Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 37837
Tổng truy cập : 728,297

Chăn nuôi

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc trâu sinh sản

Trong thời gian mang thai trâu cần đủ dinh dưỡng cho duy trì cơ thể, tăng trọng bản thân và nuôi bào thai. Bài viết đã giới thiệu Kỹ thuật nuôi và chăm sóc trâu sinh sản gồm các giai đoạn: Chăm sóc trâu trong giai đoạn chửa, phương pháp cho trâu đẻ, kỹ thuật nuôi trâu giai đoạn nuôi con, nuôi dưỡng nghé con


Thời gian mang thai của trâu là khoảng 10 tháng rưỡi và phụ thuộc vào từng loại hình trâu (trâu sông mang thai khoảng 305-307 ngày, trâu đầm lầy 320-325 ngày). Trong thời gian mang thai trâu cần đủ dinh dưỡng cho duy trì cơ thể, tăng trọng bản thân và nuôi bào thai. Dựa vào sự phát triển của thai, có thể chia làm hai giai đoạn để chăm sóc nuôi dưỡng trâu cái chửa: giai đoạn 1 từ lúc bắt đầu chửa đến 7-8 tháng, giai đoạn 2 từ đó đến khi đẻ (hay gọi là giai đoạn có chửa 2-3 tháng trước khi đẻ).

1. Chăm sóc trâu trong giai đoạn chửa

Gian đoạn 7 - 8 tháng đầu tiên: Cần tăng lượng thức ăn cho trâu để đảm bảo cung cấp đủ protein và khoáng cho sự phát triển của bào thai. Khả năng tiêu hoá của trâu trong thời gian này rất tốt, nên cho trâu ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt. Cho trâu ăn cỏ tươi 21 - 30 kg (trường hợp chăn thả có thể cho ăn ít hơn, tùy thuộc và độ no đói của trâu). Ngoài ra, mỗi ngày bổ sung 200 - 300 g thức ăn hỗn hợp cho trâu hoặc 1 kg củ quả chứa nhiều tinh bột. Cũng có thể sử dụng củ quả tươi thay thế 1 phần cỏ tươi theo tỷ lệ 1 kg củ quả tươi có thể thay thế 1,1 - 1,2 kg cỏ tươi.

Trước khi đẻ 2 - 3 tháng: Trong giai đoạn này, thai phát triển nhanh. Trâu thường mệt mỏi, giảm ăn, cần tăng tỷ lệ thức ăn tinh trong khẩu phần, giảm tỷ lệ thức ăn thô xanh và chọn loại thức ăn dễ tiêu hóa. Khẩu phẩn ăn gồm 30% thức ăn tinh và 70% thức ăn xanh thô (cỏ tươi và cỏ khô, củ quả). Cho trâu ăn 15 - 20 kg cỏ tươi; 2,5 - 3 kg cám; 3,5 - 5 kg bột ngô; 5 - 10 kg củ quả (kHoai và sắn), tùy theo trọng lượng của trâu.

Giai đoạn trâu có chửa cần nhốt riêng để tiện chăm sóc. Cần giữ yên tĩnh, tránh làm trâu bị kích thích hay hoảng sợ. Trước khi trâu đẻ vài hôm, tắm cho trâu sạch sẽ, dọn chuồng, chuẩn bị một số dụng cụ đỡ đẻ.

2. Phương pháp cho trâu đẻ

Khi trâu có hiện tượng đẻ, dùng nước muối ấm hoặc thuốc tím rửa bộ phận sinh dục và bầu vú, lau khô. Lót nền chuồng bằng rơm cỏ khô chuẩn bị chỗ đẻ. Phải theo dõi những biểu hiện của trâu để có kế hoạch sẵn sàng hỗ trợ. Trâu cái thường đẻ đứng nên cần đỡ nghé khi lọt lòng, tránh để nghé rơi. Nghé vừa sinh phải được móc sạch nước rãi ở miệng, mũi và lau khô sạch toàn thân, vuốt mạch máu và chất nhờn ở cuống rốn từ trong ra ngoài, cắt rốn để dài khoảng 10 cm, dùng cồn rửa sạch nhờn bẩn của cuống rốn và sát trùng. Giữ nghé ở nơi sạch, khô và hàng ngày kiểm tra, sát trùng, theo dõi cho đến khi rốn khô và rụng.

