Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 303
Tổng truy cập : 562,089

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng ớt ngọt trên giá thể theo hướng VietGAP

Giới thiệu đến bà con nông dân kỹ thuật trồng ớt ngọt trên giá thể theo hướng VietGAP, đây là mô hình công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.


Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn nước ta đang hội nhập với nền kinh tế thế giới, là chìa khóa giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu và thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao không những mang lại năng suất cao, chất lượng tốt mà còn tiết kiệm công lao động, sản phẩm tạo ra an toàn. Sau đây, xin giới thiệu đến bà con nông dân kỹ thuật trồng ớt ngọt trên giá thể theo hướng VietGAP, đây là mô hình công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân:

1. Giống và chuẩn bị cây giống: Hiện nay sử dụng phổ biến các giống ớt ngọt nhập từ Hà Lan có nhiều màu như ớt xanh, ớt đỏ (Pasarella), ớt vàng (Baschata)… của công ty Rijk Zwaan. Tiêu chuẩn lựa chọn giống xuất vườn:

Giống

Độ tuổi

(ngày)

Chiều

cao cây (cm)

Đường kính cổ rễ (mm)

Số lá thật

Tình trạng cây

Ớt ngọt

30-45

12-15

2,5-3,5

4-6

Cây khoẻ mạnh, cân đối, không dị hình, rễ chớm đáy bầu, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh.

2. Chuẩn bị giá thể trồng và chậu trồng

Lên luống dạng mui thuyền cao 5-7 cm, rộng 1 m. Dùng nilon tủ luống phủ kín luống. Sử dụng trấu hun và mùn xơ dừa phối trộn với nhau theo tỷ lệ 1:1, làm giá thể trồng và túi poly màu đen có kích thước 40x30 cm để trồng cây. Khoảng cách giữa hai hàng túi là 120-140 cm và khoảng cách túi trong hàng là 40 cm. Mỗi túi trồng 02 cây.

3. Phân bón và cách bón phân

* Giai đoạn đầu (từ khi trồng đến trước khi có quả đầu tiên) tính cho 1.000 m2

- Từ 0-3 ngày sau trồng: Tỷ lệ phân bón: MAP, KNO3, Mg (NO3)2, Kristalon (N:19; P:6; K:20+3MgO), Ca(NO3)2 = 20:20:20:20:20. Lượng dịch dinh dưỡng: 0,2 lít/cây/ngày tương đương 1,0g/lít. Tổng lượng phân: 0,8 kg/ngày gồm: MAP: 0,16 kg; KNO3:0,16 kg;  Mg(NO3)2: 0,16 kg; Kristalon: 0,16 kg; Ca(NO3)2: 0,16 kg.

- Từ 4-10 ngày sau trồng: Tỷ lệ phân bón: MAP, KNO3, Mg(NO3)2, Kristalon, Ca(NO3)2 = 15:20:25:20:20. Lượng dịch dinh dưỡng: 0,33 lít/cây/ngày tương đương 1,4g/lít. Tổng lượng phân: 1,87 kg/ngày gồm: MAP: 0,28 kg; KNO3: 0,37 kg; Mg(NO3)2: 0,47 kg; Kristalon: 0,37 kg; Ca(NO3)2: 0,37 kg.

- Từ 11-60 ngày sau trồng: Tỷ lệ phân bón: MAP, KNO3, Mg(NO3)2, Kristalon, Ca(NO3)2 = 15:20:25:20:20. Lượng dịch dinh dưỡng: 0,6 lít/cây/ngày tương đương 1,8g/lít. Tổng lượng phân: 4,31 kg/ngày gồm: MAP: 0,65 kg; KNO3: 0,86 kg; Mg(NO3)2: 1,08 kg; Kristalon: 0,86kg; Ca(NO3)2: 0,86 kg.

Để có dịch dinh dưỡng cung cấp cho cây, cần hòa tan phân vào hai thùng riêng biệt. Trước khi tưới cho cây lượng phân ở hai thùng trên được pha loãng 10 lần và hòa chung với nhau thành dịch dinh dưỡng để tưới cho cây. Chuẩn bị dung dịch đậm đặc như sau: Thùng thứ nhất (A): hòa tan MAP, KNO3, Kristalon. Thùng thứ hai (B): hòa tan các loại phân Mg(NO3)2, Ca(NO3)2.

* Giai đoạn thứ 2 (từ khi có quả đầu tiên đến cuối vụ) tính cho 1.000m2

Tỷ lệ phân bón: MKP, MgSO4, Kristalon, Ca(NO3)= 10:20:40:30. Lượng dịch dinh dưỡng: 1,0 lít/cây/ngày tương đương 2g/lít. Tổng lượng phân: 8,0 kg/ngày gồm MKP: 0,8 kg; MgSO4: 1,6 kg; Kristalon: 2,4 kg; Ca(NO3)2: 3,2 kg.

Để có dịch dinh dưỡng cung cấp cho cây, cần hòa tan phân vào hai thùng riêng biệt. Trước khi tưới cho cây lượng phân ở hai thùng trên được pha loãng 10 lần và hòa chung với nhau thành dịch dinh dưỡng để tưới cho cây. Chuẩn bị dung dịch đậm đặc như sau: Thùng thứ nhất (A): hòa tan MKP, MgSO4, Kristalon. Thùng thứ hai (B): hòa tan Ca(NO3)2.

* Tổng lượng phân cho cả vụ tính cho 1.000 m2: MAP: 19 kg; KNO3: 25 kg; Mg(NO3)2: 31 kg; Kristalon: 529 kgCa(NO3)2: 697 kg; MKP: 168 kg; MgSO4: 36 kg.

4. Trồng và chăm sóc

Căng dây đỡ cây: Sau khi trồng khoảng 3 tuần, cây đã bén rễ và phát triển tốt tiến hành căng dây đỡ cây. Dùng cọc tre cao 50 cm đóng xuống hai đầu của luống sau đó căng dây kẽm dọc hai bên luống và sát với hàng ớt. Căng hai dây kẽm tương tự ở phía trên của luống và ở độ cao 1,0-2,5 m tùy theo độ cao của nhà.

Nuôi dưỡng cây, tỉa thưa hoa, quả: Cây ớt ngọt hình thành thân khoảng 3-4 tuần sau trồng. Thông thường để 2 hoặc 3 thân chính trên một cây. Thân chính được lựa chọn nuôi dưỡng phải cứng cáp, khỏe mạnh làm cơ sở cho cây sau này sinh trưởng tốt.

Tỉa chồi và duy trì lá: Tần số tỉa chồi, quả: 5-7 ngày/lần. Nên tỉa chồi có chiều dài từ 2-5 cm. Loại bỏ xác hoa và lá ở phía dưới: Xác hoa dính vào phía dưới đáy quả là nơi trú ngụ của bọ trĩ. Vì vậy cần loại bỏ xác hoa ngay sau khi quả được hình thành.

5. Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Thực hiện phương châm phòng là chính và hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học. Trong trường hợp cần phải sử dụng thuốc BVTV thì ưu tiên sử dụng các thuốc có nguồn gốc thảo dược, vi sinh và thuốc có độ độc thấp, nhanh phân giải, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng.

Hiện nay Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chưa có thuốc đăng ký để phòng trừ các bệnh trên trên cây ớt. Vì vậy bà con nông dân có thể tham khảo một số loại thuốc phòng trừ các bệnh trên trên cây cà chua, khoai tây. Tuy nhiên trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.


54124-ntm.002655_ky-thuat-trong-ot-ngot-tren-gia-the-theo-huong-vietgap.pdf

Thu Hằng