Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 70
Tổng truy cập : 561,506

Nuôi trồng thủy, hải sản

Kỹ thuật ương cá Rô Đồng

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật ương cá rô Đồng: chuẩn bị ao ương, mật độ ương cá, cách thả cá bột xuống ao, thức ăn, chăm sóc và quản lý, thu hoạch cá giống, chuẩn bị bể ương, kỹ thuật ương cá trong bể


1. Kỹ thuật ương cá giống trong ao đất

1.1 Chuẩn bị ao ương

– Diện tích ao ương tùy thuộc vào diện tích có sẵn của nông hộ, tốt nhất từ 500-1.000 m2. Ao có dạng hình chữ nhật có chiều dài gấp 2 – 3 lần chiều rộng, độ sâu khoảng 1,2 – 1,5m, đáy phẳng hơi nghiêng về phía cống.

– Dọn cỏ bờ, tát cạn nước, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp, cá dữ với liều lượng 0,2 – 0,3kg/100 m2, lấp kín các hang hốc.

– Dùng vôi bột bón xung quanh bờ ao và đáy ao để cải tạo phèn, liều lượng từ 7 – 10kg/100 m2.

– Phơi đáy ao: nếu gặp trời nắng mà phơi được đáy ao vài ngày thì tốt nhất. Nhưng lưu ý là những vùng đất bị nhiễm phèn thì không nên phơi lâu.

– Gây nuôi thức ăn tự nhiên: sử dụng bột đậu nành hay bột cá để bón với liều lượng từ 2 – 3 kg/100 m2.

– Lấy nước cho ao: nước cần được lọc qua lưới dày trước khi đưa vào ao để tránh tép, cá khác vào ao. Nước cấp cho ao đủ độ sâu cần thiết.

– Diệt trừ địch hại trước khi thả cá, nhất là trứng ếch nhái và bọ gạo. Để diệt trứng ếch nhái cần có sự kiên trì, tỉ mỉ, vào mỗi buổi sáng đi quanh ao vớt bỏ trứng ếch nhái. Để diệt bọ gạo, sử dụng dầu lửa 1 lít/100 m2 ao, dầu lửa được rải xuống đầu ao, phía đầu gió cho lan tràn khắp ao. Sau khi thả dầu lửa xuống ao được một ngày thì có thể thả cá bột.

1.2 Kỹ thuật ương cá

1.2.1 Mật độ

Ương cá với mật độ khoảng 1.500 – 2.000 cá bột/m2.

1.2.2 Cách thả cá bột xuống ao

Thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả, nên ngâm túi cá trong nước khoảng 10 – 15 phút để tránh cá bị sốc nhiệt, sau đó từ từ mở miệng bao, người thả cá đi lùi về phía sau cho cá ra từ từ đến khi hết cá trong bao.

1.2.3 Thức ăn 

a) Thức ăn chế biến: 

– Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 10:

+ Cho cá bột ăn lòng đỏ trứng vịt (gà) và sữa bột đậu nành.

+ Khẩu phần: 30 lòng đỏ trứng + 1kg sữa bột đậu nành cho 1.000.000 cá bột/ngày.

+ Cách cho ăn: lòng đỏ luộc chín nghiền ra thành bột hòa tan trong nước, đậu nành ngâm trong nước 24 giờ xay nhuyễn thành bột. Khi cho ăn hòa tan thức ăn trong nước và rải đều lên mặt ao. Mỗi ngày cho ăn 3 lần: 7 giờ sáng, 11 giờ trưa và 17 giờ chiều.

– Ngày thứ 11 đến ngày thứ 30:

+ Cho ăn cám, tấm + bột cá (hoặc cá tươi).

+ Tỷ lệ 30% cám + 70% bột cá.

+ Khẩu phần: 300 – 500 g/10.000 cá/ngày.

+ Cách cho ăn: thức ăn nấu chín, vò viên và đặt trong sàn ăn. Mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng sớm và chiều mát, mỗi lần 1/2 khối lượng.

– Ngày thứ 31 đến ngày thứ 60:

+ Cho cá ăn cám (40%) + bột cá (hoặc phế phẩm của nhà máy chế biến thủy sản chiếm 60%).

+ Cách cho ăn giống như giai đoạn ngày thứ 11 đến 30.

