Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 380
Tổng truy cập : 562,289

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng hoa ngọc lan

Ở nước ta, cây Ngọc lan được trồng hầu hết ở các thành phố lớn và đặc biệt được trồng nhiều ở trường học, công viên, chùa chiền...Giới thiệu đặc điểm của cây hoa Ngọc lan, kỹ thuật trồng cây và ứng dụng của cây hoa Ngọc lan.


Cây Ngọc Lan hay còn được gọi là Sứ ngọc lan,có tên khoa học: Michelia Alba thuộc họ Magnoliacee. Cây có nguồn gốc chính từ Ấn Độ, cây có hoa trắng rất thơm, lá đẹp và tạo bóng mát nên được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới ẩm. Ở nước ta, cây Ngọc lan được trồng hầu hết ở các thành phố lớn và đặc biệt được trồng nhiều ở trường học, công viên, chùa chiền.....

Gỗ màu nâu cứng đẹp có thể đánh bóng rất láng, dùng làm bàn ghế, đồ tiện khắc, gỗ dán đẹp. Hoa có thể chưng cất dầu thơm, chế nước hoa. Bên cạnh đó, hoa ngọc lan còn có tác dụng chữa bệnh.

Đặc điểm 

Ngọc lan ta là loại cây thường xanh, lá xanh quanh năm. Cây ưa sáng, chịu rét, ưa đất cát hơi chua, đất thoát nước tốt, nhiều mùn. Cây gỗ lớn cao từ 10 đến 15 m, nhánh non có lông. Lá đơn nguyên mọc cách to dài 20 cm, rộng 8 cm, xanh tươi, lá bẹ có lông trắng. Hoa trắng rất thơm dài 3 cm ở chót một nhánh, có 10 – 12 cánh hoa. Tâm bì chín chứa 1 đến 8 hạt màu xám. Tán cây hình trứng, lá hình trứng dài, mặt nhẵn. Hoa mọc ở đỉnh, đường kính hoa 10-15cm, đài hoa 9 cánh, hình chuông. Quả hình ống, màu nâu, chín nở ra hạt màu đỏ.

Mùa hoa: tháng 3 hoa nở, mùa hoa có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 6 – 7 quả chín. Những vùng nhiệt độ cao tháng 12 đến tháng 1 năm sau có thể ra hoa.

Kỹ thuật trồng

Chọn nguồn giống cần lấy từ cây bố mẹ khỏe mạnh, không cong queo sâu bệnh, hình dáng đẹp, tán đều, tuổi cây từ 10 – 20 năm để lấy giống. Quả to dài từ màu xanh chuyển sang màu nâu là lúc quả chín, lúc đó có thể hái quả, tách hạt để gieo ươm. Còn đối với, kỹ thuật chiết cũng tương tự như chiết các loài cây ăn quả khác.

Cây Ngọc Lan thường được trồng vào đầu mùa mưa sẽ phát triển nhanh, không bị chết. Ngọc lan là loài cây cảnh xem hoa vào mùa xuân, khi trồng cần chú ý không nên trồng quá sớm hoặc quá muộn, trước khi cây nảy chồi 10 ngày hoặc khi hoa tàn phải trồng ngay.

Nếu trồng ngoài đất vườn: Thì chọn nơi đất cao, tầng đất canh tác dày, đất không chua mặn, vồng cây phải cao hơn hơn mặt vườn để tránh cho cây bị chết úng.

Khi trồng cần chú ý không làm tổn thương bộ rễ, trước khi trồng cần đào hố bỏ phân chuồng. Sau khi trồng cần nén chặt đất, tưới nước.

Trồng bằng túi bầu: Thì phải xé bầu trước khi trồng. Tiến hành đào hố có kích thước lớn hơn bầu đất, cho vào 1 lớp phân chồng hoai và phân NPK. Đặt cây vào hố, miệng bầu phải ngang với mặt hố, cho đất vào nén chặt xung quanh và lấp bằng mặt đất. Sau đó nén chặt đất và tưới đẫm nước cho cây. Khi trồng cần chú ý tránh gây tổn thương bộ rễ.

Trồng xong nên cắm một chiếc cọc định vị cho cây khỏi đổ, vì lúc này bộ rễ cây còn rất yếu. Nếu bị đổ, cây gãy rễ là chết. Trồng cây lớn cao trên 1,2m thì cần phải có khung sắt hoặc cây gỗ bảo vệ và có cây chống đỡ cho cây.

Nếu trồng cây ngọc lan trong chậu: Thì cho đầy đủ đất tốt, phân chuồng hoai, phân bón và phải chú ý lỗ thoát nước phải thông để tránh chậu bị úng nước, cây sẽ chết.

Khả năng thành sẹo của ngọc lan rất kém, không nên tỉa cành, chỉ cần chặt bỏ cành khô, bị sâu bệnh. Ngoài ra sau khi hoa tàn nếu không cần thu hái hạt thì cắt cả cành hoa lẫn cành quả, để tránh tiêu hao dinh dưỡng, ảnh hưởng đến mùa hoa năm sau. Nếu trồng trong chậu thì khoảng vài tháng nên cắt tỉa 1 lần để tạo cân bằng giữa cây và chậu.

Cây cần được chăm sóc từ 3 – 4 năm đầu: phát sạch cỏ xung quanh gốc cây từ 1 – 2 lần/năm và bón cho mỗi gốc từ 100 – 150gr NPK và 5 – 10 kg phân chuồng.

Ứng dụng

Cây hoa ngọc lan có tính chịu khí độc, có thể chống chịu và hấp thu khí độc có lưu huỳnh nên rất được ưa chuộng trồng làm cây công trình cho các nhà máy, xí nghiệp bị ô nhiễm khí SO2 và Cl.

Cây Ngọc lan cho bóng mát, có lá xanh, hoa đẹp có mùi thơm dễ chịu nên dùng làm cây công trình, trồng che bóng mát, cây trang trí đường phố, vườn hoa, công viên, sân trường. Cây thích hợp trồng nơi đầu gió, ven hồ mùi hương sẽ lan tỏa khắp vườn.

Nếu trồng làm cảnh ở nhà riêng thì có thể cân nhắc vì theo quan niệm xưa nó là cây trồng trong chùa, nên ngại trồng trong vườn nhà.

Ngoài ra cây ngọc lan còn được dùng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược, chưng cất dầu thơm, chế nước hoa. Theo y học cổ truyền, hoa ngọc lan có tính ôn, vị hơi cay, có công năng tiêu đờm, ích phế hòa khí. Có thể dùng pha trà để uống, ngoài ra ngọc lan còn là loài hoa chữa được rất nhiều bệnh với nhiều công dụng khác nhau. Bộ phận dùng làm thuốc là nụ hoa ngọc lan khi còn chưa nở, thu hái, phơi trong bóng râm đến khô, bảo quản dùng dần.


10548-ntm.002676_ky-thuat-trong-hoa-ngoc-lan.pdf

Ninh Lan