Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1486
Tổng truy cập : 564,768

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng dừa

Giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng dừa, lưu ý các bước: các loại giống cây dừa, cách chọn giống, khoảng cách và mật độ trồng, phân bón, phòng trừ sâu hại


Dừa là loại cây lâu năm, có thể sinh trưởng, phát triển 50-60 năm. Có một số giống dừa cho năng suất cao như giống dừa dâu cho năng suất thu hoạch khoảng 90-120 trái/năm, dừa ta thu hoạch khoảng 70-100 trái/năm. Nếu chọn giống dừa từ cây dừa mẹ không tốt, ít trái, trái nhỏ. Mặc dù cây dừa mẹ cho trái khá nhưng nằm trong quần thể vườn dừa có nhiều cây ít trái lân cận, nó đã thụ phấn chéo, bị lai và cho trái ít.

1. Các loại giống cây dừa

Khi trồng cây dừa, việc đầu tiên phải nghĩ đến là chọn giống. Đây là khâu quan trọng nhất, vì nó quyết định cho sự thành bại cho mảnh vườn dừa. Khi chọn giống chúng ta cần phân biệt có hai nhóm giống là dừa cao và dừa lùn.

- Giống dừa cao gồm có dừa ta (xanh, vàng); dừa dâu (xanh, vàng); dừa bung. Dừa ta, dừa bung thường có gốc to, đường kính gốc 0,6-0,7m, thân to khoảng 0,30m, cây cao 20-25m, tuổi thọ 50-60 năm, cho trái to hơn dừa dâu, thường 8-12trái/tháng, đến khi dừa lão vẫn cho trái ổn định, gốc rễ chắc chắn, có thể chịu được gió bão. Nhóm dừa này thụ phấn chéo hoàn toàn nên trái cũng bị lai hoàn toàn.

- Giống dừa dâu thường có gốc nhỏ, khoảng 0,5-0,6m, thân nho khoảng 0,25m, cây cao 10-15m, tuổi thọ 35-45 năm, cho trái nhỏ hơn dừa ta, thường 12-15trái/tháng, nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi dừa dâu có thể giảm năng suất. Khi lão dừa nhỏ đọt, lá ngắn, trống cổ. Nhóm dừa này (gần như nhóm trung gian giữa dừa cao và dừa lùn) vừa có thụ phấn chéo nhưng vừa có tự thụ phấn, khi ra trái vẫn cho trái giống bị lai, rõ ràng khi trồng ra từ một giống nhưng cho các cây trái màu xanh, màu vang..

- Giống dừa lùn bao gồm dừa xiêm (xanh, đỏ, lục, núm); dừa ẻo (xanh, vàng); dừa Tam Quan; dừa Mã Lai, dừa dứa (loại trái nhỏ),… thường có đường kính gốc khoảng 0,35m, cây cao 10-12m, tuổi thọ 25-35 năm, trái nhỏ, thường 12-15trái/tháng. Nếu ít bón phân, thiếu chăm sóc, thiếu đất bồi nhóm dừa này cũng cho trái rất nhỏ, khi lão dừa nhỏ đọt, lá ngắn. Nhóm dừa này tự thụ phấn hoàn toàn nên rất ít khi bị lai

 Ngoài ra, hiện có các giống dừa lai nhân tạo do Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dừa Đồng Gò (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) sản xuất như:

- PB 121: Dừa lùn vàng Mã Lai x Cao Tây Phi

- PB 141: Dừa lùn xanh Ghiné xích đạo x Cao Tây Phi

- JVA 1:    Dừa lùn vàng Mã Lai x Cao Hijo

- JVA 2:    Dừa lùn đỏ Mã Lai x Cao Hijo.

Các giống này cho trái 3-4 năm sau khi trồng, năng suất 100-150trái/cây/năm, cây thấp dễ thu hoạch, chịu hạn tốt, có khả năng kháng sâu bệnh.

2. Cách chọn giống 

- Chọn cây dừa mẹ:

Tuổi cây mẹ: Giống dừa cao: Từ 15 – 30 năm. Giống dừa lùn: Từ 10 – 15 năm.

