Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1012
Tổng truy cập : 462,354

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu tằm

Cây dâu tằm tên khoa học Morusalba L, là cây thân gỗ, sống lâu năm cây bụi hoặc cây to. Kỹ thuật trồng cây dâu tằm bao gồm các khâu: lựa chọn thời vụ trồng, chọn giống, hom giống, đất trồng, bón phân lót trước khi trồng để cây dâu phát triển tốt. Sau khi trồng dâu cần bón phân theo tỷ lệ hợp lý. Phòng trừ các loại sâu bệnh để cây đạt năng suất cao khi thu hoạch.


1. Thời vụ trồng 

Trồng vụ Đông: tháng 11, 12 dương lịch.

Trồng vụ Hè: tháng 5 dương lịch.

2. Chọn giống 

- Giống dâu mới: chọn giống dâu tam bội số 7, số 12; giống dâu chống hạn 28 và 38.

- Giống địa phương: chọn giống dâu Hà Bắc.

3. Chuẩn bị hom giống

Chọn hom dâu có 8-10 tháng tuổi làm giống, đường kính của hom từ 1-1,2cm.

Chặt hom dâu thành từng đoạn dài 18-20cm. Vết chặt cách mắt từ 0,5-1 cm.

4. Chuẩn bị đất

Có thể trồng dâu theo hàng hoặc theo hố.

* Trồng theo hàng: Đào rãnh sâu 35cm rộng 35cm. Bón phân lót đáy rãnh và lấp đất cho bằng mặt đất để cắm hom. Nếu trồng nằm thì lấp một phần hai đất rồi đặt hom, lấp 1 lớp đất mỏng lên trên.

* Trồng theo hố: Đào hố 40cm x 40cm x 40cm. Đáy hố bón lót bằng phân hữu cơ, lấp đất đầy miệng hố và cắm hom.

5. Bón phân lót

Mỗi hecta dâu bón từ 15-20 tấn phân hữu cơ, một sào dâu bón từ 5-7 tạ, bón đáy rãnh hoặc đáy hố. Dâu không được bón phân lót sẽ kém phát triển, mau cỗi, năng suất thấp.

6. Trồng dâu

Có hai cách trồng:

Trồng nằm: hom chặt dài 30-35cm. Đặt 5 hàng hom vào rãnh, lấp lớp đất mỏng.

Trồng cắm: hom chặt dài 18-20cm, cắm 3 hàng hom. Mật độ trồng cây cách cây 10-12cm. Hàng cách hàng 1-1,2m. Vùng núi nên trồng theo hốc.

7. Chăm sóc quản lý sau khi trồng

Sau khi trồng nếu gặp mưa phải phá váng, làm cỏ cho dâu. Sau 3 tháng cần bón thúc lần thứ nhất bằng NPK theo tỷ lệ sau: Mỗi sào 2kg urê và 10-15kg NPK hỗn hợp. Sau 6 tháng bón NPK lần thứ hai, tỷ lệ giống như lần thứ nhất.

8. Chăm sóc dâu khi ổn định

Dâu trồng từ năm thứ hai trở đi, mỗi sào Bắc bộ bón 10-12kg urê chia ra làm 5-6 lần, mỗi lần 2kg, bón kết hợp với lân, kali theo tỷ lệ N:P:K là 5:3:2.

Bón phân hữu cơ: 2 lần 1 năm. Mỗi sào 4-5 tạ, bón vào thời kỳ đốn cây và bón thúc khi dâu đang phát triển mạnh vụ hè.

9. Phòng trừ sâu bệnh

* Bệnh: dâu thường bị bệnh bạc thau, đốm lá, cháy lá, gỉ sắt, xoăn lá. Cần hái lá kịp thời và vệ sinh đồng ruộng.

* Sâu hại dâu: sâu đục thân, bọ gạo, sâu cuốn lá, sâu đo, sâu róm và các loại rầy rệp truyền bệnh virut xoăn lá, hoa lá. Nếu phun thuốc trừ sâu dùng thuốc Dipterex hoặc Bi 58 tỷ lệ 1-1,5phần nghìn. Phun sau 15 ngày mới hái lá cho tằm ăn.

10. Thu hoạch

- Phương pháp hái lá: Chọn lá theo đúng yêu cầu của tằm, ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, giảm tỷ lệ sâu bệnh, tốn công lao động. Việc thu hái trên một lô dâu cần tập trung trong khoảng 7-10 ngày, không nên kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc vườn dâu. Hái dâu cho tằm ăn tốt nhất vào 8-10 giờ sáng, không nên hái quá sớm hoặc buổi trưa.

- Phương pháp thu hoạch bằng cách cắt cành: Ít tốn công lao động, làm cho tươi dâu, dễ bảo quản, làm cho khoảng cách giữa các lứa nuôi dài hơn và có thời gian để chăm sóc. Phương pháp cắt cành chỉ nên áp dụng cho những vùng đất tốt, những hộ gia đình có điều kiện thâm canh cao.

11. Bảo quản

Đối với lá dâu nuôi tằm nên xếp theo lớp và phủ vải thấm nước, dâu cho tằm lớn chất thành đống có chiều dày không quá 20cm, giữ ẩm bằng cách phủ vải thấm nước (không phủ bằng nilon), cứ 2-4 giờ đảo một lần. Phòng bảo quản lá dâu phải thoáng mát, có cửa thông gió để giảm nhiệt độ của phòng.

 1835-ntm.003371-ky-thuat-trong-va-cham-soc-dau-tam.pdf