Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 576 |
Tổng truy cập : | 562,994 |
Trồng trọt
Kỹ thuật trồng đậu nành
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng đậu nành: thời vụ, đất đai, chọn giống, sửa soạn đất, gieo hạt, tưới nước, làm cỏ và tỉa dặm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch,...
I. THỜI VỤ:
Có 3 thời vụ chính trồng đậu nành là Đông Xuân và Xuân Hè. - Vụ Đông Xuân: Xuống giống tháng 11 – 12 dl và thu hoạch vào tháng 2-3 dl. - Vụ Xuân Hè: Xuống giống tháng 2-3 dl và thu hoạch vào tháng 5-6 dl. - Vụ Hè Thu: Xuống giống tháng 4-5 dl và thu hoạch vào tháng 7-8 dl.
II. ĐẤT ĐAI:
Đậu nành có khả năng trồng trên nhiều loại đất khác nhau có cơ cấu từ đất cát, thịt nhẹ đến sét. Tuy nhiên, đậu nành thích hợp nhất là trên các loại đất cồn, phù sa ven sông và đất rẫy có độ pH từ 5,5 đến 6,5.
III. KỸ THUẬT TRỒNG:
1. Chọn giống: Một số giống đậu nành có triển vọng ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
STT |
TÊN GIỐNG |
TGST (ngày) |
CAO CÂY (cm) |
NĂNG SUẤT ( tấn/ha) |
01 |
MTĐ 176 |
80-90 |
45-55 |
2,0 –2,5 |
02 |
HL 203 |
85-90 |
35-45 |
2,0-2,2 |
03 |
OMĐN 1 |
81-88 |
52-58 |
2,2- 2,8 |
04 |
ĐT 2000 |
100-110 |
40-50 |
2,5-3,0 |
05 |
ĐT 2006 |
83-92 |
40-50 |
2,5-3,0 |
2. Sửa soạn đất: Có 2 phương pháp
a. Không làm đất:
- Đối với trồng trên nền đất lúa cần đốt gốc rạ và cỏ trước khi gieo sạ.
- Không nên để đất nứt nẻ. Nếu đất bị khô nên bơm nước vào để đất mềm dễ xôm lỗ.
- Nếu gieo hạt bằng cách tỉa lỗ, nên sử dụng chày có đường kính 2 cm, có đầu dẹp nhọn tránh làm dẽ đất khi xôm lỗ.
- Sau khi gieo cần phải tủ rơm, nhằm giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại, giảm công tưới và hạn chế xì phèn, lượng rơm cần tủ cho 1.000 m2 đậu là 2.000 m2 rơm.
b. Làm đất:
- Xới từ 2-3 tát cho tơi xốp, để hệ thống rễ cây đậu phát triển tốt.
Nhưng cả 2 phương pháp này đều phải chú ý:
* Thiết kế hệ thống thủy lợi nội đồng: Do biện pháp tưới cho đậu nành sau này là tưới tràn, nên hệ thống mương nội đồng phải bảo đảm đưa nước vào và rút ra nhanh, không được đọng vũng, vì đậu là cây trồng cạn rất dễ bị chết do úng nước.
* Thời gian từ khi bắt đầu đưa nước vào ruộng đến khi rút ra hết không quá 10 giờ.
* Cắt gốc rạ: Dùng máy cắt gốc rạ rải đều trên mặt ruộng. Có thể cắt gốc rạ trước hoặc sau khi gieo hạt, cắt trước khi gieo thuận lợi cho việc gieo hạt bằng công cụ sạ hàng.
3. Gieo hạt:
- Lượng hạt giống: 70-120 kg/ha.
- Mật độ và khoảng cách trồng: Tùy theo chiều cao cây của giống, mùa vụ và độ phì của đất. Tuy nhiên nguyên tắc chung để xác định mật độ là:
* Giống cao cây phân cành nhiều thì trồng thưa.
* Đất tốt, thâm canh trồng thưa hơn đất xấu và đất ít thâm canh.
* Mùa nắng trồng dầy hơn mùa mưa.
Hiện nay, thường sử dụng 2 phương pháp gieo hạt
* Gieo hàng với khoảng cách 40 cm x 10 cm, mỗi lổ 2-3 hạt sử dụng 70-80 kg/ha.
* Sạ lan hoặc kéo hàng: sử dụng 100-120 kg/ha.
4. Tưới nước: Ngay sau khi gieo, cần phải giữ cho đất đủ ẩm độ nhằm bảo đảm hạt nảy mầm đều. Có thể sử dụng phương pháp tưới tràn trên những ruộng bằng phẳng và thoát nước tốt. Trung bình 7-10 ngày tưới 1 lần trong mùa nắng.
