Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2122
Tổng truy cập : 560,343

Nuôi trồng thủy, hải sản

Kỹ thuật nuôi lươn trong bể

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi lươn trong bể: điều kiện bể nuôi, chọn và thả giống, chăm sóc và quản lý, phòng và trị một số bệnh cho lươn.


1. Điều kiện bể nuôi

Lươn được nuôi trong bể xi măng, Composite, bể lót bạt…, nhưng phổ biến nhất là nuôi trong bể xi măng.

      - Diện tích từ 5 - 10 m2

      - Thành bể cao hơn 0,8 - 1 m; độ sâu mức nước từ 0,2 - 0,4 m.

      - Bể được xây bằng gạch, đá,... thành bể có độ dày từ 10 - 15 cm.

      - Toàn bộ mặt trong của bể cần láng bóng bằng xi măng.

- Bể nuôi cần có cống thoát nước để tiện cho công việc chăm sóc, thay nước sau này. Mặt đáy nghiêng về phía lỗ thoát nước khoảng 2,5 - 3 cm. Miệng cống phải bịt lưới tránh lươn chui trốn ra ngoài.

- Trên bề mặt bể có thể thả bèo để làm mát nước.

- Đối với bể cũ:  Sau khi thu hoạch xong tháo cạn nư­ớc, chà rửa bể và phơi trong khoảng thời gian 20 - 30 ngày (kết hợp hoà vôi bột quét mặt trong của bể ).

- Đối với bể mới xây:  Cấp nư­ớc vào bể và ngâm với cây chuối hột trong khoảng thời gian 10 - 15 ngày sau đó xả bỏ rồi rửa lại bằng nước sạch. Làm đi làm lại 2 - 3 lần rồi mới tiến hành cấp nước vào bể nuôi

- Nhiệt độ nước thích hợp nhất khoảng 25 - 270C

            - Ngoài bể nuôi nên có một bể chứa nước để lọc và thay nước lúc cần thiết.

            - Giá thể để lươn trú ẩn có thể là ống tre, gạch lỗ,...

 

2. Chọn và thả giống

- Thời vụ thả: Từ tháng 3 - 4 dương lịch

            - Mật độ thả: 80 - 160 con/m2, cỡ giống khoảng 40 con/kg thả

            - Chọn giống:  Khoẻ mạnh, có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng ( lưng có màu vàng sẫm, có chấm đen), bơi lội nhanh nhẹn. Không xây sát, thương tổn, mất nhớt.

            - Cách thả: Thả vào lúc trời mát, thả nhẹ nhàng vào bể. Trước khi thả cần tắm nước muối 5% trong 5 - 10 phút để khử trùng lươn con để loại bỏ ký sinh trùng và sát trùng vết thương do xây sát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.

            Lưu ý: Nguồn giống nuôi chủ yếu được khai thác từ giống tự nhiên nên cần có bể thuần dưỡng, phân cỡ trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Trong 1 - 2 ngày đầu không cho lươn ăn tạo điều kiện thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Mật độ thuần dưỡng 3 - 5 kg/m2, thay nước 1 - 2 lần/ngày, thời gian thuần dưỡng 5 - 7 ngày.

 

3. Chăm sóc và quản lý

            3.1. Chăm sóc

            - Thức ăn chủ yếu là cá tạp, giun, ốc, hến... (Nếu thức ăn cho lươn là cá tạp thì trước khi cho ăn cần phải rửa sạch và cắt nhỏ)

            - Thức ăn nên hấp chín và bổ sung thêm men tiêu hóa, VitaminC với liều lượng 4 - 5g/1kg thức ăn để tăng sức để kháng và phòng bệnh đường ruột cho lươn. Định kỳ trộn tỏi vào thức ăn với liều lượng 4 - 5g/kg thức ăn .

            - Lươn  cần phải trải qua quá trình thuần hoá để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 - 10 ngày đầu cho ăn thức ăn hoàn toàn vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh có thể cho ăn 2 lần/ ngày, mỗi ngày 5 - 7% trọng lượng đàn lươn.

