Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1295
Tổng truy cập : 564,431

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng: thời vụ trồng và mật độ trồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu và bệnh hại, thu hoạch.


Cây hồng có tên khoa học là Diospyros Kaki Lim, là một loại cây ăn quả lâu năm có nguồn gốc á nhiệt đới đã được trồng lâu đời ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta hồng được trồng nhiều ở phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, ở phía Nam hồng được trồng ở vùng Đà Lạt- Lâm Đồng nơi có độ cao từ 1000- 1500 m so với mặt nước biển.

1. Thời vụ trồng và mật độ trồng:

- Thời vụ trồng tốt nhất trong tháng 1-2 dương lịch (trước và sau lập xuân). Khi cây rụng lá, ngừng sinh trưởng, trong cây chứa nhiều chất dự trữ nhất nên dễ sống, khi trời ấm mầm sẽ bật nhanh và khoẻ.

- Phương thức và mật độ trồng: Cây hồng được trồng theo hàng với khoảng cách hàng cách hàng 4 – 5m. Khoảng cách giữa hai cây là 4 – 5m tương đương với 350 – 400 cây/ha.

- Kích thước hố:

+ Đối với đất tốt, đất bằng có mực nước ngầm cao, kích thước hố 50x50x50cm.

+ Đối với đất đồi, cần đào hố có kích thước: 60x60x60cm; 80x80x80cm.

+ Khi đào để lớp đất mặt một bên và lớp đất đáy một bên, khi lấp hố dùng đất mặt trộn với phân lót cho xuống đáy hố. Sau khi đào hố, hố cần được phơi nắng 15-30 ngày.

- Bón phân lót: Mỗi hố bón phân chuồng hoại mục 20-50kg; 0,5-1kg lân super lâm thao; 0,2-0,5kg KCl, nếu đất chua cần bón thêm 0,5-1kg vôi bột/hố. Phân lân và vôi bột trộn đều với đất, cho phân chuồng xuống. Đối với vùng đối có lớp đất nông, bên dưới là đá nên bón lót bằng phân vi sinh hoặc phân chuồng hoại mục nhiều hơn, hạn chế bớt phân vô cơ. Trộn đều các loại phân trên với lớp đất mặt cho xuống hố trước và lấy lớp đất đáy lấp lên trên, lấp đầy hoặc cao hơn mặt hố.

- Tiêu chuẩn cây con giống: 

+ Cây phải đúng giống, có nguồn gốc rõ ràng.

+ Cây sinh trưởng tốt, đã được tạo hình cơ bản trong vườn ươm.

- Cách trồng: Hố trồng hồng phải được chuẩn bị ít nhất 1 tháng trước khi trồng. Dùng cuốc bới giữa tâm hố, cắt bỏ túi bầu, đặt cây vào giữa hố, lấp đất bằng mặt bầu cây giống, nhận chặt đều quanh gốc, dùng cọc đóng chéo, buộc cố định thân cây để tránh gió lay đổ cây, tủ gốc bằng cỏ, rác, hoặc các tồn du thực vật, những cây cao hoặc có nhiều lộc non phải cắt bỏ để tạo tán và chống mất nước cho cây.

2. Kỹ thuật chăm sóc:

- Tưới nước:Trong tuần đầu tiên tưới mỗi ngày cho cây 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát, mỗi lần 1 thùng nước/cây. Sau đó cách 2-3 ngày tưới 1 lần cho hết tháng. Khi cây đã phục hồi sẽ tưới thưa hơn, tuy nhiên  phải luôn tưới nước đủ ẩm cho cây, làm sạch cỏ gốc, đồng thời tủ cỏ khô xung quanh gốc để giữ ẩm.

- Bón phân:

+Trong ba năm đầu lượng phân bón cho một cây hồng/1 năm như sau: Đạm ure 0,3-0,5kg; lân 0,4kg; Kali 0,5kg; phân chuồng

+ Cách bón: Đào sâu 15-20cm quanh tán cây, cách gốc 30-40cm, rải đều phân, lấp đất kỹ, tưới đủ ẩm và tủ bằng cỏ khô.

+ Ngoài các lần bón thúc đại trà như trên thường xuyên theo dõi và cho bón điều chỉnh theo những đặc điểm để nhận biết của cây ở bảng 5 báo cáo tổng kết.

3. Phòng trừ sâu, bệnh hại:

- Sâu hại phổ biến:

+ Sâu ăn lá, cuốn lá có vào tháng 3-4; hồng dễ bị sâu cuốn lá gây hại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

+ Sâu đục quả: bướm đẻ trứng ở cuống quả hoặc tai quả, sâu non mới nở có thể đục vào tận quả làm quả bị rụng.

+ Cách phòng trừ: vặt vài quả non bị sâu hại đem đốt; phun: PADAN 95SP của Nhật Bản nồng độ 0,1% hoặc SELERON 500ND nồng độ 0,1%, POLITRIN 440EC nồng độ 0,1% hoặc DIPTEREX 50EC nồng độ 0,05-0,1%.

- Bệnh hại phổ biến: Bệnh giác ban hại hồng trên lá và trên tai quả hồng bằng những vết không đều, phía giữa màu nâu sáng, ở phía ngoài sẫm hơn. Bệnh phát triển vào mùa mưa tháng 7,8,9.

+ Cách phòng trừ: đốt lá bệnh, phun AETTETTE 80WP nồng độ 0,3-0,4% hoặc BOOCDO 1% phun đẫm toàn bộ tán cây bị bệnh.

4. Thu hoạch:

- Hồng  không hạt chín vào rằm tháng 7 – tháng 8 âm lịch. Quả chín thì màu quả chuyển từ xanh sang đỏ vàng. Hái đúng độ chín chất lượng quả tốt hơn. Nên hái vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát.

- Hồng chín đang ở trạng thái cứng, cắt quả, xếp quả nhẹ nhàng vào các sọt có thể vận chuyển đi xa và bảo quản lâu.

- Quả hồng không hạt sau khi hái xuống vẫn cứng và ăn rất chát phải ngâm trong nước sạch ngập khoảng 15-20cm, ngâm trong 3 ngày 3 đêm (1,5 ngày phải thay nước và không được ngâm bằng nước mưa). Sau khi ngâm vớt hồng ra rửa sạch rồi hong cho ráo nước là có thể ăn được.

http://hocviennongnghiep.com


17358-ntm.002152_ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-hong.pdf