Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1747
Tổng truy cập : 565,280

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng đậu tương trên đất ướt

Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây đậu tương thích hợp trên đất ướt: thời vụ hợp lý, chọn giống, làm đất tối thiểu, gieo trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh


Cây đậu tương là một trong những cây trồng có thể áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, thậm chí là không làm đất để thâm canh. Tuy nhiên muốn trồng cây đậu tương có hiệu quả kinh tế cao người trồng cần phải nắm được những đặc trưng nông học, sinh lý, sinh thái của cây trồng này để làm cơ sở cho việc xây dựng và áp dụng các biện pháp kĩ thuật gieo trồng, chăm sóc thích hợp.

1. Thời vụ hợp lý: Cây đậu tương không chịu được rét (cây phát triển được từ 18-370C) và là cây ngày ngắn điển hình (cường độ ánh sáng mạnh sẽ làm cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao). Vì vậy đối với các tỉnh miền Bắc bố trí gieo trồng đậu tương trên đất 2 lúa tốt nhất là thời điểm từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10 DL (muộn nhất 10/10).

2. Chọn giống: Vụ thu đông cần phải bố trí gieo trồng các giống chín sớm để không bị ảnh hưởng gió lạnh. Với những ưu việt của bộ giống mới hiện nay nông dân cần tìm hiểu và đưa vào thâm canh một số giống ngắn ngày như: ĐT12, DT2008, DT2010, Đ8, ĐT26, ĐT51, ĐT2101. Đây là những giống tiến bộ đã được chọn tạo và nhân rộng ở nhiều tỉnh miền Bbắc nước ta hiệu quả cao hơn nhiều các giống cũ.

3. Làm đất tối thiểu: Vì điều kiện đất ruộng quá ướt như hiện nay và để đảm bảo được kịp thời vụ cho cây đậu tương sinh trưởng phát triển thuận lợi thì việc làm đất tối thiểu là rất cần thiết. Nên cày úp gốc rạ thành từng luống rộng 10-12m. Lấy tay úp hết gốc rạ còn sót và san phẳng bề mặt. Dùng đòn gánh hoặc thước gỗ ấn rạch hàng ngang mặt luống cách nhau 30- 40 (cm), sâu 2-3 (cm) để gieo hạt. Dùng đất bột và phân chuồng hoai (đã được trộn phân lân ủ cùng) cùng tro bếp hay trấu mục để rắc lên trên phủ kín hạt.

Trên những chân ruộng đất pha cát hoặc đất giàu mùn có thể gieo trực tiếp hạt mà không cần làm đất. Sau khi đậu tương mọc, đất khô ráo mới xới xáo chăm sóc.

* Lưu ý: Do điều kiện đất ướt nên người trồng chỉ có thể bón lót toàn bộ lượng phân chuồng và lân ủ mục, lượng phân đạm và kali để lại dùng để bón thúc sau này.

4. Gieo và chăm sóc: Hạt đậu mua về cần hong trong nắng nhẹ 2 giờ rồi gieo trực tiếp, không nên ngâm ủ nứt nanh sẽ dễ làm hạt thối hỏng.

Lưu ý: Vì trong hạt đậu tương có chứa nhiều dầu nên dễ bị hư hỏng nếu không bảo quản tốt. Vì vậy trước khi gieo nông dân cần thử sức nảy mầm của hạt để ước lượng mật độ khi gieo nhiều hay ít sao cho phù hợp.

Nếu có chế phẩm phân vi sinh cố định nốt sần (Nitragin) thì nên xử lý giống sẽ giúp cho năng suất, phẩm chất hạt đậu tương sau này tăng lên đáng kể (hạt được vẩy nước cho ẩm rồi trộn đều phân vi sinh để phân bao phủ kín các hạt mới đem gieo).

+ Mật độ cây đậu tương vụ thu đông cần để dày vừa phải. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất đậu tương. Tùy theo giống mật độ thích hợp là 35-50 cây/m2( hàng cách hàng 30- 40 cm, cây cách cây 5-7 cm).

+ Bón phân: Đậu tương có thời gian sinh trưởng ngắn lại là cây trồng cạn nên đòi hỏi phải huy động các chất dinh dưỡng càng sớm càng tốt để tạo năng suất sau này. Khác với nhiều cây trồng, đậu tương trong thời kì nở hoa, thân cành, lá và rễ vẫn tiếp tục phát triển mạnh, cây tiêu hao rất nhiều dinh dưỡng. Cho nên phân đạm và kali nên bón thúc cho đậu tương làm 2 đợt (đợt 1 bón 50% khi cây có 2-3 lá kép, đợt 2 bón trước khi cây ra hoa với lượng phân còn lại).

+ Tỉa dặm định cây: Tỉa sớm đúng lúc sẽ giúp cây có đủ ánh sáng, lóng ngắn, nhiều đốt sẽ cho nhiều quả. Tốt nhất nên tỉa làm 2 lần (lần đầu khi cây bắt đầu ra lá kép, tỉa lần 2 định cây khi cây có 2-3 lá kép).

Lưu ý: Vụ thu đông trên đất 2 lúa thường ít cỏ, tuy nhiên nông dân cũng cần phải xới phá váng cho cây nhất là trên chân ruộng làm đất tối thiểu. Ở lần bón thúc sau tùy theo điều kiện đất đai mà có thể vun xới hay không vun xới (bón phân hay rắc phân).

Ở vụ này đậu tương phân hóa mầm hoa rất sớm và chiều cao cây thường vừa phải nên không cần phải bấm ngọn để cây phân cành.

Ngoài ra đậu tương rất dễ bị rụng hoa khi gặp những yếu tố mẫn cảm (thiếu dinh dưỡng, thời tiết bất thuận hay sâu hại...) Để giảm thiểu người trồng cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây, giữ ẩm thường xuyên và bổ sung thêm một số dinh dưỡng vi lượng qua lá, nhất là dinh dưỡng Bo- can xi vào thời điểm cây ra hoa đậu quả rộ.

Vụ đông thường hanh khô nên phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây để đạt năng suất, tránh để cây bị hạn nhất là thời kì nở hoa và hình thành quả. Khô hạn xảy ra thời kì quả mẩy không những làm giảm trọng lượng hạt mà còn ảnh hưởng đến số hạt/quả.

5. Phòng trừ sâu bệnh: Đậu tương có giá trị dinh dưỡng cao nên bị nhiều loài sâu bệnh hại tấn công như ruồi đục thân, sâu đục quả, sâu cuốn lá, rệp, bọ xít, bệnh gỉ sắt, lở cổ rễ,... Cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp sao cho hiệu quả. Việc sử dụng thuốc hóa học cần chú trọng vào các thời điểm xung yếu nhất của cây (cây có 2 lá đơn, cây có 3 lá kép, cây ra quả và thời điểm quả có sữa). Cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV.


11920-ntm.001837_ky-thuat-trong-dau-tuong-tren-dat-uot.pdf