Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1355 |
Tổng truy cập : | 564,516 |
Trồng trọt
Kỹ thuật trồng cây giảo cổ lam
Giới thiệu biện pháp kỹ thuật trồng cây giảo cổ lam: chọn giống để ươm trồng, chọn đất ươm trồng, thời vụ và kỹ thuật ươm, chăm cây non, chăm cây trưởng thành, thu hoạch cây
Cây Giảo cổ lam tên khoa học đầy đủ là Gynostemma pentaphyllum. Giảo cổ lam từ lâu đã được biết đến như một loại thuốc quý , loại dược liệu chữa bách bệnh. Nó được xem như là loài cây trường sinh chứa nhiều hợp chất , thành phần có công dụng và bổ trợ rất tốt cho những người bị bệnh huyết áp , bệnh máu nhiễm mỡ , bệnh đường huyết hoặc các loại bệnh liên quan đến tim mạch .
1. Chọn giống để ươm trồng:
- Chọn hom bánh tẻ ở những vườn cây gốc (đúng giống, đúng loài) có thời gian sinh trưởng từ 3 đến 5 tháng tuổi.
- Hom giống phải sạch sâu bệnh và có từ 3 đến 4 đốt (mắt), có 3 – 4 lá, dài khoảng 20 – 30cm.
- Hom cắt không bị dập nát, sây sát. Vết cắt hai đầu hom giâm cách mắt 4 – 5 cm.
2. Chọn đất ươm trồng:
Đất dùng để ươm trồng cây Giảo cổ lam phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Chọn đất cát pha hoặc thịt nhẹ.
- Đất không bị ô nhiễm môi trường, không chứa các chất tồn dư độc hại, kim loại nặng hoặc gần nguồn nước thải khu công nghiệp, bệnh viện….
- Đất phải sạch sâu bệnh, cở dại, tàn dư cây trồng cũ, tơi xốp, giữ ẩm và thoát nước tốt, chủ động tưới tiêu và bảo vệ cây giống.
3. Thời vụ ươm trồng:
- Thời vụ ươm trồng giảo cổ lam cho tỷ lệ sống cao nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.
- Thời gian này thường có mưa xuân, độ ẩm cao, đảm bảo tỷ lệ hom sống, đồng thời giảm công tưới trên diện tích lớn.
- Nếu nhân giống đúng thời vụ có thể đạt tỷ lệ sống là 91% và thời gian ra rễ/mầm là 11 ngày.
4. Kỹ thuật ươm trồng:
- Đất được cày ải sớm, để ải 20 – 30 ngày sau đó đập nhỏ, nhặt sạch cỏ dại, tạp chất. Lên luống cao 25 – 30 cm, rộng 1 – 1,2 m, có rãnh luống để thuận tiện đi lại chăm sóc, đào bứng cây con và thoát nước tốt.
- Sau khi cắt xong hom giâm, tiến hành rạch hàng rộng 10 cm theo chiều ngang luống. Đặt hom giâm sát nhau (tương ứng mật độ 500 – 1000 hom/m2). Rạch hàng thứ 2 lấp đất cho hàng 1. Lấp đất kín 2 đốt của hom giâm.
- Khi giâm xong, dùng bình ô doa tưới nước đều mặt luống. Lượng nước tưới chỉ vừa đủ cho đất ẩm trong suốt quá trình ươm cây.
5. Kỹ thuật chăm cây non:
- Sau khi giâm xong, dùng bình ô doa tưới nước đều mặt luống. Lượng nước tưới cho đất ẩm (ngày 2 lần sáng sớm và chiều mát), làm giàn mái che để tránh ánh nắng trực tiếp và mưa to làm cây bị thối.
- Dùng Pisomix – Y15 (ra rễ cực mạnh), hòa loãng 10g cho 1 bình ô doa 10 lít tưới đều cho 5 – 7m vườn ươm và cứ 5 ngày tưới lại 1 lần, tưới từ 3 – 4 lần.
Sau giâm 15 – 20 ngày, tưới bổ sung dinh dưỡng bằng nước phân lân (hoặc NPK) loãng (5kg /1 sào 360 m2). Ngừng bón phân vô cơ trước khi bứng cây con ra trồng khoảng 10 ngày.
6. Kỹ thuật chăm cây trưởng thành:
- Sau 15-20 ngày các hom cây non sẽ ra rễ và phát triển bình thường .
Trong thời kỳ này ta chỉ cần chăm sóc cây non bình thường , kết hợp các yếu tố cung cấp nước đầy đủ để giữ độ ẩm cho cây phát triện. Ngoài ra ta có thể kết hợp làm cỏ , xới đất nhẹ trên bề mặt cho đất tơi xốp để cây trồng nhanh bén rễ , phát triển nhanh hơn
- Kết hợp làm diệt sâu bọ cho cây và bón phân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển .
7. Kỹ thuật thu hoạch cây:
- Cây Giảo cổ lam sau 4 – 5 tháng kể từ ngày trồng (tuỳ theo tốc độ sinh trưởng và phát triển về khối lượng dược liệu của cây trên từng thửa ruộng) có thể tiến hành thu hoạch dược liệu.
- Một số lưu ý về kĩ thuật thu hoạch:
+ Không thu hoạch sau những đợt mưa dài, khi đó hàm lượng hoạt chất thấp và tỷ lệ dược liệu tươi/khô rất cao, phơi lâu khô. Nên thu hoạch vào những ngày nắng to, để đảm bảo dược liệu có màu xanh đẹp.
+ Nên thu hoạch sau khi bón phân ít nhất 3 tuần. Không được thu hoạch sau khi bón phân vì như vậy sẽ còn tồn dư đạm nitrat trong dược liệu, ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu.
- Thu hoạch: Cắt toàn bộ cây, chỉ để lại phần gốc cây cách mặt đất khoảng 20 – 30 cm để cây có điều kiện tiếp tục tái sinh cho thu hoạch lứa sau.
- Năng suất trung bình đạt 82,8 – 120 kg dược liệu khô/sào bắc bộ (360 m2)/lứa cắt, tương đương 2.300 – 3.000 kg dược liệu khô/ha/lứa cắt.
- Cây thu hoạch về rửa sạch hết đất, nhặt sạch cỏ dại và các chất lẫn tạp, để ráo nước, băm khúc dài khoảng 3 – 3,5 cm, rãi mỏng trên bạt sạch, phơi dưới nắng to, thường xuyên đảo đều đến khi dược liệu khô đạt độ ẩm khoảng ≤ 12% là được.
http://hocviennongnghiep.com
5783-ntm.002157_ky-thuat-trong-cay-giao-co-lam.pdf