Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1749 |
Tổng truy cập : | 559,577 |
Trồng trọt
Kỹ thuật trồng thâm canh trám đen bằng cây ghép
Trám đen ghép là loại cây trồng đa tác dụng, cho hiệu quả kinh tế cao. Sau trồng 3 năm đã bói quả, từ 7-10 năm có thể cho sản lượng quả trên 2 tạ/cây/năm. Tuỳ thuộc vào điều kiện đất đai của từng hộ gia đình có thể trồng tập trung hoặc phân tán.
1. Xử lý thực bì
Phát dọn toàn diện thực bì để hạn chế cỏ dại, sâu bệnh và tránh cạnh tranh dinh dưỡng.
2. Làm đất
Cuốc hố kích thước 40 x 40 x 40 cm hoặc 60 x 60 x 50 cm (Tùy theo đặc điểm từng nơi trồng rừng)
Hố cuốc trước khi trồng ít nhất 1 tháng để phơi ải. Lớp đất trên mặt để riêng để trộn với phân bón lót khi lấp hố.
Trong 2-3 năm đầu, có thể trồng xen cây ngắn ngày hoặc cây cải tạo đất để giảm xói mòn và tận dụng không gian dinh dưỡng khi cây Trám chưa khép tán.
3. Bón lót
Tuỳ thuộc vào tính chất đất tốt hay xấu mà điều chỉnh lượng, bón từ 5-10 kg phân chuồng hoai mục (hoặc 2 kg phân vi sinh hữu cơ) kết hợp với 0,5 kg phân NPK/hố, trộn với đất mặt để lấp hố tạo hình mai rùa. Lấp đất xuống hố đến đâu đảo phân đều đến đó và lấp đầy miệng hố. Việc cuốc hố bón lót và lấp hố phải hoàn thành trước khi trồng ít nhất 15 ngày.
4. Mật độ trồng
Trồng tập trung có thể trồng từ 500 cây/ha (cự ly 5 x 4m) đến 600 cây/ha (cự ly 4 x 4m).
Trồng phân tán cự ly cây 6m - 8m.
5. Thời vụ trồng
Cây trám ghép thường trồng 2 vụ, vụ chính vào vụ Xuân (từ tháng 2 - 4), vụ thu (từ tháng 7 - 9). Trồng vào những ngày có mưa hoặc thời tiết râm mát.
Ngoài ra, có thể trồng cây trám ghép quanh năm như cây ăn quả khác bằng cách tưới nước 1 - 2 tuần sau khi trồng, kết hợp cắt bớt một phần hay toàn bộ lá của cây giống.
6. Trồng cây
Tạo một lỗ sâu chừng 25 cm ở giữa hố, đủ rộng để đặt bầu cây (đã tháo vỏ nilon và dây buộc), chỉnh cho cây đứng thẳng, dùng tay vun đất xung quanh bầu đất rồi ấn chặt để bầu cây đứng vững trong hố. Động tác nhẹ nhàng tránh làm tổn thương đến bầu đất, bộ rễ và cây giống.
Vun gốc cây thành hình mai rùa, tạo gờ nhỏ cao khoảng 5 cm cách gốc 20 cm để vừa đủ chứa nước nhưng dễ dàng thoát nước.
Dùng 3 thanh tre dài 50-80 cm cắm thành hình tam giác xung quanh, cách gốc 20-25 cm, buộc chụm ở trên để cố định và bảo vệ cây.
Dùng rơm rạ hoặc cỏ tranh, cỏ mục phủ một lớp mỏng quanh gốc để giữ độ ẩm cho cây và ngăn chặn cỏ dại.
Cắt bớt 2/3 đến toàn bộ lá trên cây để đảm bảo cân bằng sự thoát hơi nước và kích lộc non phát triển. Tưới đủ ẩm 70 – 80 % sau trồng để cây sinh trưởng thuận lợi. Tạo tán cho cây con trong 3 năm đầu: Khi cây cao 1- 1,2 m tiến hành bấm ngọn. Mỗi cây giữ 4 - 5 cành cấp 1 và 8 - 10 cành cấp 2 tỏa đều xung quanh.
7. Chăm sóc
Chăm sóc cần được tiến hành ngay sau khi trồng
Trong 3 năm, mỗi năm cần thực hiện 2 lần. Lần 1 vào tháng 4 - 5, lần 2 vào tháng 10 - 11.
