Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1758 |
Tổng truy cập : | 559,726 |
Trồng trọt
Một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí xanh cho năng suất cao
Cây bí xanh được ưa chuộng cho vùng này bởi nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, dễ trồng mở rộng diện tích trên chân đất 2 lúa. Bài viết hướng dẫn biện pháp kỹ thuật trồng bí xanh vụ đông trên chân đất hai lúa đúng kỹ thuật, cho năng suất cao.
Cây bí xanh được ưa chuộng cho vùng này bởi nhiều ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, dễ thích nghi, dễ trồng mở rộng diện tích trên chân đất 2 lúa và có đầu ra tốt, thương lái về tận nơi tìm mua hết sản lượng.
1. Thời vụ: Gieo trồng từ 1/8- 25/9 trên chân đậu tương hè, lúa mùa sớm, mạ mùa. Nên trồng sớm đầu vụ 1/8- 20/9 để tranh thủ điều kiện thời tiết có nắng ánh sáng mạnh giúp cây sinh trưởng khoẻ sẽ cho năng suất cao, chất lượng ổn định hơn.
2. Giống sử dụng: Hiện nay nông dân đang thịnh hành phổ biến trồng giống Bí xanh số 1 là loại giống bí đá cùi dày, ít hạt ăn giòn, màu xanh đẹp khi nấu chín, năng suất cao. Đây là giống Bí xanh do Viện Cây lương thực và Thực phẩm lai tạo, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, nông dân cần chọn mua giống ở các đại lý uy tín để có chất lượng giống tốt.
3. Cách trồng: Ngâm ủ hạt nảy mầm trước khi gieo để đảm bảo số lượng cây đem trồng đủ diện tích, hạt được ngâm trong nước lã sạch từ 4- 6 giờ, đãi sạch nước chua, ủ kín, ngày tưới nước 2 lần, khoảng 1- 2 ngày hạt nứt nanh, đem gieo thẳng hoặc gieo trong bầu ni lon, hoặc làm bầu tại ruộng như bầu ngô. Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu. Bí xanh có thể trồng xen, trồng riêng biệt do vậy cách làm đất có khác nhau.
Nếu trồng xen có thể gieo các cây rau ngắn ngày cho thu hoạch nhanh trong vòng 20- 30 ngày như cải xanh, cải củ. Sau khi thu hoạch cây trồng phụ thì làm đất bổ sung vun luống chính thức cho bí. Nên làm giàn cho bí xanh thâm canh. Làm luống rộng 1,2- 1,4m.
Lượng phân bón cho 1 sào bí xanh: Phân chuồng hoai mục 6-7 tạ, đạm urê 8-10 kg, kaliclorua 6- 8kg, supe lân Lâm Thao 12- 15 kg. Đất chua (độ pH < 5) bón thêm 20- 25 kg vôi bột khi làm đất lên luống.
Toàn bộ phân chuồng, phân lân + 1/2 Kali + 1/4 đạm dùng bón lót khi gieo hạt hoặc cấy giống (gieo hạt hoặc cấy cây con cách phân 10-15 cm). Trồng 1 hàng ở giữa luống. Gieo 3- 4 hạt hoặc cấy 2 cây (sau để 2 cây/hốc).
4. Chăm sóc:
Bón thúc lần 1 khi cây có 2 lá thật, bón hoặc tưới 25% đạm kết hợp xới vun nhẹ vào gốc.
Bón thúc lần 2 khi cây có 5- 6 lá thật, xới rộng sâu bón 25% đạm + 25% kali.
Bón thúc lần 3 khi chuẩn bị làm giàn bón nốt lượng phân còn lại. Hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia sau mới nương dây cho leo giàn.
Khi cây bí dài 1 m trở lên thì cho leo giàn, giàn làm bằng cây dóc cắm chéo như mái nhà để tận dụng không gian. Khi dây leo cần để ở tư thế tự nhiên, không vặn úp hoặc lật dây, dùng dây chuối hoặc rơm nếp buộc gọn vào giàn.
Chú ý: buộc ở phía dưới nách lá. Bắt dây chéo chữ chi cho đều giàn và khỏi che rợp hoa, quả. Mỗi cây để 1-2 nhánh chính, mỗi nhánh để 1 quả. Đặt cho cuống quả nằm đúng chỗ giao nhau của hai cây dóc để khi quả lớn không làm xô dây tụt giàn.
Sử dụng nước sạch như nước giếng khơi, giếng khoan, nước sông ngòi chưa bị ô nhiễm để tưới cho bí, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Từ mọc đến kết quả cần độ ẩm 75- 80 % độ ẩm đất.
5. Thu hoạch: Quả bí 50- 60 ngày tuổi có thể thu hoạch, bí non có thể sử dụng ở tuổi 25- 30 ngày sau đậu. Thu để làm giống hoặc bảo quản làm rau dự trữ thì quả phải để già vỏ cứng, có lớp phấn trắng mới giữ được lâu.
29441-ntm.002991_mot-so-bien-phap-ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-bi-xanh.pdf
Hán Khánh Linh - Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