Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1699 |
Tổng truy cập : | 559,327 |
Trồng trọt
Kỹ thuật trồng cây dược liệu Hương thảo
Giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng cây Hương thảo: chọn giống, thời vụ, làm đất, kỹ thuật trồng cây ra ruộng, tưới nước, bón phân thúc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.
Kỹ thuật trồng cây dược liệu Hương thảo
Cây Hương thảo có tên khoa học là Rosmarinus officinalis, là loài thực vật thuộc họ hoa. Một số địa phương gọi là cây dạ Hương thảo hay cỏ Hương thảo; cây có tên tiếng anh là rosemary. Cây có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, cây được trồng nhiều ở các tỉnh miền trung và miền nam nước ta. Là loại cây nhỏ, mọc thành bụi, phân nhánh, nhiều lá và cao khoảng 1 - 2m. Lá cây nhỏ, hình dải, không có cuống, dẹp, có màu xanh sẫm và có mép gấp xuống, phần mặt trên của lá có lông trắng ở mặt dưới. Cây có biên độ nhiệt khá rộng. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp nhất cho cây phát triển là 20 – 30oC.
Đúng như cái tên của nó, cây Hương thảo có mùi rất thơm. Mùi thơm từ cây Hương thảo có tác dụng tạo cảm giác dễ chịu và an thần, minh mẫn đầu óc. Tinh dầu Hương thảo giúp kích thích phát triển trí não, giúp con người hoạt bát và làm việc tốt hơn. Ngoài ra, có thể dùng lá Hương thảo khô và tươi làm gia vị. Cây có vị đắng nhẹ, có thể ăn sống được, giúp món ăn có thêm mùi đậm đà hơn.
Trong y học, tinh dầu Hương thảo có tác dụng chống co thắt, làm thuốc kháng sinh, chống viêm, hỗ trợ thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa, làm cho dạ dày co bóp… Người ta thường dùng Hương thảo trong các trường hợp: Cơ thể suy nhược, làm việc quá sức, choáng do huyết áp thấp, người mệt yếu do tuần hoàn kém, mau quên, ăn uống không tiêu, đau nhức cơ, thấp khớp, viêm họng, nhức đầu, căng thẳng thần kinh, trầm cảm, lo âu và mất ngủ. Qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, người ta ghi nhận Hương thảo có khả năng ức chế độc tố aflatoxine, một chất có thể gây ra bệnh ung thư, được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm thực phẩm dùng cho người và động vật, mà bị lên mốc.
Ngoài ra, tinh dầu của lá Hương thảo có tác dụng xua đuổi côn trùng, đuổi muỗi rất hiệu quả. Cây Hương thảo còn là cây cảnh bon sai cho các gia đình hay văn phòng công ty. Hơn nữa, thân, lá khi đã chiết suất ra tinh dầu, bã được nghiền nhỏ dùng làm hương.
1. Chọn giống
Nên chọn những cây xanh tốt, sức sống cao và đã phát triển đầy đủ để lấy giống. Không lấy giống từ những cây kém phát triển hay bị bệnh, cây trồng dễ chết và chậm lớn.
Khi trồng sử dụng cây giống có chiều cao từ 10 - 15cm, được đóng bầu đúng quy cách.
2. Thời vụ
Tốt nhất nên trồng cây khi khí hậu ấm áp vào cuối mùa Xuân hoặc đầu mùa Thu. Nếu trồng vào mùa Hè cần chú ý tưới đảm bảo đủ ẩm cho cây.
3. Làm đất
- Đất trồng: Do bộ rễ của cây Hương thảo nhạy cảm và dễ bị thối khi úng nước nên chọn đất trồng phải tơi xốp và thoát nước tốt.
Làm đất: Trước khi trồng cần cày bừa kỹ, phơi ải ít nhất 10 ngày và xử lý đất bằng nấm đối kháng Tricodema.
Lên luống rộng 80 - 100 cm, cao 35 - 40 cm, rãnh rộng 30 - 40 cm thuận tiện cho việc tiêu thoát nước.
4. Kỹ thuật trồng cây ra ruộng
- Bón phân lót cho 1 sào (360 m2): 3-4 tạ phân chuồng ủ hoai mục hoặc 50-60 kg lân supe. Sau khi lên luống xong, tiến hành rạch một rãnh to giữa luống bỏ phân chuồng hoai mục vào rãnh rồi lấp đất lại và che phủ nilon.
