Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1695 |
Tổng truy cập : | 559,348 |
Trồng trọt
Kỹ thuật phòng, chống chuột hại cây trồng
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng, chống chuột hại cây trồng: một số nguyên tắc phòng chống chuột hại cơ bản; xác định thời điểm tổ chức các đợt diệt chuột; áp dụng các biện pháp canh tác, vật lý, cơ học, sinh học, các loại bả sinh học, thuốc diệt chuột
Kỹ thuật phòng, chống chuột hại cây trồng
Trong những năm gần đây chuột tái phát sinh, gây hại gia tăng trên nhiều loại cây trồng. Chuột chủ yếu hoạt động và gây hại vào ban đêm; trên ruộng, chuột phá hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây, nhưng mỗi cây trồng có giai đoạn chuột phá hại mạnh như mới gieo hạt, cây lúa đòng - chín, củ, trái khi chín, ... Khi khan hiếm thức ăn, sức phá của chuột tăng. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ sản xuất, cần đồng loạt thực hiện mang tính chất cộng đồng và chú ý các nội dung sau:
Một số nguyên tắc cơ bản phòng, chống chuột: Chủ động; đồng loạt; đúng thời điểm; đúng phương pháp (nhất là đặt bẫy, bả); liên tục.
Xác định thời điểm tổ chức các đợt diệt chuột: tập trung vào giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (khi đồng trắng), tốt nhất ở thời kỳ đổ ải, làm đất; sau trận mưa lớn hoặc sau các trận lũ lụt chuột còn đang sống co cụm ở những nơi đất cao; từ đầu đến giữa vụ sản xuất; đối với cây lúa sử dụng các biện pháp phòng chống vào trước thời kỳ làm đòng, ở thời kỳ này biện pháp đào hang bắt chuột có hiệu quả cao vì chuột cái đẻ - nuôi con. Ngoài ra, có thể sử dụng hàng rào cản hoặc bẫy cây trồng trong suốt cả vụ.
Các biện pháp kỹ thuật phòng, chống chuột hại:
1) Biện pháp canh tác
- Vệ sinh đồng ruộng: Phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột.
- Thời vụ: cần xác định thời vụ thích hợp và ở những vùng thường bị chuột hại nặng cần gieo trồng và thu hoạch đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn; đồng thời, kết hợp với tổ chức đánh chuột đồng loạt.
- Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đòng - trổ để hạn chế chuột hại hoặc làm tổ ven bờ.
2) Biện pháp vật lý, cơ học
- Biện pháp sử dụng các bẫy cơ học như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy dây, bẫy bán nguyệt, bẫy ống tre, bẫy lật, bẫy di động, ... Yêu cầu bẫy phải nhậy;
Đặt bẫy nơi cửa hang, cạnh hoặc vuông góc với đường đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, rắc thêm vật liệu tương tự nơi đặt bẫy chỉ để lộ mồi để tránh sự phát hiện nhậy bén của chuột, nếu bẫy dùng mồi có thể đặt mồi vài ba ngày cho chúng ăn quen mới lắp bẫy; nên đặt bẫy mồi trước khi mặt trời lặn và thu bẫy vào buổi sáng sớm.
Sau khi bắt được chuột, bẫy cơ học cần được xử lý bằng nước sôi hoặc ngâm nước, phơi khô mới dùng lại vì chuột rất nhạy cảm với mùi đồng loại.
- Tìm kiếm các hang, ổ của chuột để đào, đổ nước (nếu gần nguồn nước, đất thịt), hun khói hoặc soi đèn, dùng chó để săn bắt chuột. Lưu ý, không làm hư hỏng các công trình thủy lợi, đê, kè cống, ...
- Dùng rào cản bao quanh ruộng hoặc bẫy hàng rào cản;
- Chất chà diệt chuột tại một số vùng có điều kiện, chà làm bằng cành lá cây, ... làm nơi ẩn nấp cho chuột vào cuối mùa nước ngập; trong đó, có bổ sung thức ăn cho chuột sau 10-15 ngày, bao lưới chà, dỡ chà để bắt chuột, đến khi chuột giảm.
Các biện pháp trên kết hợp với việc thu mua đuôi chuột; tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột.