5. Làm cỏ và tỉa dặm:
- Sau khi xuống giống từ 5-7 ngày, cây đã lên khỏi mặt đất, cần quan sát tỉa dặm lại những nơi cây không lên để đảm bảo mật độ trồng.
- Có thể sử dụng các loại thuốc trừ cỏ diệt mầm trước hoặc sau khi xuống giống, như: Dual Gold, Dual, Ronstar…Sau đó, từ 14-18 ngày sau khi gieo nếu có cỏ (từ 3-6 lá), nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ như: Onecide, Targa Super, Select,… Chú ý những giai đoạn sau không nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, chỉ làm cỏ bằng tay.
6. Bón phân:
- Liều lượng bón cho 1 ha: 60 kg urê + 125 kg DAP + 100 kg NPK (20 - 20 - 15).
Cách bón:
* 7-10 ngày sau khi gieo hạt bón 30 kg urê + 50 kg DAP.
* 20 – 25 ngày sau khi gieo bón 30 kg urê + 75 kg DAP.
* 40 – 45 ngày sau khi gieo bón 100 kg NPK.
Chú ý: Trên những đất mới trồng đậu nành lần đầu và không áp dụng chủng vi khuẩn nốt sần thì đậu nành sẽ không tạo nốt sần. Vì vậy, để cây đậu nành phát triển tốt cần bón thêm 100-150 kg urê/ha. Lượng phân có thể được chia ra các lần bón sau:
+ Lần 1 (10 ngày sau khi gieo): ¼ lượng urê.
+ Lần 2 (30-35 NSKG): ¼ lượng urê khi cây bắt đầu trổ hoa.
+ Lần 3 (50-60 NSKG): ½ lượng urê còn lại. Tùy tình sinh trưởng của cây đậu mà có thể sử dụng các loại phân bón lá kết hợp với các lần phun thuốc trừ sâu.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
a. Nhóm sâu hại:
- Dòi đục thân: Chủ yếu gây hại ở giai đoạn đầu từ 7 đến 15 ngày sau khi gieo. Dòi tấn công từ lá đục lòn vào trong thân làm chết cây. Dùng các loại thuốc Polytrin, Kinalux, Padan,…
- Sâu ăn tạp (sâu đàn): Thường tấn công tất cả giai đoạn của cây đậu, nhưng quan trọng ở giai đoạn trổ hoa trở về trước, chúng tập trung cắn phá lá và các phần non của cây làm cây kém phát triển. Phòng trừ bằng các loại thuốc: Karate, Sherpa, Basudin, Abamectin,…
- Rầy cánh phấn: Sống thành từng đàn thường tập trung ở mặt dưới lá, chích hút nhựa cây, làm cho cây chậm phát triển. Chúng thường gây hại nặng vào mùa nắng trên những ruộng đậu thiếu nước kém phát triển. Phòng trị bằng cách bón phân tưới nước đầy đủ, giúp cây phát triển mạnh đủ sức chống chịu và có thể dùng các loại thuốc hoá học như Hopsan, Admire, Applaud,…
- Sâu đục trái: Đây là đối tượng gây hại quan trọng nhất. Thường làm thất thu năng suất nếu không phòng trị kịp thời. Chúng thường tấn công vào giai đoạn trổ hoa tượng trái đến khi vỏ trái cứng. Để phòng trị tốt loại sâu này có thể dùng các loại thuốc như Peran, Kinalux, Regent, Basudin,…để phun hoặc rải định kỳ 7-10 ngày/lần trong thời gian chúng tập trung gây hại.
- Sâu xanh da láng: Phát triển mạnh trong mùa nắng (từ tháng 1-4 dương lịch) và mật số giảm khi trời mưa nhiều. Nếu mật số cao chúng ăn trụi lá và các phần non của cây đậu làm giảm năng suất. Loại sâu này có tính kháng thuốc rất cao, nên trong phòng trừ cần chú ý luân phiên thuốc và có thể dùng nhóm thuốc chống lột xác sẽ có tác dụng cao hơn như: Pegasus, Atabron, Match,…
b. Nhóm bệnh hại:
- Bệnh rỉ sắt (Phakopspora pachyrhizi): Do nấm tấn công trên lá, làm lá dễ rụng sớm, giảm khả năng quang hợp ảnh hưởng đến năng suất. Có thể dùng các loại thuốc gốc đồng như: Copper-zinc, Dithane, Champion, COC 85, Tilt, Tilt Super, Folicur,… để phòng trị theo hướng dẩn trên nhãn thuốc.
