Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1499 |
Tổng truy cập : | 564,815 |
Trồng trọt
Một số đối tượng sâu – bệnh hại cần lưu ý khi trồng hoa Lily
Giới thiệu một số đối tượng dịch hại phổ biến thường xuyên gây hại cho hoa Lily như sau: rệp muội, sâu ăn lá, bọ cánh cứng, bệnh gù đầu, bệnh thối ngọn, bệnh mốc xanh,…
Lily là loài hoa cao cấp có vẻ đẹp sang trọng, hương thơm quyến rũ và màu sắc rất phong phú…Tuy nhiên, Lily vẫn là một loại cây trồng mới đối với nhiều nhà vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt việc phát hiện và xác định được các loại sâu bệnh gây hại trên hoa lily vẫn còn hạn chế và gây rất nhiều khó khăn trong sản xuất hiện nay. Đứng trước thực trạng trên, nhằm giúp các nhà vườn chủ động trong việc phát hiện, từ đó có biện pháp quản lý các đối tượng này hiệu quả, hạn chế được thiệt hại do chúng gây ra, nâng cao năng suất và chất lượng hoa thương phẩm.
I. Sâu hại trên hoa lily:
1. Rệp muội: Cơ thể hơi tròn, mềm, màu xanh vàng hoặc xanh đen hoặc vàng nhạt, dài từ 1 - 1,5mm. Rệp gây hại các bộ phận của cây, nhưng chủ yếu tập trung gây hại ở bộ phận non của cây như lá non, búp non, đài hoa…và đặc biệt là mặt sau của lá (Hình 1). Rệp tập trung hút dịch làm cho các bộ phận bị hại chậm phát triển, nếu bị hại nặng lá có thể bị xoăn, vàng, cây còi cọc, nụ và hoa biến dạng. Ngoài ra, rệp cũng là môi giới truyền bệnh virus hoa lá (CMV) gây hại lớn cho lily. Rệp thường xuất hiện và gây hại trong giai đoạn phát triển lá non, gây hại mạnh trong giai đoạn cây bắt đầu có nụ.
2. Sâu ăn lá: Sâu non hình ống, thân màu xanh và có một ít lông tơ, đầu màu nâu đen, khi đẫy sức sâu dài khoảng 25 - 28 mm, hóa nhộng bên trong tổ lá; Trưởng thành là một loài bướm, có chiều dài cơ thể khoảng 10 mm, sải cánh rộng khoảng 19 - 20 mm (Hình 2); Trứng được đẻ trên các đọt non mới ra. Sau khi đẻ khoảng 3 ngày thì nở ra sâu non. Sâu non khi còn nhỏ gặm lủng lá, khi lớn chúng nhả tơ kéo vài lá non lại với nhau, rồi nằm bên trong cắn phá, làm cho lá bị khuyết, nếu nặng lá có thể bị hư hại đến phân nửa, đôi khi chỉ còn trơ lại một đoạn gân chính ở gần cuống lá (Hình 3). Sâu hại làm cho lá mất diện tích lá quang hợp và làm giảm giá trị thương phẩm của cây.
3. Bọ cánh cứng: Bọ cánh cứng hình hơi tròn, có màu nâu cánh gián, thân dài khoảng 6 - 8mm (Hình 4). Bọ cánh cứng gây hại trên lá và hoa lily, chúng gặm lá làm cho lá bị khuyết dạng hình tròn, làm mất diện tích quang hợp của cây. Nếu tập trung với số lượng nhiều thì chúng sẽ nhanh chóng tàn phá toàn bộ cây. Khi cây có hoa, chúng cắn đứt chồi hoa, ăn và cắn phá nụ và hoa đã nở, chúng không hết cả cánh hoa, nhưng làm hoa bị thủng lổ chỗ, gây mất thẩm mỹ, không bán hoa thành phẩm được. Bọ cánh cứng hoạt động và gây tác hại về đêm từ khoảng 19 đến 21giờ, ban ngày chỉ thấy hoa, lá bị hại mà không thấy có bọ trên cây (ban ngày chúng ẩn nấp những chỗ kín đáo như: dưới đất, đám lá khô, cỏ, rơm mục...), đây là lý do khiến các nhà vườn trồng lily khó phát hiện ra loài dịch hại này trong sản xuất. Đặc biệt, bọ trưởng thành có thể sống từ 2 - 3 tháng để gây hại.
