Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 194 |
Tổng truy cập : | 561,857 |
Nuôi trồng thủy, hải sản
Kỹ thuật nuôi cua con thành cua thương phẩm
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cua con thành cua thương phẩm: chuẩn bị và cải tạo ao nuôi, thả giống, thức ăn, chăm sóc và quản lý, thu hoạch
1. Điều kiện ao nuôi:
Ao nuôi cua ở vùng bãi triều, gần sông, nơi ít sóng gió, có nguồn nước
cấp và thoát chủ động, nguồn nước sạch, giàu chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp, nông nghiệp. Ao nên có diện tích từ 1.000- 5.000m2, độ sâu 0,8- 1,2 m, bờ ao rộng và được đầm kỹ để hạn chế cua đào hang đi sang ao khác, bờ ao cao hơn mức triều cường ít nhất 0,5m.
Chất đáy ao tốt nhất là loại đất thịt pha sét hay cát, lớp bùn đáy không quá 20cm, ao không nằm trong vùng đất và nước bị nhiễm phèn, pH nước từ 7,5- 8,5; độ mặn từ 3 - 250/00
Xung quanh bờ phải rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước...và đặt hơi nghiêng vào ao sao cho cua không thoát ra được.
Ao có cống cấp và thoát để đảm bảo cấp thoát nước cho ao, trước cống nên có 2 lớp đăng hay lưới chắn cẩn thận, lớp ngoài nên có hình chữ V.
Trong ao nên trồng cây, làm chà bằng các loại cây không có vị đắng hoặc bằng lá dừa nước để tạo nơi trú ẩn cho cua. Ao rộng nên đắp những ụ đất nổi khu vực giữa ao để cua đào hang trốn khi lột xác hay khi môi trường nước không tốt, như vậy sẽ hạn chế cua bò lên hoặc đào hang trên bờ.
2. Cải tạo ao:
Cải tạo ao nuôi cua thương phẩm được tiến hành như cải tạo ao ương cua bột lên cua giống hoặc cải tạo ao nuôi tôm.
Trong cải tạo ao nên sử dụng các loại vôi có hoạt tính mạnh như vôi nung CaO, vôi tôi Ca(OH)2, lượng vôi bón tùy theo pH đất, thường bón từ 200- 300 kg/lần (700- 1.000kg/ha. Sau đó, tiếp tục phơi đáy ao 3- 5 ngày cho diệt hết mầm bệnh.
Đối với các ao không tháo cạn được, ao bị nhiễm phèn thì không nên tháo cạn nước và phơi khô, vì với ao bị nhiễm phèn nếu phơi thì phèn đáy ao sẽ xì trên mặt ao. Khi tháo nước trong ao nên để lại lượng nước từ 10- 15 cm, sau đó tiến hành dùng máy bơm áp lực mạnh để xịt rửa đáy ao, lượng bùn sau khi xịt rửa cho toàn bộ vào ao chứa, xử lý trước khi cho ra ngoài. Lập lại quá trình trên từ 2- 3 lần, cho đến khi nào nền ao tương đối sạch thì thôi. Sau đó tiến hành bón vôi như trên.
3. Thả giống:
Chọn cua giống khoẻ mạnh, đồng đều kích cỡ, màu sắc tươi sáng, không bị gãy các phần phụ. Cua được vận chuyển bằng thùng xốp có để các bao bố, bao cước hay rong, cỏ để giữ độ ẩm cho cua. Khi vận chuyển tránh nước mưa và ánh nắng trực tiếp vào cua giống.
Trước khi thả cua nên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi để điều chỉnh trong khoảng thích hợp. Thả cua vào sáng sớm hoặc chiều mát, thả đều khắp bờ ao, nên thả gần những bó chà để cua vào trú ẩn.
Mật độ thả: từ 0,5 - 1 con/m2
Mùa vụ nuôi cua con thành cua thịt có thể quanh năm nhưng phổ biến nhất vào khoảng tháng 2- 5 dương lịch. Lúc này nguồn giống phong phú điều kiện môi trường nước tương đối thuận lợi cho nuôi cua. Những tháng mùa mưa cũng có thể nuôi cua nhưng sự biến động lớn về nhiệt độ, độ mặn, độ phèn,... có thể ảnh hưởng xấu đến nuôi cua.
4. Thức ăn, chăm sóc, quản lý
Cua ăn tạp, thức ăn là động vật, có thể sử dụng các loài tôm cá rẻ tiền, các loài nhuyễn thể, các loại bột ngũ cốc chế biến với cá cho ăn.
Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5- 80/0 trọng lượng cua tuỳ thuộc chất lượng của thức ăn. Mỗi ngày nên cho cua ăn 2 lần: sáng sớm từ 5 - 6 giờ và chiều từ 17 - 18 giờ.
Thức ăn được rải đều ở chỗ nước nông ven bờ và ở những bãi nông, có thể làm sàn cho cua ăn để dễ kiểm tra lượng thức ăn của cua nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh thừa thức ăn thì sẽ lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước, còn thiếu thì ảnh hưởng đến tỉ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của cua. Cua là loài hung dữ và háo ăn không nên khi bị đói cua có thể ăn thịt lẫn nhau.
Thường xuyên quản lý, chăm sóc theo dõi nước ao và mọi hoạt động của cua để xử lý kịp thời. Nếu ao chủ động được nước thì cho nước ra vào thường xuyên, còn không thì hàng ngày thay khoảng 20- 25% lượng nước trong ao để giữ môi trường nước trong sạch.
Trong quá trình nuôi, sử dụng các loại vôi nông nghiệp, đá vôi CaCO3 để bón cho ao nhằm tăng cường hệ đệm, ổn định độ kiềm, pH nước ao. Liều lượng được sử dụng 200- 300 kg/ha/lần, định kỳ 10 ngày bón một lần và bón sau khi thay nước.
Kiểm tra bờ, đăng chắn, những chỗ hư hỏng phải được sửa lại, không để cua thoát ra ngoài.
Định kỳ kiểm tra sinh trưởng của cua 1 tháng cân đo trọng lượng, kích thước một lần, kiểm tra mật độ. Trên cơ sở dự doán sự tăng khối lượng để tăng số lượng thức ăn tương ứng cho cua nuôi trong ao.
Cua trưởng thành thường bị bọ cua ký sinh trong bụng cua hút hết dịch làm cho cua cái không lên gạch, cua đực gầy yếu. Vì vậy trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khoẻ của cua và có biện pháp phòng, trị.
5. Thu hoạch:
Sau thời gian nuôi từ 3- 4 tháng tuỳ theo cỡ giống thả, cua đạt trọng lượng từ 300- 350g/con thì thu hoạch.
Thường thu cua bằng cách dùng lồng lưới thu tỉa con lớn, chắc đem bán hoặc nếu cua chắc đạt đồng đều thì tháo cạn để bắt toàn bộ.
Những cua còn nhỏ, hoặc cua ốp (vừa lột xác không lâu) thì để lại nuôi tiếp.
31529-ntm.001936_ky-thuat-nuoi-cua-con-thanh-cua-thuong-pham.pdf