- Bệnh héo rũ: Do nấm Rhizoctonia solani, tấn công ở tất cả các giai đoạn của cây đậu.Thiệt hại nặng nhất vào giai đoạn cây con từ khi gieo đến 2 tuần tuổi. Lúc cây còn nhỏ từ 3-15 ngày sau gieo, phần thân sát mặt đất teo tóp lại, cổ rễ và rễ già biến thành màu nâu đỏ. Bệnh nặng làm chết toàn bộ cả cây làm ảnh hưởng đến năng suất. Phòng trị bằng cách trồng luân canh với các loại cây trồng khác, chọn giống kháng, chọn mùa vụ thích hợp, bố trí ruộng thoát nước tốt. Xử lý hạt giống với Zineb liều lượng 100gr/10kg hạt. Có thể dùng dung dịch phèn xanh với vôi bột tỷ lệ 1/1 với liều lượng 30 kg/ha để xử lý đất trước khi xuống giống. Khi thấy các triệu chứng bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như: Anvil, Validacine, Bonnanza 100SL, Carbendazim, Monceren,…
- Bệnh đốm phấn: Tác nhân do nấm Peronospora manshurica. Ở điều kiện ẩm độ cao, sáng sớm có sương mù, ngày nắng nóng bệnh dễ phát triển mạnh. Vết bệnh tấn công chủ yếu trên lá, mặt dưới lá màu trắng. Lúc đầu xuất hiện những đốm màu tro hình tròn, về sau vết bệnh có hình tròn hoặc hình không rõ rệt, màu nâu vàng, xung quanh viền nâu thẫm, có ranh giới với phần xanh còn lại của lá Bệnh nặng làm lá bị vàng và rụng sớm làm ảnh hưởng đến năng suất. Phòng trị bệnh: Sử dụng giống sạch bệnh, luân canh và sử dụng các thuốc trị bệnh như: Folpan, Ridomil, Score, Dithan M, Antracol,…
- Bệnh héo rũ do nấm (Fusarium oxysporam): Đất thiếu nguyên tố vi lượng, mặt đất thường bị đóng váng, ruộng trồng độc canh đậu nành nhiều vụ liên tiếp. Thường gặp ở những cây lớn, lá phía dưới vàng trước rồi lan dần lên những lá trên. Khi chẻ dọc thân và hệ thống dẫn nhựa của thân bị thối đen hoặc nâu, quan sát kỹ thấy có sợi nấm li ti màu trắng. Khi cây bệnh nặng rễ chính bị hư nên cây mọc nhiều rễ con trên cổ rễ chính, tạo thành hệ thống rễ chùm. Phòng trừ: Trồng xen canh hay luân canh với các loại cây trồng khác (trừ bắp). Xử lý hạt trước khi gieo. Xử lý thuốc: Kasuran 47WP, Kasumin 2L, Copper B75WP, Topsin 70WP, Ridomil MZ 72WP,…
8. Thu hoạch:
- Khi cây đậu già, toàn bộ lá sẽ chuyển sang màu vàng và rụng dần từ dưới lên, vỏ trái cũng bắt đầu khô. Khi ruộng đậu có 1 vài trái ở phía dưới bắt đầu tách vỏ lúc trưa nắng, thì có thể thu hoạch được. Cắt bó gom và đưa vào máy suốt ra hạt. Sau đó loại bỏ các hạt sâu, mốc, tạp chất,… phơi sấy đạt ẩm độ 12 – 13% là được.
9. Phương pháp chọn giống và bảo quản giống:
- Khử lẫn trong 3 giai đoạn: Giai đoạn cây con (5-7 ngày) dựa vào màu gốc, và loại bỏ những cây di dạng bệnh và xấu. Giai đoạn ra hoa (30-32 ngày tuổi), dựa vào màu hoa và chiều cao cây, và nhổ bỏ những cây có dạng hình khác biệt. Giai đoạn chín dựa vào dạng trái, cách đóng trái, màu trái khi chín, màu và dạng hạt.
- Chọn giống: Theo tiêu chuẩn 4 tốt: ruộng tốt, cây tốt, trái tốt và hạt tốt.
- Bảo quản giống: Sau khi đập, lựa sạch và phơi độ một vài nắng tốt, kinh nghiệm cho thấy hạt ở ẩm độ 7-8% để trong mát rồi cho vào lu, khạp tồn trữ có miệng nhỏ, dưới đáy và bên trên có 1 lớp tro củi giúp ngăn cản sâu mọt phát triển và hút ẩm, giữ hạt luôn luôn khô. Một phương pháp đơn giản để tồn trữ đậu nành giống có kết quả tốt và rẻ tiền, đó là phương pháp tồn trữ bằng túi yếm khí của Viện Lúa ĐBSCL (sản xuất tại Việt Nam), cách tồn trữ này có thể duy trì được 77,9% độ nảy mầm sau 3 tháng.
72830-ntm.01013_ky-thuat-trong-dau-nanh.pdf