            - Dụng cụ cho ăn là sàng tre đan ( kích thước 0,8 m x 1m), nhẵn hoặc sàng lưới cước được đặt cách mặt nước 10 - 20 cm.

             - Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn cần phải nắm vững nguyên tắc “4 định" để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý.

-  Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, sau khoảng 3 - 4 h kiểm tra lại sàng ăn để xem khả năng bắt mồi của lươn, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp ở lần kế tiếp. Khi lươn trưởng thành mỗi ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều mát.

3.2. Quản lý

            - Trong thời gian nắng nóng nên dâng cao mực nước, 1 tuần thay nước 1 lần, chú ý loại bỏ tạp chất và thức ăn thừa đề phòng nước bị nhiễm bẩn.

- Có thể thả bèo với diện tích khoảng 1/5 tổng diện tích bể nuôi để làm sạch nước và làm chỗ trú ẩn.

            - Mỗi tháng nên kiểm tra, phân loại cỡ lươn để thuận tiện trong việc chăm sóc và tránh hiện tượng chúng ăn thịt lẫn nhau.

            - Giai đoạn đầu lươn mới thả 7 ngày thay nước 1 lần. Từ 2 tháng trở đi khoảng 4 ngày thay nước 1 lần với lượng nước thay 20 - 30%

            - Định kỳ 10 - 15 ngày dùng vôi bột với lượng 10 - 20g/m3 hoà vào nước tạt đều khắp bể để phòng bệnh cho lươn.

 

4. Phòng và trị một số bệnh

            Lươn là loài sống chui rúc ở dưới bùn, chúng có sức chịu đựng cao ở ngoài thiên nhiên, nhưng khi nhốt vào nuôi với mật độ dày lươn dễ bị bệnh.

            4.1. Bệnh sốt nóng

            a. Nguyên nhân: Do nuôi lươn với mật độ dày, dịch nhờn tiết ra và khi nhiệt độ nước tăng lên hàm lượng oxy giảm. Lươn bị xáo động trong bể, quấn vào nhau, dịch nhờn tiết vào trong nước, độ nhớt của nước tăng lên.

b. Dấu hiệu bệnh: Đầu sưng phồng dẫn đến lươn chết hàng loạt.

            c. Phòng trị: Giảm mật độ nuôi, thay nước. Khi phát hiện bệnh có thể dùng dung dịch Sunphat đồng 0,07 % với lượng 0,5 - 0,7g/m3 nước, sau 24h tiến hành thay nước.

            4.2. Bệnh lở loét

a. Nguyên nhân: Thường do ký sinh trùng, vi trùng bám vào vết thương.

b. Dấu hiệu bệnh: Trên thân xuất hiện nhiều vết tròn hay hình bầu dục. Toàn thân bị lở loét, nếu bệnh nặng lươn bị rụng đuôi, bơi lội khó khăn, ngoi lên khỏi mặt nước, bệnh này thường xảy ra vào tháng 5 - 9.

            c. Phòng trị: Trước khi nuôi sát trùng bể bằng vôi, vào mùa hay mắc bệnh cần kết hợp dùng thuốc tím 2 - 3g/m3 hoặc Iodine 1 - 1,5g/m3 hòa tan vào nước  tạt đều khắp bể nuôi.

            4.3. Bệnh tuyến trùng

            a.Nguyên nhân: Do ký sinh trùng đường ruột gây viêm ruột sưng đỏ.

b. Dấu hiệu bệnh: Nếu ký sinh trùng với khối lượng lớn, lươn yếu, hậu môn sưng đỏ, sẽ chết dần.

            c. Phòng trị: Dùng thuốc tím 2 - 3g/m3 hoặc Iodine 1 - 1,5g/m3 hoàn tan với nước tạt đều khắp bể nuôi.

 

5. Thu hoạch

- Sau thời gian nuôi từ 3 - 4 tháng lươn đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoach. Trước khi thu cho lươn nhịn ăn 1 ngày.

- Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ tuỳ theo nhu cầu tiêu thụ thị trường để thu hoạch cho hợp lý. 


25615-ky-thuat-nuoi-luon-trong-be.doc