Năng suất: Dừa cao: Từ 70-100 trái/cây/năm; Dừa lùn: Từ 100-120 trái/cây/năm.

Thân phát triển bình thường, không dị dạng, sẹo lá khít, thân khỏe, mọc thẳng.

- Chọn trái giống:

Tuổi trái: Khi vỏ trái đã khô.

Trái giống đều đặn, không dị dạng, không bị sâu bệnh.

3. Kỹ thuật trồng dừa

Cây dừa là loại cây ưa ánh sáng hoàn toàn. Nhìn vào ngọn cây thấy lá ra đến đâu thì có thể rễ ra khoảng đấy. Ngược lại, thấy rễ ra chung quanh gốc, ta biết lá vươn ra đến đâu. Do đó, dựa vao đặc điểm này mà xới đất bón phân, bồi bùn, bố trí khoảng cách trồng cây dừa hay trồng xen cho thích hợp.

Dân gian có câu “Trồng cây dừa đừng cho giao lá”. Khoảng cách và mật độ trồng tùy theo điều kiện đất đai và giống dừa. Đối với loại đất tốt, nhóm dừa cao trồng cách khoảng 8,5m – 9m. Dừa lùn cách khoảng 6 – 7m. Với loại đất xấu, nhóm dừa cao trồng 7 – 8m, dừa lùn 5 – 6m. Nếu trồng xen các loại cây khác thì khoảng cách có thể thưa hơn khoang 1m và cây trồng xen cách gốc dừa ít nhất là 2m.

Phân bón cho dừa tùy thuộc vào giống dừa và loại đất, có trồng xen hay không, màu lá trên cây dừa xanh biếc hay đã ngã vàng, nhưng có thể áp dụng công thức như sau: Bón phân ít nhất mỗi năm 2 lần vào đầu và gần cuối mùa mưa. Có vài cách bón phân cho dừa. Thứ nhất, đào rãnh xung quanh gốc, cách gốc 1,5 – 2m, bón phân vào rãnh và lấp đất lại. Thứ hai là đào từ 10 – 12 lỗ xung quanh gốc, cách gốc 1,5 – 2m, sâu từ 10 – 15cm, bón phân xuống lỗ lấp đất lại. Ngoài ra, ta cũng có thể rải phân chung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mưa.

Đối với những vùng đất cao nên tưới nước cho dừa vào mùa khô. Lúc cây mới trồng 1 – 2 tuổi, hằng tháng phải xịt thẳng vào đọt một lần thuốc trừ bọ cánh cứng hại dừa, nếu không chúng cắn phá gây thiệt hại, mất sức dừa, chậm lớn ở tuổi còn non.

4. Phòng trừ sâu hại cây dừa

- Biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng:Bọ cánh cứng hay còn gọi bọ dừa, làm giảm sản lượng trái, làm chết khô từ 8 lá trở lên. Vì mỗi tàu lá, cho ra một buồng dừa. Những cây dừa bị bọ dừa tấn công nhiều năm thì gây ra hiện tượng trái rụng hàng loạt, cac lá non mới ra nhỏ và không phát triển, toàn bộ cây xơ xác và sau đó cây chết đi.

 - Biện pháp phòng chống bọ dừa:

Biện pháp canh tác: Cắt và đốt bỏ đọt non bị hại nặng để tránh lây lan cho các cây dừa khác.

Biện pháp sinh học:Dùng biện pháp thả ong ký sinh (Asecodes hispinarum) vừa đạt hiệu quả cao và bảo vệ môi sinh môi trường.Biện pháp sinh học dùng nấm (Metarhizium), biện pháp này có hiệu quả nhất là phòng chống vào mùa mưa có ẩm độ cao.

Biện pháp hoá học:Phát hiện sớm triệu chứng gây hại khi còn ở trong diện hẹp để tiến hành phun trừ ngay là biện pháp có hiệu quả và kinh tế. Sử dụng thuốc trị bọ cánh cứng như theo khuyến cáo trên nhãn của bao bì.


87648-ntm.001384_ky-thuat-trong-dua.pdf