Vì vậy nuôi cua phải có thức ăn dự trữ. Những ngày không có thức ăn tươi sống thì cho cua ăn thức khô : cá vụn, tép phơi khô. Trước lúc rải xuống ao cho cua ăn nên ngâm cá khô vào nước vài chục phút cho cá mềm ra.

Việc đảm bảo môi trường nước trong sạch rất quan trọng đối với cua, nhất là nuôi mật độ dày cho ăn thức ăn tươi sống. Ở những nơi có thuỷ triều lên xuống hằng ngày cần thay nước thường xuyên. Mỗi ngày thay từ 20-30% lượng nước trong ao. Một tuần thay toàn bộ nước trong ao một lần. Nước mới trong sạch kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.

Thường xuyên kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua.

Trong thời gian nuôi khoảng 2 tuần một lần bắt cua cân đo để xem sinh trưởng của cua, xem xét tình trạng của cua : cua  khoẻ nhanh nhẹn, không bị ký sinh ngoài vỏ; xem trong xoang mang có bị ký sinh hay không. Nếu có hiện tượng bị nhiễm bệnh thì phải tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý.

Thời gian cuối của vụ nuôi trọng lượng cua trong ao tăng lên, cho ăn thức ăn nhiều nên môi trường rất dễ bị nhiễm bẩn. Do đó, việc thay nước, thường xuyên kiểm tra môi trường rất quang trọng..

Trong một số trường hợp, đáy ao tích tụ nhiều thức ăn thừa, thối rữa, có thể phải tháo cạn, gạn cua và làm vệ sinh đáy ao: cào bỏ lớp bùn trên mặt và thức ăn thừa thối ra ngoài

6. Thu hoạch

Đánh thử cua lên kiểm tra chất lượng. Cua thương phẩm đạt 250g/con trở lên. Cua chắc thịt hoặc đã đầy gạch (cua cái). Khi thấy cua đã đạt tiêu chuẩn, được giá thì thu hoạch cua để bán.


9204-ky-thuat-nuoi-cua-bien.pdf

Nguyễn Thanh Bình