Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1831
Tổng truy cập : 565,448

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng cà tím an toàn

Để trồng cà tím an toàn bà con cần lưu ý các kỹ thuật: giống, thời vụ, chuẩn bị đất, khoảng cách trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch


Cà tím (Solanum melongena) là một loài cây thuộc họ Cà với quả cùng tên gọi, nói chung được sử dụng làm một loại rau trong ẩm thực. Nó có quan hệ họ hàng gần gũi với cà chua, khoai tây, cà pháo và có nguồn gốc ở miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka. Cà tím là cây một năm, cao tới 40 – 150 cm (16 – 57 inch), thông thường có gai, với các lá lớn có thùy thô, dài từ 10–20 cm và rộng 5–10 cm. Hoa màu trắng hay tía, với tràng hoa năm thùy và các nhị hoa màu vàng. Quả là loại quả mọng nhiều cùi thịt, đường kính nhỏ hơn 3 cm ở cây mọc hoang dại, nhưng lớn hơn rất nhiều ở các giống trồng. Quả chứa nhiều hạt nhỏ và mềm.

1. Giống

- Trồng các giống cà tím địa phương năng suất cao và chống bệnh khá hoặc giống Thái Lan (màu tím đậm).

- Lượng hạt giống để có cây trồng cho 1.000 m2: 30-40g.

- Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc trừ bệnh. Có thể ngâm hạt giống cà tím trong nước ấm có pha với phân bón lá (khoảng 1cc/1 lít nước), sau 3-4 giờ vớt ra để ráo nước rồi ủ, sau đó đem đi gieo.

- Gieo hạt: có thể gieo hạt cà tím trực tiếp lên liếp trồng hoặc gieo trên liếp ươm sau đó nhổ cây đem đi cấy ra liếp trồng. Tuy nhiên, cà tím thường được gieo qua liếp ương, sau đó chuyển cây non ra trồng trên ruộng.
Sau khi gieo hạt, nên phủ 1 lớp đất mỏng đã trộn phân chuồng hoai, rắc một ít thuốc trừ kiến, các sâu hại khác, phía trên phủ một lớp rơm mỏng và tưới đủ ẩm.

- Trước khi nhổ cây cà tím cần tưới ướt đất bằng phân DAP pha loãng (30g/10lít nước).

2. Thời vụ

- Vụ Đông Xuân có thể trồng từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch năm sau.

- Vụ Hè Thu từ tháng 4 đến tháng 7.

3. Chuẩn bị đất

- Có thể trồng cà tím trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng phải được tưới tiêu tốt.

-  Đất cần phải được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng từ vụ trước, nếu có điều kiện nên đảo đất và phơi ải 20-30 ngày để đất thông thoáng, giúp cây sinh trưởng tốt, đồng thời hạn chế sâu bệnh cư trú trong đất. 20 ngày trước khi trồng,  xử lý đất bằng vôi và tro bếp, lượng bón 50kg vôi, 60kg tro bếp cho 1.000m2.

- Trong mùa mưa, cần chọn trồng những giống chống chịu mưa, nên phủ rơm hoặc dùng lưới nylon che để hạn chế đất bắn lên lá, đồng thời hạn chế sâu bệnh, cỏ dại.

- Liếp ươm cũng như liếp trồng cần được vun cao 20-25cm, vụ Đông Xuân có thể không cần lên liếp.

- Không trồng liên tục nhiều vụ cà tím trên cùng 1 chân đất và không trồng cà tím trên đất đã trồng các cây họ cà: ớt, cà chua, thuốc lá… nên luân canh với các loại cây họ khác.

4. Khoảng cách trồng

- Trên liếp ươm nên gieo theo hàng với khoảng cách 2x2cm.

- Trên liếp trồng: trong mùa mưa trồng thưa với khoảng cách 1,5×0.8 m, mùa nắng trồng dày hơn, với khoảng cách 1,2×0,6 m. Không nên trồng quá dày vì ruộng cà thông thoáng sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh phát triển.

- Có thể trồng xen với cây tỏi hoặc các loại rau khác họ ngắn ngày vào giữa 2 hàng cà tím.

5. Bón phân (tính cho 1.000m2)

Cần cung cấp phân bón đầy đủ, cân đối giúp cây sinh trưởng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Lượng phân cần bón là 3-4 tấn phân chuồng hoai, 30-35 kg urê, 30-40 kg super lân, 25-30 kg KCl và 100 kg bánh dầu.

Cách bón:

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai và phân lân,

- Bón thúc:

+ Lần 1 (7-10 ngày sau trồng): 5-7kg urê, 5-7kg KCl, 20kg bánh dầu.

+ Lần 2 (25-30 ngày sau trồng): 10 kg urê; 5-7kg KCl, 30kg bánh dầu kết hợp vun 1 bên mép.

+ Lần 3 (45-50 ngày sau trồng):  10kg urê; 8-10 kg KCL; 30kg bánh dầu kết hợp vun mép còn lại.

+ Lần 4: sau thu hoạch đợt quả đầu tiên bón 5-7 kg urê, 5kg KCl và 20kg bánh dầu.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Cần chú ý các loại sâu bệnh hại chính: sâu đục trái, rầy xanh, rầy trắng, bọ trĩ, sâu đo xanh, bệnh héo xanh, bệnh phấn trắng, bệnh thối trái.

Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, luân canh với cây trồng khác họ cà.

- Đối với sâu đục trái: Phun thuốc vi sinh gốc BT (Dipel, Biocin…), dùng luân phiên với thuốc Decis, Delta… dùng thuốc gốc thảo mộc Rotenone, Neem.

- Đối với rầy xanh, rầy trắng: Dùng một trong các loại thuốc: Sumicidin, Polytrin kết hợp trừ sâu đục trái, Applaud, Cofidor…

- Đối với các bệnh: Nên dùng thể phun Topsin M, Ridomil MZ hoặc Score…

7. Thu hoạch

Cứ 3-4 ngày thu một lứa quả cà tím, kết hợp ngắt bỏ các quả bị sâu đục.


4156-ntm.001431_ky_thuat_trong_ca_tim_an_toan.pdf