Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 37600
Tổng truy cập : 728,057

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ sai quả

Bài viết hướng dẫn kỹ thuật trồng cây bơ sai quả gồm các khâu: Lựa chọn đất trồng và giống bơ tốt cho sản lượng cao. Tiến hành trồng cây với khoảng cách hợp lý. Thực hiện bón phân, tỉa cành, tạo tán cho cây bơ theo từng giai đoạn. Phòng trừ các loại sâu bệnh để cây đạt năng suất cao khi thu hoạch.


Bơ là cây trồng có giá trị kinh tế cao được rất nhiều nhà vườn lựa chọn làm cây chủ lực trong phát trển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để cây bơ phát triển cho năng suất, chất lượng cao thì bà con cần nắm rõ, kỹ thuật, quy trình canh tác. Bơ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

1. Đất trồng

Cây bơ có khả năng thích nghi với nhiều đất trồng khác nhau nhưng đất đỏ bazan vẫn được xem là loại đất phù hợp nhất. Nơi trồng bơ phải là nơi có thể thoát nước nên thích hợp để trồng ở những vùng đất Tây Nguyên và những vùng Tây Nam Bộ. Độ pH từ 5 -7, lượng mưa thích hợp phải đạt từ 1.200 – 1.500mm và nhiệt độ thích hợp từ 15 – 250C.

2. Giống bơ

Bơ được trồng từ hạt thường xuất hiện tình trạng phân ly rất lớn trên nhiều tính trạng cũng như chất lượng của quả. Trồng cây cấy ghép sẽ có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt, sinh trưởng tốt và mang lại năng suất cao đạt hiệu quả chất lượng. Trong các giống bơ phổ biến hiện nay thì giống bơ booth 7 có nguồn gốc từ Mỹ được xem là giống cho chất lượng cao, năng suất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng bơ. Bên cạnh đó, giống bơ hass cũng đang được thử nghiệm và nghiên cứu các đặc tính riêng.

3. Cách trồng bơ

Bơ trồng thuần thì khoảng cách trồng bơ là 9m x 6m hoặc 8m x 7m, còn nếu trồng xen che bóng hay chắn gió cho cây cà phê thì 9m x 9m hoặc 9m x 12m là khoảng cách phù hợp. Khoảng cách hố đào là Hố đào 60 x 60 x 60cm, phân chuồng đã ủ hoai mục bón dưới mỗi hố từ 15-20kg, thêm 0,5kg lân Ninh Bình và rải 0,3-0,5kg vôi.

Dùng dao rạch vòng trong bỏ túi nilong ra, cắt phần rễ mọc hơi dài khỏi bầu đất. Sau đó rạch một đường dọc từ đáy lên khoảng 10cm. Đặt bầu cây thấp hơn mặt đất 5cm, ngọn quay về hướng gió, lấp đất ½ bầu cây. Kết hợp rút túi nilong và nén đất vào xung quanh bầu. Những cây bơ mới trồng cần phải được che nắng và cắm cọc xung quanh cây để hạn chế côn trùng phá hoại cây non, nên trồng xen kẽ các nhóm hoa A, B lẫn nhau.

4. Phân bón

Lượng phân bón nhiều hay ít tùy thuộc vào độ tuổi của cây, cây non thì nên bón 4 – 5 lần, thời điểm cây bắt đầu cho thu hoạch quả thì cần dùng lượng phân bón đầy đủ và ổn định bởi thời điểm này nhu cầu cần kali của cây cao hơn. Cây bơ trái mùa giai đoạn sinh trưởng và phát triển rất khác so với cây cà phê nên chúng cần có chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý ở từng giai đoạn. Bổ sung thêm phân bón hữu cơ, vôi, phân bón cho lá Antonic, Alpha Super,…

5. Tỉa cành, tạo tán cho cây bơ

Việc tỉa cành cành, tạo tán rất quan trọng trong việc quyết định năng suất bơ. Khi tỉa cành bà con sẽ tạo cho cây bơ có tán cân đối, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành không cho trái, cành bị che nắng, giúp cây bơ khỏe mạnh, tập trung dinh dưỡng ở những cành cho trái, cây không bị gãy cành khi gió lớn...

