Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1336 |
Tổng truy cập : | 564,487 |
Trồng trọt
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đu đủ
Giới thiệu biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đu đủ: xác định thời vụ trồng, chuẩn bị đất, biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.
Đu đủ chín là loại quả bổ dưỡng, nó chứa tới 0,6% chất đạm, 0,1% chất béo, 8,3-8,5% chất đường, 20-60% vitamine B, C. Đặc biệt chứa tới 2.000-3.500 đơn vị vitamine A, cao gấp 10 lần chuối, dứa, gấp 5 lần quả bơ, ổi và gần gấp đôi xoài. Trong quả đu đủ có rất nhiều men Papain, loại men này làm mềm xương thịt.
1. Thời vụ:
Đu đủ có khả năng trổ hoa và đậu trái quanh năm, tuy có mùa ít hoặc không đậu trái. Do vậy để trồng đu đủ đạt năng suất cao, trái đẹp, hạn chế sâu bệnh, có thể bố trí trồng đu đủ vào các vụ sau:
- Vùng đất chủ động tưới tiêu, trồng đu đủ vào mùa mưa (tháng 7 – tháng 8 dl)
- Vùng đất kém chủ động nước ( vùng bị ảnh hưởng của nước lũ) trồng sau khi nước rút. Khi trồng ,cây con phải đạt từ 20 -30 ngày tuổi.
2. Chuẩn bị đất:
- Các vùng đất thấp cần phải lên líp trước khi trồng, sử dụng lớp đất mặt trộn với 3 – 5kg phân chuồng, 200gr vôi, đắp thành mô với kích thước 50 x 50 x 30cm
- Khoảng cách trồng: Cây cách cây: 1,8 – 2cm. Hàng cách hàng: 2 – 3cm. Mật độ khoảng 2000-2100 cây/ha.
- Bón phân: Lượng phân bón cho 1 cây đu đủ trong một năm: Phân chuồng: 3 – 5 kg; Phân Urea: 200 – 300 gr; Super lân: 500 – 600 gr; KCL: 200 – 300 gr.
- Có thể sử dụng dạng phân đơn hoặc phân hỗn hợp khác nhưng cần phải cân đối hàm lượng đạm, lân, kali.
- Cách bón phân:
+ Bón lót: Từ 3 -5 kg phân chuồng, 50 – 100gr Super lân và 200 gr vôi.
+ Cây từ 1 tháng tuổi sau khi trồng: 20 gr phân Urea và 30 gr Super lân. Pha trong 10 lít nước, tưới cho cây, 1 tuần tưới 1 lần.
+ Cây từ 1 – 3 tháng tuổi sau khi trồng: Lượng phân bón tính cho 1 cây: 30 – 40gr Urea, 50 gr Super lân và 20 – 30 gr KCL. Bón 15-20 ngày 1 lần.
+ Cây từ 3 -7 tháng tuổi sau khi trồng bón: Lượng phân bón tính cho 1 cây: 40 – 50gr Urea , 50gr Super lân và 40gr KCL. Bón 1 tháng 1 lần. Đến tháng thứ 6, có thể bón thêm 2kg phân chuồng và 100 gr vôi cho một cây, kết hợp vun gốc. Có thể phun thêm phân bón lá. Phun định kỳ 3 -4 tuần/lần theo nồng độ hướng dẫn.
3. Chăm sóc:
-Tưới nước: Đu đủ là loại cây cần nhiều nước nhưng rất sợ úng. Do đó cần cung cấp đầy đủ nước cho cây vào mùa nắng và thoát nước tốt cho cây vào mùa mưa hoặc khi bị úng, lũ.
- Làm cỏ: Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng và là nơi trú ẩn của sâu bệnh. Cần làm thường xuyên quanh gốc.
- Tủ gốc: Dùng rơm hoặc cỏ khô tủ quanh gốc vào mùa nắng để giữ độ ẩm và giữ nhiệt độ thích hợp cho cây.
4. Phòng trừ sâu bệnh:
- Nhện đỏ:
+ Thường gây hại cho cây vào mùa nắng, ở dưới mặt lá. Lá bị hại có đốm vàng, loang lỗ, sau đó lá bị cháy và rụng.
+ Phòng trị: Phun một trong những loại thuốc sau đây: Danitol, Bi 58, Ortus, Silsau, Comite nồng độ 0.1%. Luân phiên đổi thuốc hoặc có thể trộn hỗn hợp 2 loại thuốc để phun, vì nhện đỏ rất kháng thuốc.
