Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 409
Tổng truy cập : 562,487

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi rắn Ráo Trâu

Giới thiệu quy trình kỹ thuật nuôi rắn Ráo Trâu: chuẩn bị chuồng nuôi, thức ăn, cách chọn và chăm sóc rắn sinh sản, kỹ thuật ấp trứng, kỹ thuật nuôi rắn con, quản lý chăm sóc và phòng trị bệnh


– Rắn Ráo trâu thuộc loài rắn hổ, tên khoa học là Ptyas Mucosus, là loài rắn nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Tên gọi của nó tùy vào nơi nó sống. Ở miền Đông người ta gọi nó là rắn Long Thừa, miền Tây gọi là Hổ Hèo, miền Trung gọi là Ráo Trâu và miền Bắc là Hổ Trâu. Rất nhiều tên gọi nhưng tên chung của loài rắn này là hổ dện vì trên mình nó có nhiều vằn vện.

– Đây không phải là loài rắn độc, nguy hiểm mà có nhiều công dụng trong y học, nhất là sản xuất thuốc chữa bệnh.

I. Kỹ thuật nuôi

1. Chuồng nuôi

– Chuồng nuôi rắn có nhiều dạng, chuồng xi măng hoặc chuồng lưới.

– Diện tích chuồng nuôi: 2m x 1m x 1,2m (Dài X Rộng X Cao).

– Cửa chuồng làm ngang bên hông để tiện vệ sinh.

– Bên trong chuồng có vỉ tre để rắn nằm, mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ để tạo sự thoáng mát, sạch và êm để rắn nghỉ ngơi.

– Đáy chuồng tráng một lớp xi măng mỏng, sau đó đắp lên một lớp đất khoảng 2cm

– Chuồng rắn có thể đặt ở vị trí đầu nhà nơi có mái che hoặc tận dụng các gian nhà trống để nuôi, chỗ đặt chuồng phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, chống gió lạnh thổi vào. Mỗi chuồng có thể nuôi được 50 con rắn.

– Theo kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi rắn, loài rắn rất dễ gần nếu như đã quen hơi với người nuôi. Đặc biệt khi cho rắn ăn phải mang đủ các thiết bị phòng hộ như: kính, găng tay, ủng cao su và nhất là không uống rượu trước khi vào chuồng rắn tránh bị lạ hơi gây sự phản ứng của rắn.

– Trước đây, việc cho rắn ăn là đưa mồi vào chuồng một lúc, không kiểm tra được khẩu phần ăn của từng con nên dễ xảy ra tình trạng dư thừa thức ăn gây tốn kém và lãng phí. Điều này làm rắn chán ăn và gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng rắn, rắn trưởng thành không đồng đều.

– Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên phân loại rắn, phát hiện kịp thời và cách ly rắn bệnh để điều trị, ngăn ngừa dịch bệnh cho rắn, tránh thất thoát trong quá trình chăn nuôi.

2. Thức ăn

– Rắn là loài động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, có khả năng thích ứng với điều kiện nuôi dưỡng. Chúng rất kỹ tính, thức ăn chính của chúng là cóc, nhái … và chúng ăn rất sạch, con mồi phải còn sống. Hơn nữa, rắn chỉ ăn khoảng 2-3 lần trong 1 tuần.

– Thức ăn của rắn non chủ yếu là ếch, nhái nhỏ, cá, tép…Cứ 3-5 ngày lại cho rắn ăn một lần, số lượng thức ăn tăng dần theo tuổi.

– Thức ăn của rắn trưởng thành chủ yếu là chuột, cóc, ếch, nhái…Rắn bắt mồi bằng cách đớp, ngoạm, răng cong vào trong nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng nên có thể nuốt được những con mồi lớn.

– Thức ăn cho rắn không được cho vào tràn lan như trước, mà phải đựng vào trong thùng để khi đói rắn có thể vào ăn, những thức ăn thừa sẽ không bị rơi vãi ra ngoài làm bẩn chuồng rắn.

– Nước uống: tốt nhất nên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho rắn uống và tắm tự do. Trong chuồng cần đặt vật chứa nước cho rắn tắm và uống, phải thay nước hàng ngày. Nên đặt bóng đèn trong chuồng rắn, nhằn tạo cho rắn thích nghi với ánh sáng và tạo nhiệt độ ấm cho rắn (nếu vào mùa đông).

II. Kỹ thuật sinh sản

Việc chọn giống rắn làm bố mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng con rắn sau này.