Biện pháp chăm sóc gồm: phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi. Xới đất xung quanh gốc, đường kính rộng 60- 80 cm, sâu 3-4 cm với cụ thể từng năm như sau:
Năm 1: dãy cỏ, vun gốc kết hợp với bón thúc 0,5 kg NPK/cây vào lần chăm sóc đầu, kết hợp với công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng không để cho người và gia súc phá hoại.
Năm 2: phát thực bì và gom rải đều trên mặt đất, xới cỏ vun gốc đường kính 60 – 80 cm, kết hợp bón bổ sung 1,0 kg hữu cơ vi sinh + 1,0 kg NPK.
Năm 3: phát thực bì và gom rải đều trên mặt đất, xới cỏ vun gôc đường kính 0,8- 1,0 m, kết hợp bón bổ sung 1,0 kg hữu cơ vi sinh + 1,0 kg NPK.
8. Phòng trừ sâu bệnh
Trám thường hay bị sâu đục thân và rệp gây hại, vì vậy cần có những biện pháp phòng trừ như sau:
+ Sâu đục thân: Loại sâu này thường phát triển vào mùa xuân và mùa hè. Biện pháp phòng tốt nhất là quét vôi gốc cây thường xuyên để chống sâu đến đẻ trứng và diệt trứng sâu. Nếu sâu đã đục vào thân cây thì dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ diệt sâu hoặc dùng bơm tiêm bơm thuốc trừ sâu (Trebon, Sherpa) vào lỗ, lấy đất sét bịt lỗ làm cho sâu chết ngạt thuốc.
+ Rệp: có thể phát sinh vài lần trong năm nhưng thường thấy vào cuối đông đầu xuân, tụ tập dưới mặt các lá non hút dịch lá và thải phân lên các lá phía dưới như bồ hóng bếp, làm cho lá non không phát triển được, hoặc bị quăn lại, cây giảm sản lượng quả. Phòng rệp bằng cách tỉa cành trong tán, cành khuất tán tạo độ thoáng cho cây. Khi có rệp cần phát hiện sớm, phun thuốc Bi58, Trebon, Sherpa để diệt rệp.
9. Tỉa cành tạo tán
Đối với cây trám ghép lấy quả muốn có năng suất cao cần tạo được tán lá thấp và rộng. Vì vậy phải chú ý tạo tán ngay từ năm đầu.
Có thể chia thành 2 giai đoạn tỉa cành tạo tán:
+ Giai đoạn 1: Tiến hành trong 2 - 3 năm đầu. Khi cây đạt độ cao 0,5 - 1,0 m thì bấm ngọn, để cây ra 3 - 5 nhánh chính, loại bỏ những cành yếu và những chồi cành vượt để tạo ra cây thấp có tán rộng bề ngang.
+ Giai đoạn 2: Tiến hành vào thời kỳ sau thu hoạch, loại bỏ những cành tăm, cành thấp tán (mọc từ cành cấp 1 và cấp 2) tạo độ thông thoáng để hạn chế sâu bệnh và tận dụng ánh sáng. Thời gian tiến hành vào tháng 10, 11 trong năm.
10. Thu hoạch và bảo quản quả trám
Thu hoạch: Trám đen chín vào tháng 8 - 9, khi chín quả chuyển từ màu xanh nhạt sang mầu đen hoàn toàn là thu hoạch được. Trám chín không đều trong một chùm, lựa chọn những quả chín thu hái nhẹ nhàng để khỏi ảnh hưởng tới quả bên cạnh. Để quả trong rổ rá thoáng đem đi tiêu thụ trong 7-10 ngày, nếu để lâu, cần bảo quản quả tươi trong tủ lạnh 12-15 độ C.
Phương pháp bảo quản thường dùng:
Sau khi trám chín, ngâm trám cả quả (không bỏ hạt) trong nước muối 10% đun sôi, để nguội, đựng trong chum vại sành bịt kín, có thể bảo quản 5-6 tháng.
Làm tróc lớp vỏ ngoài của quả trám bằng máy đánh vỏ (có sẵn trên thị trường) rồi ủ muối bão hoà (1 kg trám với 1 kg muối), quả trám có thể giữ nguyên hương vị, màu sắc cả năm sau. Khi sử dụng, rửa sạch muối và có thể chế biến theo mục đích sử dụng.
6028-ntm003045.-ky-thuat-trong-tham-canh-tram-den-bang-cay-ghep.pdf