Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 594 |
Tổng truy cập : | 563,019 |
Trồng trọt
Kỹ thuật trồng ngô lai
Giới thiệu một số giống ngô lai: giống dài ngày, giống ngắn ngày. Hướng dẫn kỹ thuật trồng các giống ngô lai: chọn đất, thời vụ và các mô hình trồng ngô lai, làm đất, mật độ trồng, phân bón, tưới nước, làm cỏ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh,...
I. GIỚI THIỆU MỘT SỐ GIỐNG NGÔ LAI:
1.Giống dài ngày:
- DK888, LVN 10 thời gian sinh trưởng từ 100-105 ngày.
- LVN10: Là giống ngô lai đơn, thích ứng rộng có năng suất cao nhất hiện nay, tiềm năng năng suất 8-13 tấn/ha, độ đồng đều cao, chịu chua phèn, chịu hạn, chống đổ tốt, ít nhiễm sâu bệnh, trồng được nhiều thời vụ trong cả nước. Tuy nhiên, nếu trồng vào thời vụ thích hợp và điều kiện thâm canh cao thì hiệu quả càng cao. Tỷ lệ cây cho hai ngô rất cao, vỏ bi kín, dạng hạt nửa đá, màu cam vàng và cho hiệu quả cao khi trồng xen với cây họ đậu.
- DK888: Chiều cao cây trung bình khoảng 221 cm, chiều cao đóng trái 106 cm, thân cứng chắc, trái hình chóp, hạt màu vàng cam, dạng đá, tỷ lệ hạt/trái đạt 79%, năng suất đạt 9,45 tấn/ha.
2.Giống ngắn ngày:
Có thời gian sinh trưởng từ 86-95 ngày, gồm có các giống DK 999, Cargill 3070, Cargill 919 (3100), Cargill 929, Pacific 11, Pacific 60, G49,....
- Pacific 11: Thời gian sinh trưởng 95 ngày, chiều cao cây trung bình 215 cm, chiều cao đóng trái 100cm, thân cứng chắc, trái hình trụ, hạt có màu vàng, dạng ngô đá, tỷ lệ hạt/trái: 76%, năng suất đạt 9,71 tấn/ha.
- G49: Thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, tăng trưởng nhanh, vỏ bi bao kín đầu trái, trái to, dài, cùi nhỏ, hệ thống rễ phát triển mạnh, chống đổ ngã, chịu hạn tốt, ngô dạng hạt đá, màu vàng cam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất cao, tính thích nghi rộng phù hợp trồng trên nhiều loại đất.
Chú ý: Trước khi gieo hạt cần phải phơi lại hạt giống để kích thích mầm hạt, xử lý thuốc để phòng trừ kiến, mối, sâu ăn hạt, tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống phải đạt trên 80%.
II. KỸ THUẬT TRỒNG CÁC GIỐNG NGÔ LAI:
1. Chọn đất:
Cây ngô lai có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất phù sa được bồi đắp hàng năm, đất đỏ, đất bạc màu,... Nhưng thích hợp nhất là đất phù sa được bồi đắp hàng năm, kế đến là đất đỏ. Vì những loại đất này tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng, lớp đất mặt sâu và có độ ẩm thích hợp.
Không nên trồng ngô lai trên vùng đất nhiễm phèn nặng, vùng quá khô hạn hay vùng bị ngập úng.
2. Thời vụ và các mô hình trồng ngô lai:
Cây ngô lai có thể trồng được quanh năm, trong mùa khô và mùa mưa.Tùy thời gian sinh trưởng và khả năng chống chịu của giống cũng như cơ cấu cây trồng khác mà bố trí hợp lý cho từng vùng. Chú ý khi gieo hạt cần tránh cho ngô trổ cờ phun râu lúc thời tiết nóng để ngô đậu hạt tốt và cần lưu ý những vấn đề sau:
- Phải có đủ nước tưới trong mùa khô.
