Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1783
Tổng truy cập : 565,370

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng hoa hướng dương trong chậu

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng hoa hướng dương trong chậu: xử lý hạt giống, thời vụ trồng, chuẩn bị vật liệu đất trồng, trồng cây vào chậu, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh


1. Đặc điểm

Cây hướng dương có tên khoa học là Helianthus annuus L.. 

Cây hướng dương thuộc nhóm thân thảo nhất niên.

Thân có dạng tròn, mềm, to, thẳng, có lông cứng, thường có đốm, có chiều cao 0,6m - 3m. 

Lá to, nhám, có màu xanh, dài 20 - 30cm, thường mọc so le, có cuống dài, phiến lá hình trứng đầu nhọn, phía dưới hình tim, mép có răng cưa, hai mặt đều có lông trắng.

Hoa không phải là loài hoa đơn độc mà là tập hợp gồm 1.000 đến 2.000 bông hoa nhỏ được đính chung trên một đế hoa gọi là cụm hoa. Cụm hoa đầu lớn, đường kính 7-20 cm, bao chung hình trứng; Hoa hình lưỡi, ngoài màu vàng; các hoa lưỡng tính ở giữa màu tím hồng. 

Mùa hoa kéo dài, cây có thể ra hoa vào mùa xuân, hè; hoa nở rộ vào tháng 7, kéo dài đến hết mùa thu hoặc có thể sang tận đầu đông.

Các giống hoa hướng dương có thời gian sinh trưởng từ 90 – 110 ngày, có giống ngắn ngày chỉ 70 ngày.

Khi muốn trồng hoa nở vào Tết nên chọn giống ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 70-75 ngày. Hạt giống có thể mua tại các tiệm bán hoa kiểng.

2. Xử lý hạt giống

Chọn hạt tròn đều, to, mảy. 

Ngâm hạt hướng dương vào nước ấm khoảng 40-50oC (tỉ lệ pha: 2 sôi + 3 lạnh) trong 8h. 

Tiến hành gieo hạt vào trực tiếp vào chậu, cũng có thể gieo hạt trong khay.

3. Kỹ thuật trồng

3.1 Thời vụ trồng

Cây hướng dương có thể trồng quanh năm. Thời điểm trồng tốt nhất là cuối mùa xuân. Để cây ra hoa vào dịp Tết âm lịch, thông thường gieo hạt vào 15/10 âm lịch.

Thời gian sinh trưởng của cây hướng dương từ trồng đến ra hoa giao động từ 70 - 75 ngày (tuỳ loại giống).

3.2 Chuẩn bị vật liệu, chất trồng

Chọn chậu có đường kính từ 25-30cm mỗi chậu trồng một cây hay gieo 1 hạt.

Chất trồng: đất thịt, tro trấu, phân chuồng theo tỉ lệ 1:1:1 được trộn đều; bổ sung thêm mỗi chậu 15g phân lân. Cũng có thể thay thế bằng đất sạch mua từ các cửa hàng.

3.3 Trồng cây vào chậu:

* Gieo hạt:

Trồng hạt vào chậu sâu khoảng 2cm, không nén quá chặt sau khi trồng hạt; sau khi gieo hạt xong nên phun suơng lên bề mặt vài lần để đất và hạt tiếp xúc với nhau. Tưới nước đều đặn, mỗi ngày tưới 2 lần (nước sạch) để giữ ẩm cho đất ươm cây vào sáng sớm và chiều mát, khi tưới cần tưới nhẹ, hạt nước nhỏ tránh làm xay xát cây con.

Trường hợp gieo hạt trong khay:

- Chất trồng phải tơi xốp, nhuyễn, thoát nước nhanh và để rễ phát triển. Hỗn hợp chất trồng gồm 3 phần: tro trấu (phải xả nước nhiều lần để giảm độ mặn), đất cát hay xơ dừa và phân chuồng ủ hoai. Hỗn hợp trên trộn theo tỷ lệ 10:4:1.

 - Gieo hạt vào khay, sâu 2cm, tưới nước cho ẩm, sau 3-5 ngày hạt sẽ nảy mầm, giai đoạn này cần che nắng cho cây con. 5 ngày sau khi gieo thì bắt đầu nhấc giàn che cho cây con phát triển, sáng nhấc giàn che ra đến 10h đậy lại.

- Mỗi ngày tưới 2 lần (nước sạch) để giữ ẩm cho đất ươm cây vào sáng sớm và chiều mát, khi tưới cần tưới nhẹ, hạt nước nhỏ tránh làm xay xát cây con.

- Khi cây cứng cáp, rễ non của cây mọc qua đáy khay ươm, tiến hành chuyển sang chậu lớn (mọc 4-5 lá, không tính cặp lá mầm).

* Trồng vào chậu

Cho chất trồng đã chuẩn bị vào chậu với chiều cao khoảng 3/4 chậu.