Tạo tán: Từ năm thứ 2 bà con sẽ bắt đầu tiến hành tạo tán. Bà con nên để cây bơ có 1 thân chính, các cành cấp 1 của cây mọc cách mặt đất khoảng 70 - 80cm. các cành của cây phân bố đều để tạo thành tán mâm xôi hoặc “ bàn tay xòe”.

Tỉa cành: Việc tỉa cành sẽ bắt đầu thực hiện trong suốt quá trình phát triển của cây (từ lúc cây được 1 năm tuổi). Bà con tiến hành cắt bỏ chồi vượt, cành mọc sát mặt đất. Còn đối với cây bơ trong thời kỳ kinh doanh bà con có thể chia làm 2 lần tỉa cành chính: sau khi thu hoạch và trước khi ra hoa 2 - 3 tháng.

Khi tỉa cành bà con loại bỏ các cành khô, cành sâu bệnh tấn công, cành không mang trái, cành che bóng…

6. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu bệnh trên cây bơ giai đoạn kinh doanh chủ yếu được hạn chế bằng cách phòng trừ, thường xuyên thăm nom vườn bơ để phát hiện và sớm nhất có thể. Một số loại sâu bệnh thường gặp như sau: Sâu ăn lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân, đục cành, bọ cánh cứng ăn lá về đêm, bọ xít muỗi, rầy mềm chích hút lá, ngọn non, rệp sáp hại cành, hại rễ, tuyến trùng hại rễ, bệnh nấm rễ, lở cổ rễ, bệnh khô ngọn, khô cành, bệnh đốm lá, bệnh thối thân xì mủ, bệnh ghẻ trái, đốm trái.

Đối với các loại côn trùng và sâu bọ, phun phòng vào thời điểm đầu + cuối mùa mưa và các đợt cây ra đọt non. Nên luân phiên thay đổi các thuốc có chứa hoạt chất: Thiathomexam, Permethrin, Carbosulfan… Đối với nấm bệnh, phun ít nhất 4-5 đợt vào mùa mưa và 1 đợt vào mùa khô… dùng các thuốc chứa hoạt chất: Mancozeb, Metalaxyl, Hexaconazole, gốc bạc, gốc đồng… Phun qua lá đồng thời đổ gốc hoặc pha đậm đặc quét lên phần gốc.

7. Thu hoạch và bảo quản bơ

Các giống bơ truyền thống thường cho thu hoạch vào khoảng tháng 8 – tháng 9, trong khi các giống bơ chín muộn có thể thu hoạch vào tháng 10-11, thậm chí một số giống thu hoạch 2-3 vụ như bơ 034, bơ tứ quý. Tùy theo từng loại giống sẽ có thời điểm thu hoạch khác nhau. Thông thường thời gian từ khi ra bông đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng hoặc 7 tháng. Khi gần thời điểm thu hoạch quả bơ sẽ có vỏ đậm màu hơn bình thường, đôi khi chuyển sang tím đậm, trên bề mặt vỏ xuất hiện một lớp phấn mỏng màu trắng.

Khi thu hoạch bà con nên cắt cả cuống, nên căng bạt hoặc lưới để hứng trái, tránh để trái bị rơi từ trên cao xuống, và chạm vào đất dễ gây trầy xước, bầm dập, mất giá trị thương phẩm. Sau khi hái nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ, chú ý lót giữa các trái bằng giấy, túi xốp hoặc các chất liệu mềm để giữ trái có mẫu mã đẹp nhất.

Tùy theo giống và thời tiết mà thời gian bơ chín (tính từ lúc hái) sẽ khác nhau. Các giống bơ vỏ dày như Booth 7, Reed, Hass… có thể lên đến 10 ngày. Nên bảo quản ở nơi khô thoáng, nhiệt độ mát, bơ sẽ để được lâu hơn./.

 28435-ntm.003375-ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-bo-sai-qua.pdf