- Không bị ngập úng trong mùa mưa
Nhìn chung các mô hình đã trồng được ngô nù, ngô vàng địa phương trước đây đều có thể trồng được ngô lai (như luân canh, xen canh với lúa mùa nổi, xen canh với đậu nành, đậu xanh, củ sắn trên đất chuyên màu,...) Ngoài ra cây ngô lai còn có thể trồng được trên nền đất ruộng (nhất là ruộng gò) theo từng khu vực liền nhau. Không nên trồng ngô lai trên vùng đất bị nhiễm phèn nặng, vùng quá khô hạn hay ngập úng.
3. Làm đất:
Do hệ thống rễ của ngô lai mọc nhiều và ăn sâu, thường có nhiều rễ chân nom nên đất cần được cày sâu từ 15-20 cm, bừa xới lại cho cục đất có kích cở 4-5 cm là vừa. Thông thường đối với đất trồng ngô nên cày bừa 2 lần để cho đất tơi, thoáng, xốp.
Nếu trồng ngô trong vụ mùa mưa cần phải xẻ rãnh thoát nước hoặc lên liếp cao để chống úng.
*Chú ý: Nên làm bầu để trồng giậm vào những chỗ bị hư sau này.
4. Mật độ trồng:
- Đối với giống dài ngày trồng với khoảng cách 80 cm x 25 cm, tương ứng với mật độ 50.000 cây/ha (trồng 1 cây/1 lỗ).
- Đối với giống ngắn ngày, thấp cây nên trồng dày với khoảng cách 75 cm x 25 cm (1cây/1lỗ) ứng với mật độ 53.300 cây/ha.
Chú ý: Vụ đông xuân và thu đông nên trồng dày hơn vụ hè thu.
* Lượng giống cần 12-17 kg/ha tùy theo từng giống. Mỗi lỗ gieo 1 hạt, tỉa với độ sâu 3-5cm, lấp hạt bằng tro trấu có trộn thuốc Basudin 10H, Bam 5H liều lượng 8-10 kg/ha để ngừa côn trùng cắn phá.
5. Phân bón:
Cây ngô thích nghi rất cao đối với đạm, ở ngô lai không có hiện tượng lốp đổ khi bón nhiều phân như lúa, nhưng tùy loại giống mà định lượng phân bón cho có hiệu quả nhất. Nhu cầu phân bón cho cây ngô lai cao nhưng phải bón cân đối đúng lúc, đúng kỹ thuật để phát huy hết tiềm năng về năng suất.
* Lượng phân bón cho 1 ha (10.000 m2).
- Urê: 300 kg.
- DAP: 150-200 kg.
- KCl: 100-150 kg.
Đối với vùng có làm đất thì có thể thay thế phân DAP bằng Supper với liều lượng 450 kg/ha(tương đương với lượng lân có trong 150 kg DAP).
* Cách bón:
- Bón lót: Bón toàn bộ phân DAP và 1/2 KCl.Có thể bón thêm phân chuồng(nếu có), bón lót xong lấp đất lại rồi mới tiến hành gieo hạt.
- Bón thúc lần 1: Vào khoảng 25-30 ngày sau khi gieo, bón 1/2 KCl còn lại và 150 kg Urê. Kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc, nên bón ở hai mép hàng để cây sử dụng dễ dàng, đồng thời bộ rễ phát triển cân đối. Chú ý khi bón ở giai đoạn này, cây còn nhỏ nên cẩn thận bón phân xuống rồi lấp đất nhẹ lên, không làm phân dính vào lá, gây cháy lá.
- Bón thúc lần 2: Vào khoảng 45-50 ngày sau khi gieo, bón 150 kg Urê. Cuốc hốc giữa hai hàng cày sâu 10-15cm để phân vào đó, kết hợp làm cỏ và vun cao gốc.
Để cây sinh trưởng phát triển tốt đồng thời phát huy hiệu quả tối đa của phân bón, cứ 5-7 ngày ta pha loãng đạm với nước phân chuồng mục tưới cho ngô. Phải bón đạm, kali xa gốc 5-7cm, tuyệt đối không được trộn lẫn đạm với kali, bón xong phải lấp đất không nên bón phân khi đất quá khô hoặc quá ẫm.