1. Chọn và chăm sóc rắn sinh sản

– Chọn rắn đực, rắn cái làm giống phải dựa trên ngoại hình, rắn từ khi sinh ra đến trưởng thành không có lần nào bị nhiễm bệnh. Trong quá trình nuôi, rắn chóng lớn, da rắn mượt, thân hình dài cân đối.

– Rắn đực và rắn cái phải khác dòng để khi lai tạo tránh nhiễm trùng huyết.

– Quá trình sinh trưởng phát triển của rắn phải trải qua những lần lột da. Đối với loài rắn Long Thừa, thời gian rắn thay da khoảng 15-20 ngày và tiếp tục thay da trong suốt quá trình rắn lớn, một con rắn cái từ lúc nở đến lúc sinh sản từ 9-10 tháng tuổi. Sau khi thay da nếu được cung cấp thức ăn đầy đủ, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tốc độ tăng trưởng của rắn có thể tăng nhanh hơn 2-3 lần.

– Bên cạnh việc chọn lựa rắn giống thì vấn đề đảm bảo tỷ lệ trứng rắn nở cao cũng cần được quan tâm. Để đảm bảo tỷ lệ trứng nở cao chúng ta có thể nuôi ghép 2 con rắn đực với 10 con rắn cái.

– Thời gian rắn đẻ sau khi phối giống khoảng 30 đến 35 ngày. Một con cái có thể đẻ từ 12 – 21 trứng.

2. Kỹ thuật ấp trứng

– Dụng cụ ấp trứng rắn của nông dân hiện nay rất đơn giản (một cái lu), lấy đất có độ ẩm 25-30 độ bỏ vào ½ lu, sau đó xử lý thật chặt, tiếp theo rãi thêm 01 lớp cát trải mỏng rồi bỏ trứng rắn vào, dùng bao diêm hoặc vải bịt miệng lu lại, khoảng 75 ngày sau rắn tự nở.

– Trong điều kiện chăn nuôi, khi ấp trứng cần kiểm tra trứng vài lần, nếu thấy các quả trứng to đều, trắng, khô ráo là trứng tốt, những quả vỏ xỉn vàng là trứng hỏng phải loại bỏ ngay.

3. Kỹ thuật nuôi rắn con

– Rắn con mới nở thả vào chuồng cho uống nước khoảng 7 ngày sau rắn thay da, khi rắn thay da thả nhái nhỏ vào để rắn ăn, trung bình 50 con rắn con 01 tháng tuổi mỗi ngày ăn khoảng 0,5kg nhái con.

– Rắn con để nuôi hiện có giá từ 50.000- 70.000đ/01con. Rắn 8 tháng tuổi có trọng lượng từ 1,2kg trở lên thì mới đẻ nhiều trứng.

III. Quản lý chăm sóc, phòng trị bệnh

– Công việc quản lý vệ sinh chuồng trại cũng là yếu tố quyết định đến kết quả nuôi. Nếu quản lý không tốt dễ dẫn đến thiệt hại. Thường ngày phải dọn phân trong chuồng, số phân hàng ngày thải ra không nhiều, phân thường khô, ít mùi hôi.

– Rắn là động vật hoang dã, ít bị bệnh. Tuy nhiên, biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho rắn là biện pháp tốt nhất: chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ, không lầy lội, không nóng quá, lạnh quá, không có mùi lạ, tránh ruồi nhặng và các loại côn trùng khác gây hại cho rắn.

Rắn Long Thừa là loài rắn ít bị bệnh hơn các loài rắn khác, song trong quá trình nuôi đôi lúc rắn cũng bị bệnh tiêu chảy.

→ Khi rắn bị tiêu chảy, cách nhận biết như sau:

Hàng ngày dọn vệ sinh chuồng cho rắn, khi quan sát thấy số lượng phần ăn của rắn giảm, có hiện thượng phân hôi, nhão đó là bệnh tiêu chảy.

→ Để điều trị bệnh này ta áp dụng biện pháp sau:

Cho rắn ăn ít lại và cho uống men tiêu hóa chống tiêu chảy. Hàng ngày, quét dọn đáy chuồng, rửa máng nước, loại bỏ phần thức ăn thừa. Đồng thời phải đảm bảo chế độ và số lượng thức ăn theo nhu cầu của rắn trong từng thời kỳ (dựa theo trọng lượng của rắn).


98948-ntm.001955_ky-thuat-nuoi-ran-rao-trau.pdf