Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 80
Tổng truy cập : 561,378

Chăn nuôi

Lựa chọn và quản lý chất độn chuồng

Tìm hiểu về vai trò của chất độn chuồng trong chăn nuôi, từ đó lựa chọn chất độn chuồng cho phù hợp. Chất độn chuồng dùng nhiều hay ít phụ thuộc vào nền chuồng, thời tiết, số đầu gà, mức độ thông thoáng, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng và thời gian nuôi.


1. Vai trò của chất độn chuồng

Phân giải và hấp thu lượng nước dư thừa từ nước tiểu, chất thải của gà. Theo các nhà khoa học, thông thường một con gà trưởng thành một ngày đêm thải ra ngoài môi trường trung bình khoảng 115 g phân và nước tiểu, trong đó 3/4 (khoảng 86,25g) là nước. Khi đó, chất độn chuồng sẽ hút ẩm từ phân làm lượng phân gà giảm từ 115 g xuống còn khoảng 29 g. Điều này có tác dụng thúc đẩy quá trình làm khô nền chuồng, giúp nền chuồng khô ráo và sạch sẽ hơn.

Giảm mức độ đậm đặc của phân. Gà có tập tính hay bới, vì vậy phân được trộn đều trong lớp chất độn chồng, giúp giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa gà và phân. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa lớp chất độn chuồng dày và phân gà làm xuất hiện quá trình lên men, từ đó ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm tỷ lệ bệnh.

Điều hòa độ ẩm và nhiệt độ môi trường. Khi không khí quá ẩm lớp chất độn chuồng sẽ hút ẩm từ không khí và ngược lại, khi không khí khô lớp chất độn chuồng sẽ giải phóng hơi nước vào không khí chuồng nuôi. Vào những ngày lạnh, gà rất thích sự ấm áp của lớp chất độn chuồng và những ngày nóng bức, gà thải bớt nhiệt của cơ thể bằng cách vùi mình vào trong lớp chất độn chuồng dày. Điều này sẽ giúp gà ít bị thối bàn chân và què; lông gà tơi, mượt và sạch hơn; thịt chắc hơn, tồn dư kháng sinh ít hơn.

Hạn chế khí hôi, thối; giảm khí độc trong chuồng nuôi. Giúp cải thiện môi trường sống cho gà và người lao động.

Giảm công lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất và chăn nuôi do không phải dọn phân, rửa chuồng nhiều; không mất thêm chi phí thay lót chuồng thường xuyên.

2. Lựa chọn chất độn chuồng

Một lớp chất độn chuồng chỉ đạt chuẩn khi đảm bảo các chỉ tiêu sau: Có khả năng hấp thụ nước tốt; Có khối lượng nhẹ; Giá thành nguyên liệu tạo nên lớp chất độn chuồng hợp lý; Không độc hại với gà và người; Đặc biệt, nó nên là loại nguyên liệu thích hợp để làm phân bón sau khi kết thúc quá trình chăn nuôi.

Có nhiều loại chất độn chuồng được sử dụng phổ biến như trấu, phôi bào gỗ thông, phôi bào gỗ cứng, mạt cưa, vỏ đậu phộng, cát, lõi bắp nghiền, rơm lúa hay bắp, cỏ khô được cắt ngắn và giấy được xử lý. Lựa chọn một chất dễ kiếm, phù hợp với gia cầm và có giá thành hợp lý là sự cân nhắc của nhà chăn nuôi để đảm bảo sức khỏe, năng suất và hiệu quả chăn nuôi.

3. Quản lý

Chất độn chuồng dùng nhiều hay ít phụ thuộc vào nền chuồng, thời tiết, số đầu gà, mức độ thông thoáng, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng và thời gian nuôi.

Trước khi đưa vào sử dụng, chất độn chuồng phải được phơi thật khô, phun thuốc khử trùng. Dùng 1 - 2 lít formol 1% phun đều cho 100 - 150 kg chất độn chuồng. Sau đó phơi khô, cho vào bao tải để nơi khô ráo hoặc đưa thẳng vào chuồng nuôi khi đã thực hiện xong đầy đủ các bước khử trùng.

Trong quá trình nuôi, khi chất độn chuồng bị ướt cần được thay ngay. Vào mùa đông khí hậu khô ráo, thời gian sử dụng lớp độn chuồng có thể kéo dài nhưng vào mùa mưa phùn, độ ẩm cao, thời gian sử dụng chất độn chuồng lại giảm đi 1 - 2 tuần. Vì vậy, tùy tình hình cụ thể của chuồng nuôi, đảm bảo sao cho chuồng và nền chuồng luôn luôn phải khô.

Nếu thấy lớp chất độn chuồng bị vón cục thì nên loại bỏ vì chúng có thể là nguyên nhân làm gia tăng lượng Amoniac thải ra trong chuồng.

Thường xuyên kiểm tra và quản lý hệ thống ống dẫn nước để tránh rò rỉ. Điều chỉnh chiều cao của đường ống và áp suất nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà, tránh lãng phí nước quá mức và ướt lớp chất độn chuồng. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo không có hơi nước xâm nhập từ bên ngoài gây ẩm ướt lớp chất độn chuồng.


4283-ntm.002395_lua-chon-va-quan-ly-chat-don-chuong.pdf