Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7920
Tổng truy cập : 1,787,559

Bà con cần biết

Lưu ý phòng trừ sâu bệnh gây hại trên trà lúa muộn

Tại các tỉnh Bắc bộ, sâu non đục thân 2 chấm tiếp tục gây bông bạc trên trà lúa muộn. Rầy nâu - rầy lưng trắng gây hại trên một số diện tích trà lúa muộn, giống nhiễm. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột, bọ xít dài, đạo ôn cổ bông,... tiếp tục gây hại tại một số nơi.


Để chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa, bà con thực hiện các biện pháp sau:

- Đối với sâu đục thân lúa 2 chấm: Phòng trừ sâu đục thân lúa 2 chấm ở những ruộng có mật độ ổ trứng > 0,3 ổ/m2 khi sâu non tuổi 1 rộ, thời gian phun trừ theo tiến độ lúa trỗ. Những ruộng có mật độ ổ trứng > 1 ổ/m2 phải phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu: Prevathon 5SC; Voliam Targo 063SC, Virtako 40WG…

- Đối với rầy nâu - rầy lưng trắng: Rầy nâu và rầy lưng trắng có tính kháng thuốc rất cao, nhất là rầy nâu. Vì thế muốn trừ rầy hiệu quả và ít tốn kém, bà con cần phun thuốc khi thật cần thiết (phun khi mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên). Không nên phun thuốc trong ruộng khi không có rầy hoặc rầy xuất hiện với mật độ thưa thớt. Ưu tiên chọn lựa các loại thuốc đặc trị để diệt trừ hiệu quả như Chess, Newfatoc, Chatot, Butyl, Anproud, Bassan, Pennaty, Esin… Sau khi phun thuốc 3-5 ngày cần kiểm tra lại ruộng nếu mật độ rầy còn cao cần phải phun nhắc lại lần 2.

Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi, nếu bị rầy gây hại mạnh cần ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học như Oshin, Esin... để phun sẽ an toàn cho lúa gạo sau này. Những diện tích lúa đã chín được khoảng 80% bị nhiều rầy chích hút, tốt nhất nên chọn biện pháp gặt “chạy rầy” thay bằng phun thuốc.

- Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bà con có thể dùng từ 2-3 kg vôi bột/sào đế rắc sau mưa khi lúa còn ướt nhằm sát khuẩn vết thương, hạn chế sự lây lan của bệnh. Sử dụng một số loại thuốc có chứa hoạt chất: Kasugamycln, Gentamycin sulfate, Streptomycln để phòng trừ.

- Đối với chuột, bọ xít dài, đạo ôn cổ bông:

Diệt chuột có thể dùng các loại bẫy cặp (bẫy bán nguyệt), bẫy lồng sập, bẫy dính, sử dụng các loại mồi thích hợp như khoai lang, sắn tươi, ngô, cua, cá,... Đặt bẫy ở nơi có chuột thường qua lại ngoài đồng. Biện pháp hóa học, có thể sử dụng các loại thuốc diệt chuột trong danh mục được phép sử dụng trong nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Biorat; Rat-K 2%D, CAT 0,25WP, Ranpart 2%D, Fokeba 20%, Klerat 0,05%, Storm 0,005%, Musal 0,005WB… Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với môi trường. Trộn thuốc với lúa mầm hoặc cám thực phẩm, tôm, cua cá… Đặt mồi trộn ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, trên bờ mương, chân đê, bờ ruộng để diệt chuột. Nơi đặt bả phải cách xa nguồn nước sinh hoạt, xa các bãi chăn thả gia súc, gia cầm. Đặt bả vào chiều tối và sáng sớm, hôm sau phải thu nhặt bả thừa và xác chuột chết đem chôn.

Với bọ xít dài, phun trừ đối với những ruộng có mật độ từ 6 con/m2 trở lên. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Regent 800WG, Fastac 5EC, Ofatox 400EC, Watox 400EC… Khi phun cần tiến hành phun xung quanh bao vây, sau đó phun vào trong theo hình xoắn ốc.

Bệnh đạo ôn cổ bông sử dụng các thuốc Filia 225EC, Beam 75WP, Bump 650WP, Fu- Army 40EC, Katana 20SS, Trizole 75WDG, Fuji- one 40EC… Phun kép: lần 1 phun khi lúa nứt ne đòng, lần 2 phun khi lúa trỗ thoát hoàn toàn (cách lần 1 từ 5 - 7 ngày). Cần thay đổi thuốc giữa 2 lần phun.

P.V tổng hợp