Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 434
Tổng truy cập : 562,537

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi nhông trên vùng cát ven biển

Giới thiệu một số kỹ thuật nuôi nhông mang lại hiệu quả kinh tế cao: chuẩn bị và xây dựng chuồng trại, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, vệ sinh và phòng bệnh cho nhông


Kỳ nhông hay Nhông thuộc họ Kỳ đà là loài vật sống tự nhiên ở vùng ven biển, dễ nuôi, chi phí ít, giá bán lại cao, thị trường tiêu thụ lớn.

1. Chuồng trại

Chọn vùng đất làm chuồng cao ráo, không ngập nước.

Đáy chuồng có thể làm bằng xi măng (dày khoảng 2 – 3cm) hoặc lót gạch (có chừa khe hở) để nhông không đào hang thoát đi nhưng phải bảo đảm nước rút nhanh khi mưa.

Tường xây bằng gạch, cao từ 1,5-2m, hoặc dùng tôn láng đóng xung quanh, phía trên rải tôn thiếc (tôn lạnh) rộng khoảng 30cm để nhông không thoát ra ngoài.

Diện tích chuồng nuôi có thể từ vài chục đến vài trăm mét vuông, bên trong đổ một lớp cát dày 60 – 70cm, có ụ cao để nhông sinh sống và làm tổ. Mật độ thả từ 10 – 15con/ m.  
Chuồng xây ở nơi yên tĩnh, tránh sự xâm nhập của những loài thú gây hại cho nhông (chó, mèo, chuột).

Bố trí hệ thống bơm nước để phun giữ ẩm chuồng nuôi trong mùa nắng, đồng thời trồng các loại cây cỏ (cỏ sả…) và cây che bóng (cậy trứng cá…) tán cây chỉ nên che ½ - 1/3 diện tích chuồng nuôi, thân cây nên bọc bằng tôn láng và cách xa tường rào nhằm tạo bóng mát và thức ăn cho nhông.

2. Thức ăn

Thức ăn cho nhông bao gồm cả động vật lẫn thực vật:

- Động vật: mối, dế, châu chấu, giun…

- Thực vật: chủ yếu là các loại rau, củ.

Có thể tận dụng các loại rau phế thải mà con người không sử dụng như: lá già, bắp cải bị sâu đục… nhưng cũng nên chủ động nguồn thức ăn cho nhông bằng cách trồng các loại rau xanh, cỏ năng suất chất lượng cao.

3. Chăm sóc, nuôi dưỡng

Cho nhông ăn 1 – 2lần/ngày (thức ăn xanh từ 2 - 6 kg/ngày/1000 con), theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, nên băm nhỏ trước khi cho ăn đối với các loại thức ăn cứng hoặc có kích thước lớn. Nên bố trí nhiều điểm cho nhông ăn trong khu nuôi, vì nhông tham ăn và thường tranh giành lẫn nhau.

Bố trí một số dụng cụ đựng nước trong khu nuôi để cho nhông uống. Vào mùa sinh sản nên cho ăn thêm các loại rau mầm (giá đỗ…) để nâng cao khả năng sinh sản của đàn nhông.

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, vì nhông là loài ưa sạch nên thức ăn phải khô ráo, không bị ẩm ướt. Buổi chiều khi nhông đã vào hang thì tiến hành dọn vệ sinh máng ăn, thức ăn thừa trong ngày phải được gom bỏ ra ngoài.
Thường xuyên kiểm tra chuồng, kịp thời phát hiện và xử lý những kẻ hở, lỗ thủng để nhông không chui ra ngoài.

Quan sát số hang để biết tình hình phát triển của đàn nhông, số hang càng nhiều chứng tỏ nhông sinh sản, phát triển càng tốt.

4. Thu hoạch

Có thể thu nhông bằng nhiều cách:

Đào hang: Theo dõi những con nhông lớn ở hang nào, lấy que đánh dấu và tiến hành đào hang để bắt.

Dùng lưới: Dùng lưới có mắt nhỏ rải đều xuống mặt đất, sau đó rải thức ăn xung quanh. Khi nhông ra ăn gần hết thức ăn thì ta tạo ra một tiếng động mạnh khiến nhông bỏ chạy, chúng sẽ bị mắc vào lưới.

Đặt bẫy: Sử dụng lưới mắt cáo mềm để làm bẫy, cho những loại thức ăn có màu (cà chua, cà rốt, hoa phượng ...) vào bẫy và đặt cạnh hang.

5. Vệ sinh, phòng bệnh

Phải đảm bảo môi trường sống của nhông (ẩm độ, bóng mát và sự yên tĩnh), không để nước đọng và các loại thú gây hại.

Cho nhông ăn, uống đầy đủ, nhất là giai đoạn nhông lột xác và mùa sinh sản phải tăng cường thức ăn giàu đạm và Vitamin.

Khi phát hiện nhông có những biểu hiện bất thường (chậm chạp, ăn ít, hoảng loạn ...) cần xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời.

Định kỳ sử dụng các hóa chất sát trùng, tiêu độc để vệ sinh khu chăn nuôi./.


46147-ntm.001941_ky-thuat-nuoi-nhong-tren-cat.pdf