Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2346
Tổng truy cập : 560,703

Trồng trọt

Một số giống khoai tây chất lượng cao

Giới thiệu một số giống khoai tây thịnh hành, chất lượng cao, cho năng suất tốt để bà con nông dân tham khảo, áp dụng: giống Mariella, giống Diamant, giống P3, giống KT3, giống Nicola, giống Solara, giống Hồng Hà 7


Kết hợp với kết quả nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc từ các giống khoai tây nhập nội và trong nước trong nhiều năm qua của các nhà khoa học, của các viện, các trường và các cơ sở nhân giống, cùng với kết quả bước đầu của mình, dự án "Khoai tây Việt-Đức" giai đoạn 1 đã giới thiệu một số giống khoai tây thịnh hành ở ĐBSH để bà con nông dân tham khảo, áp dụng:

Giống Mariella: Là giống được nhập nội từ Đức và đã được trồng rộng rãi ở nước ta từ lâu. Thời gian sinh trưởng từ trung bình đến muộn (80-90 ngày), củ hình tròn, vỏ nhẵn màu vàng, mắt nông, mầm có màu xanh tím, chống chịu virus và sâu bệnh khá, thời gian ngủ nghỉ dài. Năng suất bình quân đạt 18-20 tấn/ha, chất lượng củ ngon, hàm lượng chất thô trung bình. Giống Mariella có khả năng chống chịu bệnh mốc sương trung bình, chống bệnh thối mục thân cao, chống bệnh ghẻ thường cao, chống bệnh chân đen trung bình, chống chịu bệnh thối khô trung bình, chống chịu thối ướt cao, chống chịu vi rút khoai tây A, M, X, Y cao, chống chịu vi rút cuốn lá trung bình.

Giống Diamant: Có nguồn gốc từ Hà Lan, thời gian sinh trưởng từ sớm vừa phải đến muộn vừa phải (khoảng 90 ngày). Chống chịu virus và sâu bệnh khá nhưng dễ mắc bệnh ghẻ. Khả năng chống thâm tím bên trong khá tốt. Năng suất trồng ở miền núi đạt trung bình 23 tấn/ha, đồng bằng 16-18 tấn/ha, chất lượng củ ngon, hàm lượng chất khô khá cao, thích hợp cho làm khoai tây chiên mỏng.

Giống P3: Có nguồn gốc từ Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) được nhập vào nước ta từ năm 1981, được Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn tạo thành công. Thời gian sinh trưởng 90-100 ngày, củ hình tròn, vỏ màu vàng sáng, ruột củ màu tím nhạt, chống chịu bệnh mốc sương và virus khá tốt. Năng suất khá cao, chất lượng củ khá ngon và thích hợp với ăn tươi, hàm lượng chất khô 18-20%. Năng suất cao và ổn định, từ 20-25 tấn/ha.

Giống KT3: Thời gian sinh trưởng từ 80-90 ngày, thuộc loại chín sớm. Củ hình tròn, vỏ màu vàng, ruột vàng đậm, mắt sâu, mầm màu đỏ hồng, chống chịu virus tốt và chịu nhiệt, chống chịu bệnh mốc sương, héo xanh ở dạng trung bình. Năng suất trung bình đạt 20-25 tấn/ha, trong điều kiện ĐBSH có thể đạt 30-32 tấn/ha. Giống KT3 do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chọn lọc từ giống Ackesegen nhập từ Pháp và trồng lâu đời ở Thường Tín (Hà Tây) và nhiều nơi khác dưới tên thông dụng là khoai tây Thường Tín.

Giống Nicola: Giống được nhập nội từ Đức và là kết quả chọn tạo thành công của dự án "Khoai tây Việt- Đức" giai đoạn 1. Thời gian sinh trưởng từ 80-90 ngày, sớm vừa phải đến muộn vừa phải. Củ lớn, hình ô van dài, hình dáng đồng đều, vỏ vàng, mắt nông, chống chịu va chạm khá. Năng suất cao, phân loại đồng đều. Nicola dễ nhiễm bệnh mốc sương, chống bệnh vi rút cuốn lá vừa phải và chống chịu các bệnh khác khá tốt.

Giống Solara: Cũng là một trong những giống được dự án "Khoai tây Việt- Đức" chọn tạo từ nguồn giống nhập nội của Đức. Thời gian sinh trưởng trung bình 80-90 ngày, cây cao trung bình, thẳng, dầy, hoa màu trắng; củ hình ô van, vỏ mịn từ màu trắng đến vàng, mắt nông, nhiều củ, độ đồng đều cao. Năng suất khá cao: Tại Hà Nội và Hải Dương trong vụ Xuân 2001 giống Solara đạt năng suất cao nhất trong các giống tập đoàn khoai tây mà dự án đang thử nghiệm (22,36 và 27,27 tấn/ha). Khả năng chống chịu các bệnh mốc sương từ trung bình đến cao, các bệnh do vi rút ở mức trung bình, dễ nhiễm bệnh canker thân.

Giống Hồng Hà 7: Là giống khoai tây trồng bằng hạt lai (HPS 7/67) có bố là TPS 67 và mẹ là TPS II. Cây cao trung bình, thân, lá phát triển tốt. Thời gian sinh trưởng khoảng 95-100 ngày. Củ tròn, vỏ củ màu vàng nhạt, ruột vàng, mắt nông, độ đồng đều cao. Năng suất khá: Đời C0 từ 12 đến 20 tấn/ha, đời C1 từ 15 đến 25 tấn/ha. Hàm lượng chất khô đạt 19%. Hồng Hà 7 có khả năng chống chịu bệnh mốc sương trung bình, chịu nhiệt tốt.

Thời vụ: Theo các nhà SX khoai tây giàu kinh nghiệm thì Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Du có 2 vụ: Vụ chính trồng từ 15/10 đến cuối tháng 11, sau khi thu xong lúa mùa; vụ xuân trồng từ 5/12 đến 15/1 năm sau. Các vùng núi cao như Sapa, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng... chỉ nên trồng vụ xuân muộn từ 20/1 đến 15/2. Căn cứ vào điều kiện thời tiết của địa phương mà bố trí thời vụ trồng cho thích hợp.

 


1863-mot-so-giong-khoai-tay.pdf