- Bệnh virus hại cây đu đủ: Bệnh virus trên cây đu đủ là một bệnh hại phổ biến, nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn đối với người trồng. Bệnh đốm hình nhẫn, bệnh khảm lá trên cây đu đủ do 2 virus chính gây ra là PMV (Papaya mosaic virus) và PRSV (Papaya ringspor virus).
- Bệnh đốm hình nhẫn: Bệnh do virus đốm hình nhẫn PRSV gây ra, vết bệnh có đốm hình nhẫn, khảm loang lổ trên lá, quả, thân và cành có vết thâm và chảy nhựa. Ở lá, bệnh thường tạo ra các đốm sáng vàng nhạt, lúc đầu lá hơi co lại và có hiện tượng khảm. Sau dần vết đốm phát triển thành đốm hình nhẫn, xuất hiện rất nhiều trên bề mặt lá. Khi cây bị bệnh, lá còn non thường mất thuỳ, chỉ còn cuống, đôi khi cả cuống cũng bị biến dạng, co quắp. Ở quả, vết bệnh lúc đầu là những đốm thâm xanh, sẫm, vết bệnh thường tập trung ở nửa trên của quả gần cuống. Khi già, chín, các vết thâm lại và thối sâu vào bên trong. Cây bị bệnh lùn, cho ít quả và quả nhỏ theo mức độ của bệnh. Quả bị bệnh có vị nhạt, do bệnh làm giảm lượng đường trong quả. Khi cây bị nặng có thể không cho quả và chết sớm. Virus lây bằng 2 cách: lây tiếp xúc cơ học và lây bằng côn trùng môi giới (các loại rệp, rầy). Virus không lây truyền qua đường hạt giống. Bệnh lây lan rất nhanh, nhất là cây từ 5-6 tháng tuổi.
- Bệnh khảm lá: Cây con mới trồng có thể nhiễm bệnh, nhưng thường chỉ thấy bệnh ở cây được 1-2 năm tuổi. Bệnh chỉ gây ra hiện tượng khảm ở lá cây, lá có nhiều vết màu vàng xanh lẫn lộn, khảm càng nặng lá biến sang màu vàng. Lá bị bệnh có kích thước nhỏ lại, biến dạng, số thùy lá già tăng, nhăn phồng. Lá già bị rụng nhiều, chỉ chừa lại chùm lá khảm vàng ở ngọn. Quả nhỏ, biến dạng, chai sượng. Chùm quả thường có một số quả chảy nhựa sớm thâm xanh lại thành vết dọc. Cành và thân có nhiều vết thâm xanh chạy dọc theo chiều dài của thân, cành. Virus khảm lá lan truyền bằng tiếp xúc cơ học, không truyền qua môi giới côn trùng.
+ Biện pháp phòng trị: Hiện nay chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu bệnh này. Trước mắt có thể áp dụng một số biện pháp phòng trị sau: Tạo nguồn cây sạch bệnh trong vườn ươm cách ly chống rệp; Không trồng đu đủ ở những vùng đã nhiễm bệnh; Phun thuốc hoá học kết hợp biện pháp hoá học để diệt côn trùng truyền bệnh, nhất là rệp bông và rệp đào. Một số thuốc hữu hiệu trừ rệp: Bassa, Trebon, Pegasus, Applaud, Sumicidin, Supracid, Zolone; Thực hiện chọn lọc, vệ sinh vườn đu đủ thường xuyên để loại bỏ cây bệnh, tránh lây lan.
5. Thu hoạch:
Đu đủ sau trồng 7 tháng có thể thu hoạch quả làm rau xanh, thu quả chín sau trồng 9-10 tháng. Quả chín, nên thu quả khi trên quả đã xuất hiện các sọc vàng nhạt, lúc này vật chất khô trong quả đã tích luỹ tối đa để khi làm chín, quả đạt chất lượng thương phẩm tốt, song không bị quá xanh, ăn sẽ nhạt. Mỗi cây có thể cho thu hoạch trung bình 70kg quả, cây cho thu hoạch cao có thể đạt 100-120kg quả/cây.
http://hocviennongnghiep.com
17454-ntm.002151_ky-thuat-trong-va-cham-soc-du-du.pdf