Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 74 |
Tổng truy cập : | 561,470 |
Chăn nuôi
Kỹ thuật nuôi vịt trên cạn
Giới thiệu một số phương thức nuôi vịt trên cạn: nuôi vịt trên vườn cây, nuôi vịt nhốt chuồng, nuôi vịt nhốt chuồng có sân chơi, kỹ thuật chăn nuôi kết hợp vịt – cá - lúa
So với nuôi vịt có nước bơi lội mà không tận dụng được thức ăn thì nuôi vịt trên cạn sẽ giảm được chi phí, đồng thời sẽ không bị ảnh hưởng đến chất lượng thịt và trứng. Phương thức này giảm được chi phí từ 20-30g thức ăn/quả trứng. Những khu vực có vườn cây ăn quả, hay cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày đều có thể sử dụng được cho việc nuôi vịt. Khi nuôi vịt trên vườn cây không những hạn chế được cỏ mọc mà nguồn phân vịt thải ra còn có thể cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây và cây lại tạo bóng mát che cho vịt lúc nóng bức trong mùa hè.
1. Có 3 phương thức nuôi vịt trên cạn như sau:
- Nuôi vịt trên vườn cây:
Vườn cây phải có độ dốc thích hợp để khi trời mưa không bị đọng nước, gây mất vệ sinh cho vịt sẽ sinh bệnh. Tuy nhiên, vườn cây cũng không nên quá dốc làm ảnh hưởng đến việc đi lại của vịt, đặc biệt là vịt sinh sản (lúc giao phối).
Cây trong vườn phải có độ cao trên 1 m để vịt không làm hỏng chồi và lá cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
- Nuôi vịt nhốt chuồng:
Khi uống nước vịt hay vẩy mỏ, vì thế vị trí đặt máng uống phải có độ cao thích hợp và có khả năng thoát nước nhanh.
Chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông, và không ảnh hưởng đến khí hậu trong chuồng nuôi.
- Nuôi vịt nhốt chuồng có sân chơi:
Sân chơi phải láng xi măng hoặc láng gạch để tiện cho việc vệ sinh, quét dọn hàng ngày. Diện tích sân chơi phải gấp 2-3 lần diện tích chuồng nuôi.
Máng ăn đặt trong chuồng nuôi, còn máng uống để ở bên ngoài sân chơi. Máng uống nên đặt dưới bóng cây dâm mát để tiện cho vịt uống nước cả khi trời nắng nóng.
Nuôi vịt trên cạn, trong vườn cây có ưu điểm là có thể nuôi vịt không theo mùa vụ. Cung cấp các sản phẩm của vịt quanh năm và không tập trung vào một thời điểm, có thể nuôi vịt ở các mùa khác nhau. Nuôi vịt trái vụ, năng suất có thể giảm hơn nhưng tính về hiệu quả kinh tế thì lại cao hơn nhiều, đồng thời khi tiêu thụ sản phẩm vịt trên thị trường ở thời điểm trái vụ lại rất dễ bán.
Nuôi vịt sinh sản để có hiệu quả kinh tế cao thì phải biết dừng lại ở thời điểm khai thác nào là thích hợp. Ví dụ:
Đối với vịt chuyên thịt cho vịt đẻ 2 năm thì năm để thứ nhất cho vịt đẻ 40 tuần, đến năm đẻ thứ hai chỉ cho vịt đẻ 30 tuần.
Vịt sinh sản chỉ nên cho đẻ 2 năm, vì từ năm thứ 3 trở đi năng suất và chất lượng trứng giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Sau khi kết thúc năm đẻ thứ nhất cho vịt nghỉ đẻ 7-8 tuần (tức là dập vịt), sau đó mới tiến hành cho vịt đẻ tiếp năm thứ 2.
Có 2 cách dập vịt:
+ Dập dợm (hạn chế cho ăn): Cho vịt nhịn ăn và uống 2 ngày, sau đó cho vịt ăn như giai đoạn nuôi vịt hậu bị (giai đoạn nuôi cầm xác). Cách dập vịt này không có hại cho vịt, nhưng sau khi dập vịt vẫn còn một số con đẻ rải rác, đồng thời tỷ lệ đẻ của năm thứ 2 tăng chậm vì đàn vịt thay và mọc lông không đồng đều.