3) Biện pháp sinh học: nuôi mèo, chó và hạn chế săn bắn các loại động vật là thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo, chim cú lợn...
4) Biện pháp sử dụng các loại bả sinh học, thuốc diệt chuột
- Sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn.
+ Nhóm bả diệt chuột sinh học: Là sản phẩm của thuốc chứa hoạt chất chống đông máu Warfarin và vi khuẩn gây hại cho chuột với mồi bằng thóc hấp, hoặc thóc nẩy mầm. Hiệu quả diệt chuột cao, một số chuột trong đàn không ăn cũng bị chết do lây nhiễm qua phân, nước tiểu của những con chết do ăn phải bả. Tùy thuộc vào số lượng hoặc khả năng phá hại của chuột để dùng số lượng bả trên đơn vị diện tích cây trồng. Thường sử dụng từ 2,5 - 3 kg/ha và được chia thành những mô (phần) nhỏ, mỗi mô cách nhau khoảng từ 2 - 7 m. Hiệu lực của bả liên quan chặt đến bảo quản: khi mở gói bả ra thì nên dùng hết một lần, nếu để lại sẽ mất hiệu lực. Bảo quản ở nhiệt độ 0°C - 15°C được 6 tháng, còn ở nơi thoáng mát (<30°C) là 28 ngày.
+Nhóm thuốc chống đông máu: Khi thuốc đi vào cơ thể chuột sẽ gây hiện tượng xuất huyết toàn thân, xù lông và chết sau 4-5 ngày. Thuốc không mùi, gây chết chậm và không chết tại chỗ nên không gây nghi ngờ, gây chán bả; hiệu quả diệt trừ cao, ít độc hơn so với nhiều loại thuốc hóa học. Hiện có 2 loại sau:
Loại thuốc cần trộn với mồi thành bả: Như thuốc chứa hoạt chất chống đông máu Warfarin, Bromadiolone; Brodifacoum; Coumatetralyl, Diphacinone, ... dùng 1 kg thuốc trộn với 19 - 30kg mồi thức ăn chuột ưa thích như thóc ủ mầm hoặc thóc luộc để ráo, ...
Loại thuốc sử dụng trực tiếp mà không cần trộn với mồi: Như thuốc chứa hoạt chất Flocoumafen, Warfarin, ...
Ngoài ra, thuốc có hoạt chất chống đông máu còn sử dụng theo phương pháp khác như rắc thuốc bột ở miệng hang, đường đi hay những nơi chuột ẩn nấp hoặc có thể dùng các thuốc có chứa hoạt chất Nitrate Kali 33% + Sulfur 30%, Sulfur 33 % + Carbon để xông hơi tại các hang ổ để trừ chuột.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng; trong đó lưu ý:
+ Tỷ lệ trộn thuốc với mồi, lượng sử dụng trên đơn vị diện tích theo hướng dẫn của từng loại bả, thuốc; bả, thuốc được chia thành những phần nhỏ đặt liên tục trong 2-6 đêm, tập trung tại cửa hang và lối đi lại, bờ đê, mương lớn, gò đống, vườn cây, nơi chuột phá mạnh, ... vào xế chiều, kết thúc trước khi trời tối (không để ánh sáng chiếu trực xạ), trời không mưa, hoặc cho bả, thuốc vào túi nilon nhỏ (hở một đầu) để tránh rửa trôi thuốc do mưa, sương.
+ Khi sử dụng bả, thuốc phải có dụng cụ bảo hộ lao động; dùng muỗng để lấy bả, thuốc thay cho dùng tay trần, hoặc bẫy sau khi bắt chuột cần được làm sạch mùi; các vật liệu dùng để lót bả, thuốc đồng nhất với môi trường
+ Trước khi đánh bả độc cần thông báo rộng rãi cho người dân xung quanh vùng biết, cần phải nhốt gia súc, gia cầm cho tới khi vệ sinh sạch sẽ nơi đặt mồi, thu nhặt chuột chết, mồi thừa và chôn lấp để đảm bảo vệ sinh (cứ mỗi lớp chuột rắc một lớp vôi bột, sau đó lấp đất kỹ).
7634-ntm.003128_ky-thuat-phong-chong-chuot-hai-cay-trong.pdf
Huy Thảo