Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1387
Tổng truy cập : 558,206

Nuôi trồng thủy, hải sản

Kỹ thuật nuôi ếch thịt

Ếch là động vật lưỡng cư sống được cả trên cạn và dưới nước. Thịt ếch trắng hồng, dai, thơm ngon là nguồn cung cấp đạm rất tốt cho con người. Bài viết giới thiệu kỹ thuật nuôi ếch thịt: cách xây dựng bể nuôi, phương pháp chọn giống và mật độ thả nuôi, kỹ thuật cho ăn và cách chăm sóc quản lý thu hoạch, vận chuyển ếch.


Ếch là động vật lưỡng cư sống được cả trên cạn và dưới nước. Ếch phân bố khắp nơi ao hồ, đồng ruộng, sông ngòi, những nơi ẩm ướt và có nguồn nước ngọt. Thịt ếch trắng hồng, dai, thơm ngon là nguồn cung cấp đạm rất tốt cho con người.

1. Xây dựng bể nuôi:

Có thể tận dụng đất dư thừa trong vườn làm bể hoặc chuồng heo đã bỏ nuôi để nuôi ếch.

- Bể nuôi ếch có diện tích trung bình 6-10m2, tường cao 1,2-1,5m, có lưới đậy để tránh ếch nhảy ra, hạn chế ánh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ. Đồng thời, tránh kẻ thù gây hại như: rắn, mèo, chuột, chim…

- Đáy bể nên làm hơi nghiêng để dễ thay nước.

Chú ý, bể nuôi ếch không nên che mát hoàn toàn. Trong bể nuôi nên làm những ụ đất hoặc phao (bè) nổi trên mặt nước đủ cho tất cả ếch trong bể có thể trú ngụ.

- Mực nước trong bể nuôi 20-25cm. Nên thường xuyên phun nước tưới cho ếch, nhất là vào lúc trưa nắng.

2. Chọn giống và mật độ thả nuôi:                                       

Ếch cạnh tranh thức ăn rất cao dẫn đến phân đàn mạnh và ăn thịt lẫn nhau. Nên chọn đàn ếch cùng ngày tuổi và cùng kích thước, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không bị xây xát, dị tật và thả với mật độ hợp lý là hết sức quan trọng và quyết định năng suất sau này.

- Ếch giống cỡ 5-6g/con, đảm bảo chất lượng và quen ăn thức ăn viên.

- Ếch 5-70g/con: thả 150-200 con/m2.

- Ếch 70-150g/con: thả 100-150con/m2.

- Ếch 150g/con trở lên: thả 80-100 con/m2.

- Trước khi thả giống nên tắm ếch bằng nước muối 3% trong 15 phút.

3. Thức ăn và cách cho ăn:

Hiện nay thức ăn sử dụng nuôi ếch hoàn toàn là thức ăn công nghiêp loại dành cho cá giống, cá da trơn, cá rô phi: có hàm lượng đạm từ 22-40%.

Thức ăn được rãi đều khắp bể nuôi, tránh cho ăn tập trung một chổ ếch giành thức ăn sẽ cắn nhau.

Cho ếch ăn nhiều lần trong ngày.

Ếch ăn mạnh vào lúc chiều tối và đêm nên ban ngày cho ếch ăn ít, tập trung thức ăn vào tối và đêm cho ếch. Định kỳ bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khỏe hạn chế dịch bệnh và tiêu hóa tốt thức ăn.

Ngoài ra cũng cần phải lựa chọn kích cỡ thức ăn và hàm lượng đạm cho phù hợp với sự phát triển của ếch.

4. Chăm sóc quản lý:

Thường xuyên san thưa và phân cỡ đàn ếch để tránh trường hợp con lớn ăn con nhỏ.

Hằng ngày theo dõi mọi hoạt động của ếch: Mức ăn, tốc độ lớn, tình hình bệnh để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Định kỳ hàng ngày thay nước, vệ sinh bể nuôi.

Thường xuyên trộn men tiêu hóa + vitamin giúp ếch tăng sức đề kháng và phòng bệnh đường ruột.

Có thể định kỳ 7 ngày dùng iodine để tắm ếch với liều lượng 1ml/1m3 nước (ngâm qua đêm).

5. Thu hoạch và vận chuyển:

Sau khi thả giống nuôi được 2,5-3 tháng ếch đạt 150-300g/con (ếch Thái) thì có thể tiến hành thu hoạch bán ếch thịt.

- Cho ếch ngừng ăn trước khi thu hoạch 10-12 giờ.

- Tháo cạn nước trong bể nuôi rồi dùng vợt xúc hoặc thu bằng tay.

- Dùng hộp xốp có lỗ thông hơi và bèo tây hoặc dùng túi nilông có nước để vận chuyển ếch.

Vợt xúc, các dụng cụ dùng để chứa đựng ếch phải nhẵn, hạn chế bị sây sát.

6. Một số bệnh thường gặp và phương pháp phòng trị:

Hiện nay trong qua trình nuôi, ếch thường bị hao hụt là do một số nguyên nhân sau:

 - Hiện tượng ăn nhau:

Nguyên nhân: nuôi mật độ cao, thức ăn không đủ, kích cỡ nuôi không đồng đều. Phòng chống: mật độ nuôi vừa phải. Thức ăn phải đủ chất lượng, cho ăn đều khắp bể. Thường xuyên lọc và phân cỡ bể nuôi khi ếch nhỏ dưới 50g.

- Bệnh lở loét đỏ chân:Triệu chứng bệnh: Ếch giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Giải phẩu nội tạng, thấy xuất huyết trong ổ bụng.

Nguyên nhân: Do vi khuẩn A-rô-mo-nát Hyđờ-rô- phi-la phát triển khi môi trường nuôi bẩn và khi ếch bị sốc.

Phòng bệnh: Thường xuyên thay nước, giữ môi trường nuôi sạch sẽ.

Chữa trị: điều trị kịp thời khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Ngâm ếch trong dung dịch Iodine (PVP Iodine 350: 5 - 10 ml/1m3 nước). Dùng Oxytetracycline (3 - 5g/kg thức ăn).

- Bệnh về đường tiêu hóa: Triệu chứng bệnh: Bụng ếch trương phồng lên, ếch nằm yên một chổ. Một số con có hậu môn lồi ra, ruột bị sưng lên. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn.

Nguyên nhân, do ếch ăn thức ăn ôi thiu hay cho ếch ăn quá nhiều, ếch không tiêu hóa được, nguồn nước nuôi dơ do ít thay nước.

Phòng bệnh: Định kỳ trộn men tiêu hóa vào thức ăn của ếch. Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch.

Chữa trị: Giảm lượng thức ăn xuống còn 50%. Làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Sulphadimezine và trimethroprim (4 - 5g/kg thức ăn). Sử dụng liên tục 5 ngày.

- Bệnh mù mắt, cổ quẹo:Triệu chứng: Mắt bị viêm sưng. Mắt đục và mù cả hai mắt. Biến dạng cột sống và cổ quẹo, ếch thường xuyên quay cuồng và chết. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng có tài liệu cho là do vi khuẩn Pờ-sô-đô-mô-nát sp.

Chữa trị: Cách ly những con có triệu chứng bệnh. Ngâm ếch bằng Iodine với liều lượng 3-5 ml/m3 nước. Trộn thuốc cho ếch ăn: Enrofloxacin + Colistin.

 

 


89323-kt-nuoi-ech-thit.pdf

Bản tin số 8/2012