Nếu không có phân chuồng thì bón lót toàn bộ lượng phân lân supe lên mặt luống. Sau đó che phủ nilon nhằm giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.
- Cách trồng cây ra ruộng: Đục lỗ để trồng cây thành 2 hàng trên luống theo kiểu nanh sấu, mật độ trồng khoảng 800 - 1000 cây/sào. Cây cách cây 40-50 cm, hàng cách hàng 40-50 cm. Khi trồng phải lấp kín bầu.
5. Chăm sóc
- Tưới nước:
Sau trồng cần tưới đủ nước để cây nhanh bén rễ và sinh trưởng khỏe mạnh. Giai đoạn sau đó cây Hương thảo ưa đất khô. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc chỉ cần đảm bảo đủ ẩm, không nên tưới nước quá nhiều làm đất ẩm ướt (nhất là vào mùa mưa) cây dễ bị thối rễ, thối lá. Khi thời tiết khô hanh cần chú ý tưới bổ sung cho cây.
Tốt nhất, nên tưới rãnh bằng cách đưa nước vào với lượng nước không quá 1/3-1/2 chiều cao rãnh luống, để nước tự ngấm sau đó phải tháo hết nước đi ngay.
- Bón phân thúc:
+ Sau khi trồng 7-10 ngày nên phun phân bón lá hữu cơ cho cây, cứ 7-10 ngày phun 1 lần, duy trì phun trong khoảng 30 - 40 ngày. Sau đó, khi bộ rễ phát triển tiến hành bón thúc như sau:
Sử dụng phân NPK loại 16-8-16+TE với lượng 40-45 kg/1 sào, chia 6 lần bón/năm, bón sau khi thu hoạch và bón thêm 50-60 kg lân supe/sào chia làm 2 lần bón, lần 1 sau trồng khoảng 45 ngày với lượng 25-30 kg/sào; Lần 2 bón cách lần 1 từ 2-3 tháng bón hết lượng phân lân còn lại. Kết hợp phun phân bón lá hữu cơ định kỳ phun 1 tháng/1 lần để giúp bộ rễ, thân lá phát triển tốt.
+ Hoặc tiếp tục chỉ dùng phân bón lá hữu cơ thay thế phân NPK để phun định kỳ 7-10 ngày/lần để giúp cây phát triển mạnh bộ rễ và phát triển thân cành.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình chăm sóc cây cần chú ý một số đối tượng sâu bệnh chính sau:
- Bệnh thối rễ: Cây héo bắt đầu từ lá rồi xuống dần đến rễ.
- Bệnh phấn trắng: Hình thành các đốm phấn trắng giống tro đốt trên thân, lá.
- Bệnh mốc xám: Các vết hoại tử lan rộng từ lá xuống thân.
- Côn trùng gây hại như: Rệp đen, sâu ăn lá
Nếu thấy cây có các hiện tượng trên cần tiến hành xử lý nhanh chóng để hạn chế lây lan, cây sinh trưởng kém. Khi thấy cây có dấu hiệu bị bệnh cần phải ngắt bỏ lá, cắt bỏ cành khô héo và cành kém phát triển. Kiểm tra các loại sâu bệnh gây hại có thể phun phòng trừ bằng các loại thuốc sinh học thân thiện với môi trường và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
6. Thu hoạch
Sau khi trồng khoảng 3 tháng cây bắt đầu cho thu hoạch cắt tỉa lần 1. Sau đó trung bình khoảng 1 tháng cho thu hoạch 1 lần bằng cách cắt ngọn. Như vậy, 1 năm cho thu 10 - 12 lứa; năng xuất mỗi lứa dự kiến từ 70 – 100 kg thân lá tươi/1sào bắc bộ với giá bán 13.000 - 15.000 đồng.
Cây Hương thảo có thời gian cho thu hoạch từ 5 - 7 năm, do vậy cần chú ý chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt để cây sinh trưởng thân lá khỏe, tăng năng suất và kéo dài tuổi thọ cây.
329-ntm.003127_ky-thuat-trong-cay-duoc-lieu-huong-thao.pdf
KS. Trần Thị Doanh