5. Tưới nước:
Ngô được tưới chủ yếu bằng biện pháp tưới phun. Tưới ướt đều toàn ruộng một ngày sau khi gieo hạt để cung cấp đủ độ ầm cho hạt nẩy mầm. Luân phiên tưới nước để đảm bảo trong suốt chu kỳ sống của cây trồng, ẩm độ trong đất luôn cao hơn điểm héo và thấp hơn mức thủy dung ngoài đồng do cây ngô lai rất cần nước nhưng không chịu được ngập úng. Tùy theo điều kiện đất đai và thời tiết mà cung cấp nước thích hợp. Nhất là trong giai đoạn trổ cờ, phun râu và kết trái (giai đoạn 45-75 ngày sau khi gieo). Cây ngô có thể được tưới tràn nhưng phải thoát nước ngay sau đó nhằm đảm bảo đủ độ ẩm trong đất.
Chú ý đảm bảo đủ độ ẩm cho cây trước và sau khi trổ 20 ngày.
6. Làm cỏ:
Phun đều trên mặt ruộng thuốc diệt cỏ Dual với liều lượng 1-1,2 lít/ha hai ngày sau khi gieo hạt lúc đất còn ẩm (một ngày sau khi tưới nước lần đầu). Kết hợp làm cỏ vun gốc vào giai đoạn 15 và 30 ngày sau khi gieo.
7. Chăm sóc:
- Sau khi gieo 5 ngày tiến hành kiểm tra đông ruộng để dậm lại những chỗ không mọc để đảm bảo đủ ố cây, đảm bảo năng suất.
- Khi ngô mọc đều khoảng 3 lá thì kiểm tra tỉa lá ở những bụi mọc quá dày, tỉa định kỳ (lần 2) khi cây được 4-5 lá. Nếu tỉa định kỳ muộn sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
8. Phòng trừ sâu bệnh:
a. Sâu:
Phát hiện kịp thời thì việc phòng trừ mới có hiệu quả nên áp dụng biện pháp phòng trừ tổn hợp bằng cách vệ sinh đồng ruộng, đốt cháy các tàn dư thực vật của vụ trước để diệt các trứng sâu trước khi gieo. Ở mỗi thời kỳ khác nhau có các loại sâu khác nhau, trong đó có một số loài sâu hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây ngô như: Sâu đục thân, sâu ăn trái và sâu ăn tạp. Dùng Padan 4H hay Basudin 10H, Bam 5H hoặc các loại thuốc hột khác để phòng ngừa sâu đục thân và sâu đục trái, bằng cách bỏ một nhúm nhỏ thuốc (khoảng 3-4 hột) vào họng cây ngô 20 và 40 ngày sau khi gieo.
b. Bệnh:
Các bệnh quan trọng trên cây ngô là bệnh đốm lá nhỏ, bệnh đốm lá lớn và bệnh khô vằn. Do đó để phòng các bệnh này ta nên xử lý hạt giống bằng Rovral. Phun trị bằng cách dùng Validacin 3DD, Monceren, Bavistin hoặc Anvil 5S.
III. THU HOẠCH:
Xác định thời điểm thu hoạch ngô bằng việc quan sát hạt ngô ở đầu trái và cuối trái. Khi lá bao trái đã khô, hạt cứng, lãy thử hạt,nếu ở chân các hạt này có lớp màu đen là ngô đủ chín sẵn sàng để thu hoạch. Nên chặt đọt phơi trái ngoài đồng 5-7 ngày trước khi thu hoạch. Sau đó lột vỏ phơi trái vài nắng (ẩm độ còn khoảng 20-24%) để khi thu hoạch tách hạt giảm tỉ lệ nứt bể. Nếu để tồn trữ nên phơi hạt còn độ ẩm 14-15%. Thân lá cây ngô sau khi thu hoạch nên cày vùi tại ruộng nhằm giúp cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho vụ sau.
* Chú ý:
Giống ngô lai chỉ sử dụng 1 lần, nếu để giống trồng lại thì năng suất giảm. Hãy mua giống cho mỗi vụ sản xuất.
Tiêu chuẩn thu mua:
- Ẩm độ 15% .
- Tạp chất 1%.
- Hạt nứt bể 4-6%, không bị sâu mọt, ẩm mốc.
66028-ntm.01007_trong-ngo-lai.pdf