Sau khi trâu đẻ, cho trâu uống nước muối ấm 1%, dùng nước muối ấm hoặc thuốc tím rửa lại bộ phận sinh dục sạch sẽ, rồi cho trâu nghỉ. Sau khi đẻ 1 - 2 Giờ, phải cho nghé bú sữa đầu do có lượng protein cao hơn 5 lần so với sữa thường, Vitamin A và D cao gấp 5 lần, khoáng cao gấp 2 lần, đặc biệt hàm lượng gamma-globulin (kháng thể) cao có thế giúp nghé có sức đề kháng cao. Nếu nuôi nghé theo mẹ thì để nghé bú trực tiếp liên tục, còn nếu nuôi nghé tách mẹ thì thời gian bú sữa đầu là 1 tuần.

3. Kỹ thuật nuôi trâu giai đoạn nuôi con

Ở giai đoạn này, cho trâu mẹ ăn lượng thức ăn tinh và củ quả giống như nuôi trâu mang thai trước khi đẻ 2 - 3 tháng, nhưng tăng lượng thức xanh lên 20 - 25 kg cỏ tươi; 3,5 - 4 bột cám, 3,5 - 5 kg bột ngô; 5 - 10 kg củ quả.

Trường hợp trâu đang nuôi con theo mẹ thì khi nghé đã cứng cáp có thể cho theo mẹ, để nghé con luôn được bú sữa mẹ, nhưng nếu là trâu vắt sữa phải nuôi tách hoàn toàn, trường hợp những trâu khó vắt sữa cần sự có mặt của nghé, thì cho nghé đứng cạnh khi vắt sữa hoặc khi cần thúc vú để kích thích xuống sữa.

Tắm chải cho trâu cái hàng ngày để tăng cường tuần hoàn máu, trao đổi chất, mùa nóng tắm hàng ngày, mùa lạnh tắm những ngày trời ấm. Đặc biệt chú ý giữ vệ sinh bầu vú, núm vú vì trong thời gian này lỗ núm vú luôn mở, rất dễ cho vi trùng xâm nhập gây viêm vú. Sau khi vắt sữa xong, rửa vú sạch bằng nước sạch và lau khô.

4. Nuôi dưỡng nghé con

Trong tháng thứ nhất sau khi đẻ, cần chú ý cho nghé bú đủ lượng sữa mẹ cần thiết để đảm bảo sinh trưởng bình thường, nếu trâu mẹ không đủ sữa cho nghé phải cho đông thèm sữa bột hoặc sữa đậu nành. Khi nghé được 3 - 4 tuần tuổi, có thể cho nghé tập ăn thức ăn tinh, từ tháng thứ hai có thể cho nghé ăn cỏ tự do với lượng thích hợp.

Cho nghé ăn sữa ngày 4 lần trong tháng đầu sau đó giảm còn 2 lần sáng và chiều ngay sau khi vắt, sữa còn ấm. Có thể cho nghé bú bằng bình bú có núm vú nhân tạo hoặc tập cho nghé ăn bằng xô. Lượng sữa nuôi nghé hàng ngày có thể chia theo: tháng thứ nhất 4 - 5 lít, tháng thứ hai 3 - 4 lít, tháng thứ ba 3 lít tháng thứ tư 1 - 2 lít, tháng thứ năm 1 lít.

Nghé phải được tắm chải thường xuyên, mùa nóng tắm chải hàng ngày, mùa lạnh chải hàng ngày và mỗi tuần tắm 1 lần vào lúc nắng ấm để tăng cường sự tuần hoàn và trao đổi chất giúp nghé sinh trưởng tốt. Nghé dưới 1 tháng tuổi cho vận động tại sân chơi hoặc ở bãi chăn gần chuồng, 2 - 3 tháng tuổi cho vận động 2 - 4 giờ, 4 - 6 tháng tuổi cho vận động 4 - 6 giờ. Thường nghé nuôi theo mẹ, nên người ta điều tiết sự vận động của nghé theo cách chăn thả trâu mẹ, những tháng đầu được chăn thả gần chuồng, thời gian chăn cũng ngắn hơn. Thường nghé được cai sữa lúc 4 - 5 tháng tuổi nếu nuôi tách mẹ, còn nuôi theo mẹ có thể tách mẹ hoàn toàn muộn hơn để nuôi theo đàn nghé tơ lỡ.

 52619-ntm.003286-ky-thuat-nuoi-va-cham-soc-trau-sinh-san.pdf