Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1408
Tổng truy cập : 564,635

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng mít cho năng suất cao

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng mít cho năng suất cao, gồm các khâu: thiết kế vườn trồng, thời vụ, cải tạo đất, bón phân, tỉa cành tạo tán, bảo quản và thu hoạch


1. Thiết kế vườn trồng

- Vườn trồng mít phải thoát nước tốt trong mùa mưa, chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất, quanh vườn thông thoáng hạn chế sâu bệnh.

- Nếu đất trồng có độ dốc thấp nên đào hố trồng có kích thước 40x40x40cm, trường hợp đất có độ dốc hơi cao đào hố 40x40x60cm (sâu 60cm).

- Tùy theo địa hình của đất cao hay thấp để đào mương thoát nước cho phù hợp nên đào mương phụ rộng và sâu từ 0,3 – 0,4m, mương chính đào rộng và sâu khoảng 0,5 – 0,7m.

2. Cách trồng mít cho năng suất cao

- Nên trồng mít vào đầu mùa mưa vì cây con cần nhiều nước trong giai đoạn đầu, nếu trồng cuối mùa mưa thì phải có nước tưới trong mùa khô.

- Đất xấu, cằn cỗi nên trồng mít dày, khoảng 300 cây/hécta,  trong đó trồng cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m. Đất tốt nên trồng mít thưa chỉ khoảng 250 cây/hécta, cây cách cây 5m, hàng cách hàng 8m.

- Trước khi trồng bón lót mỗi gốc 10 – 20kg phân chuồng hoặc 5 – 6kg phân hữu cơ vi sinh với 0,5kg lân, 0,5kg vôi bột và 10 gram Furadan 3G. Đất có độ dốc thấp trồng mặt bầu ngang mặt đất, đất có độ dốc cao trồng mặt bầu thấp hơn mặt đất từ 20 – 30cm. Trước khi trồng cắt đáy bầu, cắt rễ đuôi chuột bị xoắn lại. Sau đó, cắm cọc để cố định cây con, nếu đất khô phải tưới và ủ ẩm cho cây.

- Trong 4 năm đầu cây còn nhỏ có thể trồng xen canh đậu, bắp, rau màu hoặc cỏ lá gừng vừa để chống xói mòn đất vừa tăng thêm thu nhập lấy ngắn nuôi dài.

3. Chăm sóc

- Trong năm đầu tiên mỗi cây nên bón 1,5kg vôi bột; 10kg phân hữu cơ; 0,2kg ure; 0,4kg DAP và 0,3kg kali.

- Năm thứ 2 mỗi cây bón 1,5kg vôi bột; 10kg phân hữu cơ; 0,4kg ure; 0,7kg DAP và 0,6kg kali.

- Năm thứ 3 mỗi cây nên bón 1,5kg vôi bột; 10kg phân hữu cơ; 0,6kg ure; 0,9kg DAP và 0,9kg kali. Nếu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống thì từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 lượng phân hóa học chia làm 10 lần bón/năm.

- Từ năm thứ 4 trở đi cây bắt đầu cho trái nhiều, sau khi thu hoạch bón mỗi gốc 20 – 30kg phân chuồng ủ hoai, 1kg vôi bột. Còn phân hóa học sau khi thu hoạch chia làm 3 lần để bón, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Số lượng phân bón cho mỗi gốc khoảng 0,3kg ure; 0,2kg DAP; 0,15kg kali/lần. Đến thời điểm cây ra hoa bón 3 lần phân hóa học, mỗi lần cách nhau 10 ngày số lượng 0,15kg DAP; 0,1kg kali/lần. Lúc cây đậu trái và nuôi trái bón 0,8kg ure và 0,35kg kali/cây.

- Khi làm cỏ cho cây mít chú ý, rễ mít thường mọc nổi không cuốc sâu quanh gốc làm sẽ đứt rễ. Đặc biệt, trong giai đoạn đang cho trái nếu làm cỏ để đứt rễ dinh dưỡng bị xáo trộn, trái sẽ nhỏ, chất lượng giảm và đôi khi múi còn bị sượng. Nếu có điều kiện nên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống sẽ giảm được nhiều công tưới, bón phân hóa học, trong khi năng suất chất lượng trái tăng cao.

4. Tỉa cành tạo tán

- Chỉ tỉa cành tạo tán khi cây mít đạt chiều cao khoảng 1m trở lên, khi cây chưa cho trái tỉa cành 2-3 lần/năm. Cây đã cho trái tỉa cành 1 năm/lần vào thời điểm thu hoạch trái xong.

- Cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành tược, cành nhỏ mọc không đúng hướng, cành sâu bệnh. Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt cành cấp 2, cấp 3… cho cây thoáng nhằm chống sâu bệnh và tăng năng suất.

5. Bảo quản và thu hoạch

- Cây mít cho trái rải vụ quanh năm, song vụ chính ở Đồng Nai vào tháng 6, 7. Thời gian từ lúc ra hoa đến lúc trái già khoảng 5 tháng, do đó có thể căn cứ vào màu sắc trái để thu hoạch. Trái mít già, các gai nở căng, chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, mủ lỏng và trong, vỗ kêu bồm bộp, để vận chuyển đi xa nên thu hoạch lúc trái già.


58353-ntm.001371_ky-thuat-trong-mit-cho-nang-suat-cao.pdf