Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1743
Tổng truy cập : 559,497

Chăn nuôi

Một số chú ý khi úm gà giai đoạn 1 đến 21 ngày tuổi

Giới thiệu một số phương pháp người chăn nuôi thường sử dụng để úm gà trong giai đoạn từ 01 đến 21 ngày tuổi để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao.


Trong giai đoạn từ 01 đến 21 ngày tuổi do hệ tiêu hóa và hô hấp chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém, gà con dễ bị nhiễm bệnh. Để đàn gà sinh trưởng phát triển tốt có tỷ lệ sống cao cần thực hiện tốt quy trình úm gà con.

Hiện nay có một số phương thức người chăn nuôi thường sử dụng để úm như sau:

- Sử dụng chuồng úm: Phương thức này thường áp dụng đối với các trang trại chăn nuôi quy mô tương đối lớn. Chuồng nuôi được thiết kế hệ thống ống dẫn khí dạng xương cá được xây ngầm dưới nền chuồng và có một lối thoát khói, khi vào gà người chăn nuôi dùng củi đốt ở cửa từ đó làm nóng nền chuồng, tạo nhiệt độ cần thiết cho đàn gà. Ưu điểm của phương thức này là giảm được chi phí để làm ấm chuồng nuôi, nền chuồng luôn khô tránh được các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ít phụ thuộc vào nguồn điện trong quá trình úm. Ngoài những ưu điểm trên phương thức úm này có một số nhược điểm như: chi phí ban đầu xây chuồng cao hơn, chỉ phù hợp với quy mô tương đối lớn, cần sự quản lý, theo dõi chặt chẽ về nhiệt độ chuồng nuôi, đảm bảo độ thông thoáng chuồng nuôi nếu không gà sẽ dễ mắc các bệnh hô hấp như hen, khẹc.

 - Úm trên nền: Là phương thức úm sử dụng chất độn chuồng (trấu hoặc dăm bào) đã được phơi khô và sát trùng kỹ, dùng cót cao 50-70 cm để quây gà dùng bóng đèn úm cung cấp nhiệt (một số vùng có thể dùng than củi, đèn dầu để úm). Chất độn phải đảm bảo dày trên 10cm (để khi gà con bới tìm thức ăn không làm lộ nền chuồng, khi gà ngủ trên lớp đó chân tiếp xúc trực tiếp với nền chuồng sẽ bị mất nhiệt gây các bệnh như thương hàn, hô hấp). Ưu điểm của phương pháp úm này là dễ làm, có thể áp dụng với quy mô nhỏ và lớn, chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn, chủ động trong điều chỉnh nhiệt độ, độ thoáng chuồng nuôi. Tuy nhiên phương thức này cũng có một số hạn chế: Phụ thuộc nhiều vào nguồn điện, nền chuồng không được khô ráo (nhất là đối với thời điểm độ ẩm môi trường cao) gây các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, cầu trùng.

Mật độ: Những ngày đầu mật độ nuôi thích hợp từ (15-20 con/m2) và nới rộng cót theo thời gian sinh trưởng của gà (thường 7 ngày tiến hành nới rộng một lần).

Nhiệt độ: Đảm bảo nhiệt độ Tuần 1: 31-340C; Tuần 2: 29-310C; Tuần 3: 26-290C; Tuần 4: 22-260C.

Chú ý quan sát phản ứng của gà đối với nhiệt độ để điều chỉnh cho phù hợp. Nhiệt độ vừa phải: Gà nằm rải rác đều khắp chuồng, đi lại, ăn, uống bình thường. Nhiệt độ thấp: Gà tập trung lại gần nguồn nhiệt, đừng co ro, run rẩy hoặc nằm chồng lên nhau. Nhiệt độ cao: Gà tản ra xa nguồn nhiệt, nằm há mỏ, thở mạnh, uống nhiều nước. Gió lùa: Gà nằm tụm lại ở góc kín trong chuồng. Chiếu sáng suốt ngày đêm (24/24) cho gà trong 2-3 tuần đầu để đảm bảo ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ, chống chuột, mèo và gà con sẽ ăn uống được nhiều để đảm bảo nhu cầu phát triển của cơ thể.

- Thức ăn cho gà:

Cho gà ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, đủ dinh dưỡng. Nên cho gà ăn bằng thức ăn công nghiệp, loại cám hỗn hợp hoặc cám viên dành cho gà con, tỷ lệ protein thô từ 19-21% và năng lượng 2800-2900 Kcal.

Cho gà ăn nhiều lần trong ngày (khoảng 6 lần 1 ngày là thích hợp), mỗi lần một ít để thức ăn luôn được mới, thơm ngon, kích thích tính thèm ăn của gà. Có thể sử dụng thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn trộn với thức ăn địa phương cho gà. Cho thức ăn vào mẹt, khay tôn, khay nhựa cao 3-5 cm.

 Nước uống: Nhận gà về cho gà nghỉ 10-15 phút rồi cho uống nước có pha 50 gram đường glucoza với 1 gram VitaminC/3 lít nước để chống stress cho gà. Chỉ cho gà ăn sau khi đã được uống đủ nước. Nước uống phải sạch và ấm.

- Phòng bệnh: Trong tuần đầu úm cần bổ sung vào cám và nước uống một trong các loại khán sinh để phòng viêm rốn và các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp như: Apicolis, Amoxcolis, Flofenicol,…ngoài ra cần thêm men tiêu hóa, điện giải, Bcomplex trong giai đoạn đầu để tăng sức đề kháng cho đàn gà. Giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tránh gió lùa, thường xuyên vệ sinh sát trùng, hạn chế người ra vào và thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho gà.

92145-ntm.003005_mot-so-chu-y-khi-um-ga-giai-doan-1-den-21-ngay-tuoi.pdf


Nguyễn Thiên Tuế - Chi cục Thú y Phú Thọ