Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5621
Tổng truy cập : 1,157,032

Nuôi trồng thủy, hải sản

Kỹ thuật nuôi lươn đồng thương phẩm

Giới thiệu mô hình nuôi lươn trong bể xi măng và trong ao đất lót bạt đạt hiệu quả cao. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi lươn gồm các bước: chọn và thả giống, mật độ thả nuôi, chế độ ăn chăm sóc và quản lý, thu hoạch lươn.


1. Các mô hình nuôi lươn hiệu quả:

Nuôi lươn trong bể xi măng:

- Diện tích bể nuôi từ 4 - 6 m2 hoặc 10 - 20 m2. Độ cao thành bể từ 0,8 đến 1m. Mức nước 30 - 40cm, trên mặt nước thả bèo tây hoặc lục bình khoảng 1/3 diện tích bể để tạo bóng mát cho lươn. Trên mặt bể, treo dây nilon thành từng chùm để cho lươn trú ẩn.

- Bể nuôi lươn nên thiết kế ống cấp nước và thoát nước chủ động để dễ dàng thay nước. Lươn là một loài không ưa ánh sáng nên bể nuôi phải có mái che, hoặc làm giàn trồng cây leo tránh sự thay đổi nhiệt độ.

Nuôi lươn trong ao đất/bể lót bạt:

- Chọn nơi đất cứng, đào sâu xuống 20 - 40cm, lấy đất đào bể đắp lên bờ. Dùng tre, cây gỗ có sẵn để làm khung bên ngoài, bên trong lót bạt.

Tùy theo nhu cầu và điều kiện sản xuất thì diện tích bể nuôi có thể là 2 x 3m, 4 x 5m, 4 x 6m hoặc lớn hơn. Độ cao của bể nuôi lươn là  0,8 - 1m.

Đáy bể phủ một lớp đất thịt pha sét (đất ruộng) chiếm 1/2 - 1/3 diện tích bể, cao 0,3 - 0,4m, mực nước trong bể nuôi 20 - 30cm. Trong bể thả lục bình, hoặc trồng cỏ trên mô đất tạo điều kiện sinh thái như ngoài tự nhiên làm nơi trú ẩn cho lươn, xung quanh có bóng râm, hoặc có giàn lưới để che mát.

2. Kỹ thuật nuôi lươn:

Chọn giống và thả giống:

Khi lựa chọn lươn giống cần lưu ý những điều sau:

- Kích thước lươn giống tốt nhất là cỡ 30-40 con/1kg.

- Kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, linh hoạt, không xây xát, mất nhớt.

- Nên chọn những con lươn thân màu vàng có chấm lớn, loại này lớn rất nhanh; loại có thân màu vàng xanh, chỉ sinh trưởng trung bình. Không nên chọn lươn giống có màu xám tro, vì loại này thường chậm lớn.

Lưu ý:

Không chọn giống lươn tự nhiên bị đánh bắt bằng cách chích điện, lưỡi câu hoặc dùng thuốc nhữ mồi vì lươn sẽ chết sau 5-7 ngày thả nuôi. Do đó chỉ mua lươn nuôi khi tìm hiểu cách đánh bắt (xúc mô, đặt dớn) để mua được lươn khỏe mạnh, tỉ lệ sống cao.

Mật độ thả nuôi:

- Mật độ thả 1,5-2 kg/m2, cỡ giống 30 – 40 con/kg.

- Trước khi thả lươn, nên tiến hành sát trùng cho lươn bằng dung dịch muối có nồng độ 2 - 3% trong thời gian 5-10 phút hoặc thuốc tím 10-15 ppm trong 15 - 30 phút để loại trừ ngoại kí sinh và sát trùng vết thương do xay xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.

Thức ăn:

- Thức ăn cho lươn có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp, ốc bươu vàng cắt nhỏ sẽ lớn nhanh hơn so với thức ăn có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên để giảm bớt chi phí và chủ động nguồn thức ăn có thể phối chế thức ăn cho lươn với tỉ lệ đạm động vật và thực vật là 7:3 hoặc 8:2.

- Thức ăn đạm động vật nên băm nhỏ hay xay nhuyễn, để sống hoặc nấu chín. Phần đạm thực vật cần nấu chín, để nguội. Sau đó trộn đều 2 phần này với nhau, trộn thêm bột gòn để tạo độ dính cho thức ăn, đồng thời bổ sung thêm các vitamin, men tiêu hóa như: Vitalec, Mita Glucan, Mita Aquazyme,… để chống stress, tăng cường sức đề kháng cho lươn, giúp lươn tăng trọng tốt.

- Không cho lươn ăn thức ăn đã ươn thối.

Chăm sóc và quản lý:

Thuần dưỡng trước khi thả nuôi

Giống nuôi chủ yếu được khai thác từ nguồn giống tự nhiên nên cần có bể để thuần dưỡng, phân cỡ và phòng trị bệnh trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Bể thuần dưỡng để nơi thoáng mát và yên tĩnh, tránh ánh nắng trực tiếp.

Trong 1 - 2 ngày đầu, không cho lươn ăn tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Mật độ thuần dưỡng 2 - 4 kg/m2. Thay nước 1 - 2 lần/ngày. Thời gian thuần dưỡng là 5 – 7 ngày.

Cho ăn:

- Sau khi thả giống, không nên cho lươn ăn liền mà để chúng thích nghi với môi trường mới 3 đến 5 ngày, sau đó rút cạn nước và cấp nước mới vào mới bắt đầu cho ăn.

- Lươn là loài ăn đêm nên chỉ cho ăn 1 lần/ngày lúc 6-7 giờ tối. Lượng thức ăn bằng 5-7% trọng lượng thân/ngày.

- Thức ăn nên được để trong sàn (đan bằng tre), một đầu có dây treo thả xuống gần sát đáy ao/bể cho lươn đến ăn. Phải để đủ thức ăn cả đêm để lươn ăn từ từ, sáng hôm sau kéo sàn lên bỏ lượng thức ăn dư thừa.

- Trong quá trình nuôi chỉ nên cho ăn một loại thức ăn, nếu bắt buộc phải thay đổi thức ăn khác thì không nên thay thay đổi thức ăn đột ngột mà phải thay đổi từ từ để lươn tập quen dần với mùi vị của thức ăn mới.

Thay nước:

 Lươn nuôi trong bể với mật độ cao, nhưng mực nước trong bể nuôi chỉ từ 20-30cm, nên rất mau dơ, do đó 1-2 ngày nên thay nước một lần, mỗi lần thay từ 1/2 đến 2/3 lượng nước trong bể.

Quản lý:

 -  Theo dõi hoạt động và tính ăn của lươn để điều chỉnh và loại bỏ thức ăn dư thừa.

- Thường xuyên theo dõi để loại bỏ lươn chết tránh thối nước.

- Không nên để lươn quá đói tránh để chúng ăn lẫn nhau.

- Khi nắng nóng kéo dài, cần làm thêm dàn che mát cho lươn.

- Lươn rất hay bò trốn đi nơi khác, nhất là lúc trời mưa liên tục, lươn theo mực nước dâng lên hoặc bờ nứt mà chui ra ngoài… Vì vậy, phải thường xuyên kiểm tra kịp thời sửa chữa.

Thu hoạch:

Sau 5-6 tháng nuôi lươn có thể đạt kích cỡ 100-150g/con  với năng suất nuôi từ 5 – 10 kg/m2. Hệ số tiêu tốn thức ăn FCR từ 6 – 7.

Cho lươn nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch


56637-ntm.00232_ky-thuat-nuoi-luon-dong.pdf

Nguyễn Hương Thùy