Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2183
Tổng truy cập : 560,438

Trồng trọt

Kỹ thuật trồng vừng đen VĐ10

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng vừng đen VĐ10: thời vụ trồng, chọn và làm đất, bón lót, gieo hạt và chăm sóc


VĐ10 là giống có thời gian sinh trưởng ngắn (75-80 ngày). Cây mập, thân to có 4 cạnh màu xanh nhạt, cao trung bình 100cm. Năng suất trung bình đạt 1.120kg/ha, cao hơn nhiều giống vừng hiện đang được gieo trồng, trong đó có giống vừngV6, chất lượng tốt. Giống vừng đen VĐ10 có khả năng chống chịu cao với một số đối tượng dịch hại như sâu ăn lá, bệnh thối thân và là giống chống đổ tốt. Giống VĐ10 được bà con nông dân nhiều nơi, nhất là vùng ĐBSH và các tỉnh Bắc Trung bộ ưa chuộng, hiện đang được khuyến cáo để thay thế dần cho giống V6 dễ bị bệnh thối rễ, thối thân.

* Thời vụ:

Giống vừng đen VĐ10 có thể trồng được 2 vụ: Vụ xuân và vụ hè thu. Với vụ hè thu nên gieo từ 20 tháng 5 đến đầu tháng 6, chậm nhất không quá 15/6 sau khi thu hoạch cây trồng vụ xuân xong làm đất gieo vừng để tranh thủ độ ẩm.

* Chọn và làm đất:

Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt, độ pH từ 6-7, nếu đất chua (pH <5,5) cần bón 25-30kg vôi bột/sào Bắc bộ. Cày bừa đất thật nhỏ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống rộng 120-150cm, cao 25-30cm, rãnh rộng 30cm, đảm bảo thoát nước tốt trong mùa mưa.

* Bón lót:

Tuỳ theo loại đất tốt hay xấu mà nên đầu tư phân nhiều hay ít. Nếu trồng trên đất cát pha nên bón nhiều phân hữu cơ để giúp giữ ẩm cho đất tốt hơn. Lượng phân bón lót cho 1 sào Bắc bộ gồm: 300-400kg phân chuồng hoai mục + 15kg phân lân + 2kg phân kali. Trộn đều các loại phân nói trên rải đều trên mặt luống rồi xới lại đất trước khi gieo (nếu gieo vãi) hoặc bón theo rạch (nếu gieo theo hàng).

* Gieo hạt:

- Lượng hạt giống cần gieo cho 1 sào Bắc bộ (360m2) là từ 200-250g. Khi cây mọc cao 5-7cm nhổ tỉa bỏ bớt những cây mọc yếu, những chỗ dày chỉ để lại mật độ khoảng 45-50 cây/m2 là vừa. Khoảng cách giữa các hàng là 40-50cm, giữa các cây khoảng 13-15cm (kể cả với gieo vãi và gieo theo hàng).

- Trước khi gieo nên xử lý hạt giống bằng cách ngâm trong nước ấm 520C (2 sôi, 3 lạnh) trong 15 phút vừa thúc cho hạt nhanh nẩy mầm đồng thời để diệt hết các nguồn nấm bệnh trên hạt giống. Vớt hạt ra, để ráo nước rồi trộn với tro bếp, đất bột hoặc cát khô để gieo cho đều. Nếu gieo vãi thì gieo đi, gieo lại 2 lần mới đều; nếu gieo theo hàng chỉ cần gieo 1 lần theo khoảng cách 13-15cm/2-3 hạt. Gieo xong bừa lấp hạt sâu khoảng 2-3cm.

* Chăm sóc:

- Nếu có điều kiện thì tưới nhẹ đủ ẩm sau khi gieo xong cho cây dễ nẩy mầm.

- Làm cỏ và bón thúc lần 1 khi cây có 3-4 lá thật với lượng 1,5-2kg urê + 2kg phân kali cho 1 sào Bắc bộ. Nhổ tỉa bỏ bớt những cây xấu, cây mọc yếu, những chỗ dày, trồng dặm lại những chỗ thưa nhằm đảm bảo mật độ đến lúc thu hoạch đạt 45-50 cây/m2.

- Làm cỏ và bón thúc lần 2 khi cây có 6-7 lá thật 3kg đạm urê + 3kg phân kali cho 1 sào Bắc bộ. Bón phân giữa 2 hàng rồi xới đất vun gốc vừa để lấp phân, vừa giúp cho vừng khỏi bị đổ.

- Thường xuyên tưới đủ ẩm cho vừng sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là thời kỳ trước khi cây ra hoa và sau khi đậu quả, nuôi quả lớn. Có thể dẫn nước theo rãnh cho ngập 2/3 rãnh để nước ngấm dần vào mặt luống sau 2-3 giờ thì tháo cạn nước. Chú ý tháo hết nước trong rãnh sau mỗi trận mưa to, không để vừng bị úng ngập dễ bị bệnh thối rễ và thối cây gây chết hàng loạt. Chú ý phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là các loại sâu ăn lá, rệp, bọ trĩ.

Thu hoạch: Khi cây vừng có 3/4 số lá ngả vàng, quả đã cứng, chuyển màu từ vàng xanh sang vàng thẫm hoặc vàng nâu là thu hoạch được. Dùng liềm cắt cách gốc 10cm, đem về ủ 1-2 hôm cho rụng hết lá rồi tãi ra sân phơi có lót màng nilon hoặc nong nia trong 4-5 giờ, sau đó đập, sàng sẩy lấy hạt. Hạt vừng được phơi lại 1-2 nắng nữa cho khô (độ thuỷ phần khoảng 13%) thì đem tiêu thụ hoặc đưa vào kho bảo quản.

 


5395-ntm.002912_ky-thuat-trong-vung-den-vd10.pdf