Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1755
Tổng truy cập : 559,641

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng đậu đũa an toàn

Giới thiệu các bước trong kỹ thuật trồng đậu đũa: giống, thời vụ, chuẩn bị đất, mật độ khoảng cách gieo hạt, chăm sóc (làm giàn, bón phân và tưới nước, phòng trừ sâu bệnh), thu hoạch.


1. Giống:

Đậu đũa (tên khoa học: Vigna sesquipedalis Fruwirth) là loại rau ăn quả phổ biến ở thị trường Châu Á, thuộc nhóm cây thân leo, có thể trồng quanh năm.

Có hai nhóm giống là đậu lùn và đậu leo: 
        - Đậu lùn: cây cao 50 – 70 cm, chiều dài quả 20 – 30 cm, hạt dày, thịt quả chắc, ăn ngon, sai quả, thu hoạch tập trung. Nhóm đậu lùn thu ít lứa, thời gian sinh trưởng ngắn và năng suất thấp hơn đậu leo.
        - Đậu leo: thân sinh trưởng vô hạn, khi trồng phải làm giàn, chiều dài quả 40 – 70 cm, hạt thưa, thịt quả xốp, ăn nhạt hơn đậu lùn. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại giống có năng suất cao, có tính kháng bệnh cao, thích hợp trồng các mùa trong năm. 
        Tiêu chuẩn giống: hạt giống phải bảo đảm tiêu chuẩn, có tỉ lệ nảy mầm cao. 
2. Thời vụ
        Đậu đũa có thể trồng được quanh năm. Vụ đông xuân gieo hạt tháng 1, vụ xuân hè gieo hạt tháng 3, vụ hè thu gieo hạt tháng 5, vụ thu đông gieo hạt tháng 8-9 dương lịch.
3. Chuẩn bị đất
       Đậu đũa không kén đất, nhưng yêu cầu đất phải thoát nước, tơi xốp, tốt nhất là đất thịt nhẹ, nhiều chất hữu cơ, độ pH 6 -7. 
Đất được cày rồi phơi ải ít nhất 1 tuần. Bón vôi bột với lượng 800 - 1.000 kg/ha, đồng thời xử lý đất bằng thuốc Basudin 10H rải đều trước khi phay đất để hạn chế sâu hại từ đất. Sau đó, tiến hành làm tơi đất, nhặt sạch cỏ dại. 
       Lên luống: Luống cao hay thấp phụ thuộc vào tầng đất mặt, mực nước ngầm và thời vụ gieo trồng. Những chân ruộng có mực nước ngầm cao, thời vụ mưa nhiều thì lên luống cao hơn để chống úng. Thông thường, độ cao của luống vụ hè thu là 30 cm, vụ thu đông 25 cm, vụ đông xuân và xuân hè 18 – 20 cm. Mặt luống rộng 90 – 100 cm, rãnh rộng 30 – 40 cm.
Bón lót trước khi gieo hạt: Mỗi ha bón 10-15 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 1-1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh Biogro, 250 kg lân Lâm Thao, 50 kg kali clorua.
4. Mật độ, khoảng cách gieo hạt
       Gieo 2 hàng trên luống, hàng cách hàng 60-65 cm, hạt cách hạt 10-15 cm. Gieo xong phủ đất kín hạt dày 1 cm, sau đó tưới nhẹ trên mặt luống. Lượng hạt giống 25 – 35 kg/ha phụ thuộc vào giống và tỷ lệ nảy mầm của hạt giống. Nếu kích thước hạt to, tỷ lệ nảy mầm thấp thì cần tăng lượng hạt giống.
        Hạt giống trước khi gieo nên ngâm vào nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) khoảng 1 giờ, sau đó vớt ra, ủ vào khăn ẩm. Mỗi ngày kiểm tra hạt 1 lần và phun nước bổ sung rồi tiếp tục ủ cho đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo. 
       Lưu ý: tránh tưới quá nhiều sau khi gieo, hạt hút nước nhanh làm rách vỏ hạt, hạt không mọc được.
5. Chăm sóc
a. Làm giàn
        Đối với các giống đậu đũa thân leo, khi trồng cần làm giàn. Khi cây có 6 – 9 lá thật, ngọn bắt đầu vươn dài (có tua cuốn) thì cắm giàn cho cây leo. Dùng cọc tầm vông hoặc cây nứa, cây dóc cắm giàn chữ A cao khoảng 1,5 – 1,8 m; khoảng cách 0,5 – 0,6 m; sau đó giăng dây để đậu leo lên giàn. 
Khi cây ra hoa cần tỉa bớt lá già, lá bị sâu bệnh nhằm tạo cho ruộng thông thoáng, hạn chế sự lây lan của sâu bệnh.
b. Bón phân, tưới nước 
       Khi cây mọc, cứ 2 ngày tưới 1 lần để cho đất thường xuyên ẩm, độ ẩm đất 70%, nhất là thời kỳ cây ra hoa, tạo quả.
Lượng phân bón tính cho 1 ha:
- Lần 1: Sau trồng 10 ngày, bón 13 kg đạm urê, 50 kg NPK loại 16:16:8
- Lần 2: Sau trồng 25 ngày, bón 25 kg đạm urê, 50 kg NPK loại 16:16:8
- Lần 3: Sau trồng 40 ngày, khi cây ra hoa rộ, bón 25 kg đạm urê, 50 kg kali clorua, 75 kg NPK loại 16:16:8
        Cách bón: Hòa tan phân vào nước rồi tưới hốc. Nên bón vào buổi sáng hoặc chiều mát. Bón phân nên kết hợp với làm cỏ và xới vun gốc để tránh thất thoát phân bón do sự canh tranh dinh dưỡng của cỏ dại cũng như do bốc hơi hoặc rửa trôi.
c. Phòng trừ sâu bệnh
        Đậu đũa thường bị các loại sâu bệnh hại chính sau: sâu vẽ bùa, bọ phấn, sâu đục quả, bệnh héo vàng, gỉ sắt… Trong đó, sâu đục quả là đối tượng khó phòng trị nhất. Để hạn chế sâu bệnh hại, cần thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa lá già, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, đặc biệt lấy phòng bệnh là chính, phun thuốc trừ kịp thời khi sâu bệnh chớp xuất hiện.
       Trong giai đoạn thu hoạch, cần sử dụng các loại thuốc có thời gian phân hủy nhanh như Vertimex, Match, Proclaim và các thuốc có nguồn gốc thảo mộc để phun phòng trừ sâu bệnh.
6. Thu hoạch
       Nói chung, đậu đũa từ lúc gieo đến bắt đầu thu hoạch là 50 – 60 ngày. Thời gian thu quả phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc. Nếu chăm sóc tốt thì thời gian thu hái sẽ kéo dài. Trong thời gian thu hoạch rộ, khoảng 2 -3 ngày thu 1 lứa. 
       Dùng dao cắt hay dùng tay vặn nhẹ quả, không giật mạnh làm rụng nụ hoa các lứa sau.


9452-ntm.00393_ky-thuat-trong-dau-dua-an-toan.pdf

Ánh Nguyệt