Tiến hành đặt hạt hay cây đã nảy mầm chuẩn bị sẵn vào giữa chậu, đặt nhẹ nhàng; với cây chuyển từ khay ươm chú ý không làm bể bầu, chú ý chỉ lấp đất tới cặp lá mầm, trồng vào buổi chiều mát. Sau khi trồng luôn luôn giữ ẩm cho đất chậu để cây phát triển tốt.

3.4 Chăm sóc

- Ánh sáng

Hướng dương ưa ánh sáng nên đặt chậu ở nơi có nhiều ánh sáng mặt để cây quang hợp tốt.

- Nước tưới

Cần phải tưới đầy đủ nước cho cây, tuy nhiên cây lại không chịu được sự ngập úng, chính vì thế cần có chế độ tưới phù hợp để cây phát triển tốt.

- Bón phân

10 ngày sau trồng: pha NPK 30-10-10, với lượng 0,5g/1lit nước tưới cây. Cách 10 ngày tưới một lần NPK 30-10-10 nữa.  

Sau trồng 20 ngày: pha NPK 20-20-20, với lượng 0,5g/1lit nước tưới cây, 10 ngày một lần

Khi cây đứng đọt: dùng phân bón lá Growmore (10-30-30) xịt định kỳ 7 ngày/lần.

Khi nụ lớn, chuẩn bị nở hoa thì ngưng bón phân (60 ngày sau trồng cây xuất hiện nụ).

3.5 Lãy đọt

Khi cây được 40-45 ngày, đã xuất hiện các chồi ở nách lá. Để hoa được to, tiến hành lãy hết các chồi ở nách lá. 

Nếu muốn cây có 1 hoa to: liên tục lãy các chồi nách khi cây xuất hiện chồi nách, chỉ giữ lại một nụ chính.

Trong trường hợp muốn cây nhiều hoa (hoa sẽ nhỏ): giữ lại vài chồi nách (mỗi chồi nách sẽ cho 1 hoa), tỉa chồi so le với khoảng cách tương đối đều nhau khoảng 30cm; số lượng hoa tương ứng với số chồi nách giữ lại.

3.6 Phòng trừ sâu bệnh

- Sâu ăn lá

Sâu ăn tạp thường xuất hiện, chủ yếu ăn lá non đến trưởng thành, ăn cả hoa. Sử dụng Confidor cộng dầu khoáng SK 98EC, tập trung xịt những nơi có sâu, khi sâu còn nhỏ.

- Rầy mềm, bọ trĩ, nhện đỏ

Đối tượng chích hút, xuất hiện quanh năm thường có mật số rất cao trong mùa nắng, tấn công hầu hết trên các bộ phận còn non của cây chúng bám vào cuống lá, cuống hoa chích hút làm lá bị co rúm, cuống bị chai sần và quăn queo,. Sử dụng Regent 800, xịt đều phía dưới lá, bông.

- Bệnh hại:

Bệnh đốm mắt cua: ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ màu vàng sau đó lan rộng dần thành những đốm hình tròn, đường kính cỡ một vài mm, cá biệt có khi tới 5 – 6 mm (lớn cỡ hạt bắp như cháu đã thấy), rìa vết bệnh hơi gồ lên, giữa vết bệnh chuyển dần thành màu xám trắng. Nếu gặp điều kiện ẩm ướt trên vết bệnh sẽ mọc ra một lớp nấm mốc màu đen. Trong trường hợp khô hanh vết bệnh sẽ bị thủng rách, tạo ra những vết thủng lỗ trỗ trên lá. Nếu bị hại nặng bệnh sẽ làm cho lá bị vàng và rụng sớm, cây còi cọc, xấu, cho bông nhỏ và ít bông. Điều trị: Topsin M 70WP; Topan 70WP; Daconil 75WP hoặc 500SC để phun xịt. 

Bệnh thối gốc héo rũ: Bệnh có thể do một số loại nấm và vi khuẩn gây ra như Fusarium oxysporum, Pseudomonas solanacerum,…Nấm bệnh thường tấn công vào phần gốc của cây giáp với mặt đất. Ban đầu vết bệnh chỉ là một đốm nhỏ có màu nâu, hơi lõm vào, sau đó phát triển rộng dần ra bao quanh gốc rồi lan xuống tận cổ rễ dưới mặt đất. Chỗ bị bệnh bị thối và phân hủy dần. Sau đó rễ chuyển sang màu nâu đen và thối mục. Bệnh làm cho những lá phía dưới gốc bị héo vàng và rụng, sau đó các lá phía trên héo rũ và chết khô.

Nếu gặp điều kiện ẩm ướt chỗ bị bệnh xuất hiện một lớp nấm mốc màu trắng. Sau đó hình thành nhiều hạch nấm, ban đầu những hạch này có màu trắng, sau đó chuyển dần sang màu nâu nhạt, rồi màu nâu đậm, có kích thước khoảng 0,5 – 1mm. Điều trị: Topsin M 70WP; Topan 70WP; Daconil 75WP hoặc 500SC để phun xịt.


91113-ntm.001753_ky-thuat-trong-hoa-huong-duong-trong-chau.pdf