II. Bệnh hại trên lily:
1. Bệnh gù đầu (Lở cổ rễ): Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Mầm bệnh có sẵn từ trong đất trồng hoặc có từ củ giống, khi trồng gặp điều kiện thích hợp nấm bắt đầu xâm nhiễm và gây hại. Bệnh gây hại vào giai đoạn cây con, biểu hiện ban đầu là ngọn gù lại, nõn bị thối ướt khi ẩm độ không khí cao, ngọn chùn lại và có xu hướng cụp xuống nên gọi là “bệnh gù đầu”, cây bị bệnh không chết nhưng cây không phát triển bình thường, lá cong hoặc dị dạng, cây có xu hướng phát triển cong về hướng bệnh xâm nhiễm, cây không có khả năng ra hoa, hoặc chỉ ra nụ vô hiệu, cây sinh trưởng phát triển kém (Hình 5).
2. Bệnh thối ngọn: Triệu chứng biểu hiện khi cây bắt đầu có nụ, những lá non xoăn lại về phía trong (Hình 6), sau đó triệu chứng cuốn lá giảm nhưng có biểu hiện triệu chứng lá mất nước, các lá trong nõn xuất hiện những vết thâm nâu sũng nước và lan rộng dần (Hình 7). Sau 1 - 2 tuần, nếu bị nhẹ thì các triệu chứng trên khô lại (không lan rộng ra các vị trí khác trên lá và các lá khác) và lá mới ra phát triển bình thường; nếu bị nặng, cây không có khả năng phục hồi thì các lá nõn và nụ bị thối, khô và rụng, cây không còn khả năng cho hoa (Hình 8, 9). Hiện tượng này xuất hiện trong giai đoạn cây chuẩn bị có nụ và kéo dài đến khi nụ bung ra (khoảng 2 - 3 tuần sau khi biểu hiện triệu chứng). Biểu hiện này xuất hiện do cây bị khủng hoảng dinh dưỡng, thiếu hụt canxi, thiếu ánh sáng (trời âm u liên tục, che sáng quá nhiều trong mùa mưa), vườn không thông thoáng, ẩm độ không khí cao; đồng thời do pH đất quá thấp, bộ rễ kém làm cho hạn chế quá trình chuyển canxi lên trên, dẫn đến tế bào lá non thiếu canxi, tế bào chết, từ đó gây ra hiện tượng cháy lá trên. Hiện tượng này, chủ yếu phát sinh mạnh trên một số giống như: Sorbonne, Lesotho, Tiber…
3. Bệnh mốc xanh: Bệnh do nấm mốc Penicillium sp gây ra. Biểu hiện đầu tiên là những vết bệnh màu nâu ở giữa hoặc phần trên của vỏ củ, tại vết bệnh xuất hiện tản nấm mốc màu xanh xám, do đó gọi là bệnh mốc xanh (Hình 10), khi bị nặng nấm bệnh có thể gây thối toàn bộ củ. Bệnh thường xuất hiện ở củ trong giai đoạn bảo quản và thường xâm nhiễm toàn bộ lớp vỏ ngoài của củ. Bệnh thường bị nặng hơn đối với những củ bị tổn thương.
4. Bệnh đốm lá (Bệnh mốc xám): Bệnh do nấm Botrytis sp gây ra. Nấm hại bộ phận phía trên mặt đất của cây. Triệu chứng đầu tiên của bệnh là những đốm hình tròn hoặc hình trứng, màu trắng xanh, có kích thước khác nhau trên lá, thân, sau đó vết bệnh chuyển màu nâu (Hình 11). Nếu bị nhiễm bệnh nặng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, oi bức thì những vết đốm phát triển và có thể liên kết lại làm toàn bộ lá bị thối, thân gãy gục, trên vết bệnh xuất hiện một lớp nấm màu xám (gọi là bệnh mốc xám) (Hình 12). Bệnh hại chủ yếu trên lá, có khi hại cả thân và hoa. Bệnh mốc xám được xem là một trong những bệnh phổ biến và tương đối nguy hiểm đối với hoa lily hiện nay.
Trên đây là những phát hiện bước đầu về những loại dịch hại trên hoa lily trong thời gian vừa qua tại Quảng Nam, để có những thông tin đầy đủ hơn về những đối tượng dịch hại này, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu để có những hướng dẫn quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới.
99158-ntm.001925_mot-so-benh-hai-sau-hai-hoa-lily.pdf