– Cho ăn như thế đến khi cá đạt kích cỡ giống khoảng 500 – 700con/kg.

b) Thức ăn tự nhiên:

– Thức ăn tự nhiên gồm phiêu sinh động – thực vật phát triển trong ao do dinh dưỡng của phân bón và thức ăn chế biến bị thất thoát trong quá trình cho ăn. Phiêu sinh vật phù du là nguồn thức ăn tươi sống rất tốt cho sự phát triển của cá do đó trong ao ương luôn duy trì màu nước xanh.

– Sự thay đổi vật mồi trong giai đoạn cá hương có quan hệ tới sự phát triển kích cỡ miệng cá. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau khi nở cá ăn tảo, luân trùng (Brachionus sp.), ấu trùng chân chèo (Cyclops sp.). Từ ngày thứ 8 sau khi nở trở đi cá chuyển sang ăn vật mồi có kích thước lớn hơn là giáp xác râu ngành (Moina sp, Daphia sp.) và giáp xác chân chèo.

c) Thức ăn viên:

Từ ngày thứ 7 trở đi có thể cho cá ăn thức ăn viên thay thế cho thức ăn chế biến. Tùy giai đoạn phát triển của cá con mà sử dụng thức ăn viên có kích cỡ phù hợp như độ đậm đặc, miễn, mảnh … của thức ăn.

1.2.4 Chăm sóc và quản lý

– Đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn nhằm đáp ứng nhu cầu của cá, nếu thiếu thức ăn cá sẽ phát triển không đồng đều và cá lớn sẽ ăn cá nhỏ làm giảm tỉ lệ sống.

– Trong quá trình ương hạn chế thay nước nếu môi trường không bị ô nhiễm, hoặc lượng nước bị thất thoát do bốc hơi hay rò rỉ. Tuy nhiên, để kích thích hoạt động bắt mồi của cá cũng như thay đổi điều kiện sinh thái của môi trường nên định kỳ 10 – 15 ngày thay 1/3 lượng nước trong ao.

– Hàng ngày trước khi cho cá ăn, phải vệ sinh sàn ăn và kiểm tra nếu cá ăn hết thức ăn thì hôm sau tăng lượng thức ăn, nếu cá ăn thừa thì giảm lượng thức ăn. Đây cũng là biện pháp tránh ô nhiễm cho môi trường do thức ăn thừa tạo nên và tiết kiệm thức ăn.

– Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của cá để có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và địch hại sát hại cá ương.

– Thường xuyên dọn sạch cây cỏ trên bờ ao, kiểm tra cống bọng để sửa chữa kịp thời tránh cá cũng như nước thất thoát do cống hư.

1.3 Thu hoạch cá giống

Sau khi ương 45 – 60 ngày, cá đạt kích cỡ khoảng 500 – 700 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 tuần, hằng ngày phải luyện cá bằng cách làm đục nước ao. Dùng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ kéo cá, để tránh cá bị xay sát. Trong quá trình thu hoạch các thao tác phải thật nhanh và nhẹ nhàng tránh làm cá mệt, sẽ hao hụt nhiều trong vận chuyển.

2. Kỹ thuật ương trong bể

a) Chuẩn bị bể ương

– Có thể dùng bể xi măng hoặc đào hố trên mặt đất có lót nilon để ương cá, diện tích khoảng vài chục mét vuông, phải giữ được nước, không rò rỉ; chiều sâu mức nước 0,5 – 0,7 m. Bể không có mái che, đặt ở nơi cao ráo tiện việc thoát nước.

– Chuẩn bị bể ương: trước khi ương, bể phải được chùi rửa sạch phơi nắng 1 ngày sau đó cho nước sạch vào bể, ngày hôm sau có thể tiến hành cho cá vào ương. Bể ương không cần bón phân do diện tích nhỏ khi cho ăn thức ăn chế biến trong những ngày đầu cá dễ bắt gặp thức ăn nên không bị đói, sau 3 ngày màu nước xanh do thức ăn dư thừa tạo điều kiện cho tảo phát triển.

b) Kỹ thuật ương cá

– Ương cá rô đồng trong bể Xi-măng với mật độ 500 con/m3 cho kết quả tăng trưởng và tỷ lệ sống cao nhất.

– Kỹ thuật chăm sóc và quản lý trong mô hình này tương tự mô hình ương trong ao đất.


2703-ntm.001985_ky-thuat-uong-ca-ro-dong.pdf