Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1677 |
Tổng truy cập : | 559,293 |
Trồng trọt
Kỹ thuật trồng su su lấy ngọn theo hướng VietGAP
Hướng dẫn kỹ thuật trồng su su lấy ngọn theo hướng VietGAP: xác định thời vụ trồng, cách bón phân, làm giàn, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, đốn cây
Kỹ thuật trồng su su lấy ngọn theo hướng VietGAP
1. Thời vụ trồng
Nên bắt đầu từ tháng 12 - 1 (dương lịch). Chọn những ruộng có tầng canh tác dày, không bị ngập úng về mùa mưa. Ruộng cày bừa, làm tơi nhỏ đất, thu gom sạch cỏ dại. Lên luống, rộng 1 - 1,2m, cao 20 - 25cm, rãnh luống 30 - 35cm. Bổ hốc trồng quả giống giữa luống, hốc cách hốc 60 - 70cm, đặt 1 quả/hốc, sau phủ đất kín chỉ để lộ mầm hạt cho vươn thành cây.
2. Phân bón cho 1.000m2/năm
NPK tổng hợp 500kg, phân chuồng hoai mục 5 - 7 tấn. Bón lót 50% lượng phân chuồng; lượng còn lại chia ra bón thúc mỗi tháng 1 - 2 lần, kết hợp nạo đất ở rãnh luống vun gốc và lấp kín phân. Trong đó giai đoạn từ tháng 2 - 8 thời tiết thuận lợi, cây phát triển khỏe, sinh nhiều mầm nhánh, thu hoạch sản lượng cao, cần bón thúc phân chuồng 2 lần/tháng; từ tháng 9 - 12 thời tiết lạnh dần, cây sinh trưởng chậm, bón 1 lần/tháng).
3. Làm giàn
Chọn cọc tre hoặc gỗ cứng khỏe chôn sâu xuống 2 bên mép luống, cọc cách cọc từ 1,3 - 1,5m, sau lại dùng khúc tre buộc cố định từng cặp cọc ngang qua luống, rồi lấy lưới cước chuyên dụng giăng cách mặt luống 70 - 80cm và buộc níu chặt lưới vào các trụ cọc ngang, dọc tạo thành giàn cho cây su su leo. Lưu ý, nên chọn loại lưới có kích thước 16 X 20cm/ô mắt lưới. Hệ thống giàn cọc và lưới phải đảm bảo chắc chắn, sao cho cây su su leo bám suốt năm không đổ ngã, xiêu vẹo.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Su su trồng ở các vùng núi cơ bản không có sâu bệnh hại, không cần phun thuốc bảo vệ thực vật. Có thể bị sương muối gây chùn ngọn vào mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Phun nước sạch rửa lá và mầm rau vào sáng sớm và chiều tối sẽ giảm thiểu được sự gây hại này.
5. Thu hoạch
Ngọn su su hàng ngày hoặc cách ngày (tùy thuộc vào điều kiện thời tiết). Nếu thời tiết ấm ẩm, chăm sóc tốt, cây sinh trưởng khỏe, nhiều mầm ngọn, cho phép thu hoạch rau hàng ngày. Trời hanh khô, lạnh giá, chăm sóc kém, có thể cách 2 - 3 ngày thu hái 1 lần. Căn cứ theo yêu cầu của thương lái, chỉ cắt lấy phần ngọn dài khoảng 25 - 45cm, khi cắt cần chừa lại 2 - 3 đốt cành (đốt lá) để cây sinh nhiều mầm nhánh mới, cho thu lứa tiếp theo.
Nên hái rau vào sáng sớm chưa có ánh nắng mặt trời, ngọn rau còn đọng sương, chất lượng sẽ đạt tốt nhất (ngọn rau ăn mềm và ngọt hơn). Thu hái khi có sáng mặt trời, cây đã tiến hành quang hợp, rau ăn dai hơn, kém ngon. Trong quá trình thu hoạch, cần kết hợp ngắt bỏ các lá già, lá sâu bệnh, những ngọn rau còi cọc, ngọn nằm khuất tán, loại bỏ cả các quả non trên cây để tập trung dinh dưỡng cho nuôi ngọn, giúp tăng năng suất, chất lượng.
Sơ chế: Ngọn rau thu hái về, nhặt bỏ hết các tua cuốn, bó thành từng bó (khối lượng theo yêu cầu của từng hợp đồng), sau xếp gọn các bó rau vào sọt mây hoặc tre rồi giao cho thương lái.
6. Đốn cây (lột giàn):
Tiến hành vào tháng 1. Mục đích làm trẻ hóa vườn rau, kéo dài thời gian thu hoạch. Trồng su su 1 lần sẽ cho thu hái ngọn từ 2 - 3 năm.
Cách đốn cây: Dùng dao sắc cắt bỏ toàn bộ các cây trong vườn ở vị trí cách gốc 7 - 10cm, sau đó thu gom đưa vào ủ kín với vôi bột hoặc chế phẩm vi sinh cùng cỏ rác các loại, chờ tới khi phân hủy thành phân hữu cơ hoai mục mới bón trở lại đồng ruộng. Việc chăm bón và thu hoạch cho vườn cây sau đốn tương tự như cách làm với vườn trồng su su năm thứ nhất. - Để giống: Khoảng tháng 10 - 11 để lại 1 số quả trên cây, sang tháng 12 chọn lấy những quả già vỏ đã cứng và to đều, hạt quả bên trong đã trồi lên lộ rõ (quả giống hé miệng), dùng làm giống cho vụ trồng kế tiếp. Quả giống cắt xuống đem giâm ngay vào trong cát ẩm nơi thoáng mát hoặc làm vườn ươm có luống đất mịn và mái che 70% ánh sáng.
Sau 7 - 12 ngày, quả giống bật mầm dài 5 - 7cm là có thể mang trồng ra ruộng sản xuất. Tốt nhất chỉ để giống trồng 2 vụ liên tục, sang vụ thứ 3 cần đổi giống mua từ địa phương khác, cây trồng sẽ sinh trưởng khỏe hơn, năng suất thu hoạch đạt cao hơn.
* Một số chú ý khác: Cây su su có nhiều lá, cường độ ánh sáng ở vùng núi thường cao hơn so với các địa phương dưới đồng bằng, nên tốc độ năng quang hợp và thoát hơi nước nhanh hơn. Vì vậy những nơi có điều kiện nên khoan giếng hoặc lắp đặt hệ thống dẫn tưới từ các mó nước trong khe núi (dòng chảy tự nhiên từ lòng núi) để đảm bảo đủ ẩm thường xuyên cho cây rau, năng suất thu hoạch sẽ cao hơn vượt trội.
Chỉ nên trồng su su lấy ngọn ở các địa phương vùng núi cao mát mẻ như Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), một số tiểu vùng ở Tân Lạc (Hòa Bình)..., cây có thể sinh trưởng phát triển và cho thu hoạch quanh năm.
Các tỉnh đồng bằng cũng trồng được su su lấy ngọn nhưng năng suất không cao, vì cây cho thu hái ngọn chỉ được khoảng 2 tháng (2 và 3), các tháng còn lại nắng nóng hoặc giá rét không trồng được su su hoặc trồng nhưng cây sinh trưởng rất chậm, ít ra ngọn, chất lượng rau kém ngon.
73439-ntm.003133_ky-thuat-trong-su-su-lay-ngon-theo-huong-vietgap.pdf
ThS. Nguyễn Thị Hải Tiến