+ Dập nhổ lông cánh và lông đuôi bắt buộc: Cho vịt nhịn ăn và uống 2 ngày, sau đó nhổ toàn bộ lông ống ở cánh và đuôi, rồi lại cho vịt ăn như giai đoạn nuôi vịt hậu bị (giai đoạn nuôi cầm xác). Cách dập nhổ lông này ảnh hưởng đến đàn vịt, nhưng sau khi dập vịt xong thì vịt ngừng đẻ đồng loạt, đến khi vịt trở lại đẻ năm thứ 2 thì tỷ lệ tăng nhanh và toàn bộ đàn vịt được thay lông đồng loạt, và khi mọc trở lại cũng mọc đồng loạt.
Chế độ nuôi dưỡng chăm sóc của phương thức nuôi vịt trên cạn cũng giống như các phương thức nuôi vịt khác.
2. Kỹ thuật chăn nuôi kết hợp vịt – cá – lúa:
Ở đồng bằng Sông Cửu Long nhiều hộ gia đình nuôi vịt kết hợp thả cá ở ruộng lúa vừa tăng được vụ lúa, giảm được phân hoá học do có nguồn phân vịt: vịt, cá còn ăn được các loại côn trùng và sâu, rầy hại lúa, do vậy tăng được hiệu quả kinh tế, nâng cao được chất lượng lúa gạo.
3. Chuẩn bị ruộng lúa kết hợp nuôi vịt – cá:
Ruộng cần có bờ chắc, không sạt lở được. Bờ ruộng cao, cao hơn 0,5m so với mực nước lúa cao nhất. Nước ở ruộng thường xuyên giữ ở mức 30-35cm. Ruộng phải có mương bao quanh rộng 1-1,2m, sâu 1m và có đìa (ao) cá bằng 7-8% diện tích ruộng để giữ cá, tránh nắng cho cá và thu hoạch cá khi đến lứa.
Trên mặt ao đìa làm chuồng sàn để nhốt vịt ban đêm và lúc không thả vịt vào ruộng, nhất là ngày có thời tiết xấu để tận dụng thức ăn rơi vãi và phân vịt nuôi cá. Bờ ruộng phải phát quang bụi rậm, diệt rắn, cá lóc (cá chuối) …
- Nuôi thả vịt trên ruộng:
Nuôi vịt thịt: Úm vịt con nơi kín gió, trong tuần đầu. Trong 4 tuần đầu, cho ra chuồng sàn, cứ 20 con/m2, từ 5-10 tuần tuổi thì cứ 10-12 con/m2. Sau đó thả vịt ra ruộng khoảng 60-80 con/1000m2.
Nuôi vịt mái đẻ: Vịt siêu thịt cứ 40-50 con/1000m2 ruộng lúa. Vịt siêu trứng khoảng 60-70 con/1000m2 ruộng lúa. Vịt nhốt chuồng vào ban đêm cứ 3-4 con/m2 sàn.
- Phương thức thả vịt vào ruộng lúa:
+ Tháng đầu từ khi cấy lúa: chỉ thả cá vào ruộng chưa thả vịt.
+ Sau 1 tháng, khi lúa bắt đầu trổ bông lúc đó bộ rễ đã phát triển chắc chắn thì thả cá vào ruộng.
+ Thời kỳ lúa trổ bông chỉ cần thả vịt ở phần ao đìa và mương bao quanh ruộng, trong ruộng chỉ có cá tận dụng nguồn phấn hoa cho lúa.
+ Thời kỳ thu hoạch lúa: Thả vịt vào ruộng tận dụng thóc rơi vãi.
+ Sau khi thu hoạch lúa: Có thể tiếp tục nuôi cá một thời gian nữa rồi thu hoạch.
2226-ntm.002284_ky-thuat-nuoi-vit-tren-can.pdf