Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8875
Tổng truy cập : 2,026,873

Bà con cần biết

Một số giải pháp trong nuôi trồng thủy sản mùa nắng nóng

Thời tiết năm 2017 diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu mùa hè, nhiệt độ tăng đột biến có ngày lên đến trên 400C, ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng thủy sản. Động vật thuỷ sản là loại biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ môi trường nước. Khi nhiệt độ tăng lên cao, cơ thể động vật thủy sản chưa kịp phản ứng thích nghi, quá trình phân hủy các chất hữu cơ ở đáy ao nuôi diễn ra mạnh, làm cho động vật thủy sản chậm lớn và phát sinh bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi. Do đó, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:


1. Đối với nuôi cá trong ao:

-  Nâng mực nước ao nuôi từ 1,5 - 2m nước. Che phủ một phần diện tích ao nuôi để làm chỗ trú ẩn, tránh nắng nóng cho cá như: bèo tây, bèo tấm, lưới đen, dàn mướp,... (nếu thả bèo, nên thả khoảng 1/3 diện tích mặt nước ao; nếu che bằng lưới đen, dàn mướp nên để cách mặt nước khoảng 1,5 - 2,0 m để tạo độ thoáng cho ao); tích cực tạo ôxi cho ao nuôi bằng máy quạt nước, sục khí,...

 - Định kỳ 10 - 15 ngày dùng vôi bột hòa nước, té khắp mặt ao với lượng 2 - 3kg/100m3 để khử trùng nước ao, tiêu diệt mầm bệnh (không bón vôi cho ao vào những ngày nắng nóng). 

- Khi ao bị ô nhiễm, sử dụng các loại hóa chất xử lý môi trường nước hoặc dùng chế phẩm sinh học để xử lý nước ao (lưu ý không kết hợp dùng hóa chất và chế phẩm sinh học cùng một thời điểm; nếu sử dụng 02 loại này, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học sau khi đã sử dụng hóa chất từ 48 giờ trở lên).

- Tuyệt đối không đưa phân chuồng trực tiếp xuống ao, nếu sử dụng phân hữu cơ trong ao nuôi phải được ủ hoai, ủ với vôi lượng 2 - 3% vôi cho 100kg phân (ủ kín), ủ từ 01 tháng trở lên, sau đó mới bón xuống ao để hạn chế ô nhiễm và mầm bệnh (không bón phân khi nước có màu xanh đậm).

- Cho cá ăn vào buổi sáng và chiều mát, vào những ngày nắng nóng trên 35oC chủ động giảm lượng thức ăn xuống còn 60 - 70% so với bình thường, cần tăng cường cho cá ăn các loại thức ăn có chất lượng.

- Cho cá ăn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe, bổ sung thêm Vitamin C vào thức ăn với lượng 3 – 6 g/kg thức ăn (nếu hàm lượng Vitamin C là 20%). Phòng bệnh đường ruột cho cá bằng cách xay tỏi (bằng máy xay sinh tố) rồi trộn vào thức ăn, liều lượng 150 g củ tỏi/100 kg cá, ăn liên tục trong 5-7 ngày; 01 tháng cho ăn 01 lần.

- Những ao nuôi cá đã đạt cỡ thu hoạch cần chủ động thu tỉa để giảm mật độ nuôi hoặc thu toàn bộ vào thời điểm thích hợp.

2. Đối với nuôi cá lồng bè:

- Hạ lồng nuôi xuống mực nước sâu hơn (nếu có thể) để cá nuôi được tiếp xúc với tầng nước mát hơn ở tầng dưới (nhưng không để đáy lồng chạm đáy; đáy lồng cách đáy sông/hồ ít nhất 0,5 m).

- Che phủ diện tích lồng nuôi bằng lưới đen để làm giảm tác động của nắng nóng tới cá nuôi. Sử dụng thiết bị làm giàu ô xy (máy sục khí) để tăng ô xy hòa tan trong nước và đảo nước từ tầng đáy lên trên.

- Hàng tuần, phải vệ sinh trong và ngoài lồng để cho nước lưu thông. Trong lồng nuôi cá thường xuyên treo túi vôi với liều lượng 2 - 4kg/10m3 lồng, hoặc thuốc tím (KMnO4) nồng độ 2 -5gr/m3 lồng,…để xử lý nguồn nước.

3. Đối với nuôi cá ruộng (cá-lúa):

- Cần bảo đảm lượng nước đầy đủ, tránh nước rò rỉ bằng cách đầm nén chặt bờ.

- Hệ thống mương hình dấu cộng (+) hoặc hình chữ nhật để nối thông giữa các chỗ trũng. Tạo các chỗ trũng (đào sâu thêm ở mương) làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng kéo dài và cũng là nơi tập trung cho cá ăn, thu hoạch cá. Diện tích chỗ trũng chiếm khoảng 3-5 % tổng diện tích ruộng.

4. Khi vận chuyển cá:

- Không nên kéo lưới kiểm tra cá, vận chuyển và thả giống vào những ngày nắng nóng. Trong vận chuyển cá, tôm phải chọn thời tiết có nhiệt độ thích hợp, nếu nhiệt độ quá cao, phải có biện pháp xử lý hạ nhiệt khi vận chuyển. Nhiệt độ nước chênh lệch trong vận chuyển đối với cá, tôm cỡ lớn không quá 50C; đối với con giống không quá 40C.

- Đối với phương pháp vận chuyển kín (túi ni-lông có bơm khí ôxy): trước khi thả cá giống xuống ao, cần ngâm túi cá xuống dưới nước ao khoảng 15 - 20 phút để cá không bị sốc do chênh lệch nhiệt độ giữa nước ao và nước trong túi cá khi vận chuyển. Sau đó mở miệng bao cho nước ngoài ao chảy vào túi rồi từ từ cho cá bơi ra ngoài ao. Vào thời gian mùa hè, nên thả cá lúc trời mát vào buổi sáng từ 6 - 8 giờ, buổi chiều từ 16 - 18 giờ hoặc thả cá vào ban đêm. 

Nguồn: Sở NN&PTNT Hà Nội