Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1771
Tổng truy cập : 565,317

Trồng trọt

Một số kỹ thuật để các phương thức gieo cấy mới phát huy hiệu quả

Bài trích hướng dẫn quy trình thực hiện các kỹ thuật gieo cây để mang lại hiệu quả cao nhất: gieo mạ khay cấy máy, gieo thẳng, cấy thưa (cấy hàng rộng hàng hẹp)


1. Gieo mạ khay cấy máy

Về làm mạ khay:

Giá thể làm mạ gồm đất bột, trộn đều với mùn cưa hoặc trấu xay theo tỷ lệ 1:1. Hoặc có thể mua sẵn.

Xử lý hạt giống và tiến hành ngâm ủ như bình thường. Khi hạt bắt đầu nứt nanh tiến hành đổ ra để ráo vỏ và đem gieo.

Khay gieo mạ có kích thước 30x60 cm, đáy khay có lỗ thoát nước, số lượng 7-10 khay/sào. Mật độ cấy 18,5-24 khóm/m2 với khoảng cách cây x cây: 14-18 cm, hàng x hàng: 30 cm.

Khi gieo cần gieo dày, gieo đều và đặc biệt lưu ý ở các mép cạnh của khay.

Ưu điểm của cây mạ khay: Khay gieo mạ có nhiều lỗ nhỏ cùng với giá thể gieo tơi xốp nên tạo môi trường thông thoáng giúp bộ rễ phát triển mạnh, cây mạ cứng, bộ lá khỏe, tăng khả năng chống chịu với những bất lợi của thời tiết.

Tuy nhiên khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mạ khay, máy cấy vào sản xuất nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu chăm sóc mạ một cách tập trung do thiếu diện tích đặt khay và nhân lực. Vì vậy, để mở rộng diện tích cấy máy nhiều địa phương đã thực hiện khâu gieo mạ tập trung, sau đó giao khay mạ cho các hộ xã viên, hướng dẫn kỹ thuật để họ tự chăm sóc đến khi mang ra ruộng cấy.

Lưu ý: cây lúa cấy máy rất dễ bị vùi sâu nếu thao tác trong ruộng hẩu bùn và bùn còn chưa lắng. Do vậy, sau khi bừa cấy xong nên để lắng bùn vài ba ngày và giữ mực nước mặt ruộng khoảng 3-5 cm mới cấy là hợp lý nhất.

2. Gieo thẳng

- Vùng gieo thẳng phải được quy hoạch gọn vùng để thuận tiện cho việc chăm sóc bảo vệ và đặc biệt là việc điều tiết nước.

- Làm đất: khâu làm đất là khâu rất quan trọng quyết định nhiều đến thành công của gieo thẳng. Ruộng gieo thẳng phải được bừa kỹ hơn so với ruộng cấy lúa, bừa xong tạo rãnh thoát nước 4 xung quanh ruộng. Trước khi gieo tháo cạn nước trang phẳng mặt ruộng, kéo lầm mặt bùn để khi gieo hạt bám đất và nhanh mọc hơn.

Bón phân lót: Bón lót lúc bừa hoặc trước khi bừa để phân quyện trong đất  hạn chế mất phân, phòng đói ăn cuối vụ và chống đổ cho lúa. Khi bừa xong chờ lắng bùn, nước trong thì mới được tháo bớt nước đi.

- Kỹ thuật gieo vãi:

+ Lượng giống: Đối với các giống hạt nhỏ như BT7, T10 và các giống lúa lai… gieo 0,8 – 1kg/sào; Các giống hạt to hơn như BC15, Q5,… gieo 1-1,2kg/sào.

+ Để đảm bảo mật độ và giảm công tỉa dặm cần chia ruộng thành luống rộng 1,5 - 2m. Chia đều lượng mộng cho các luống. Nên gieo đi gieo lại nhiều lần, gieo úp tay cho hạt mộng bám đất, nếu gặp thời tiết bất thuận mộng mạ ít bị ảnh hưởng và mọc nhanh hơn.

Nên để 20% lượng giống dự phòng và nên gieo gọn vào khoảng 4m2 góc ruộng, tuyệt đối không gieo hết vào ruộng hay rắc 4 xung quanh ruộng sau này sẽ tốn nhiều công nhổ tỉa.

Chăm sóc sau gieo:

Thuốc trừ cỏ: sau khi gieo xong nên phun ngay thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Sofit, Frefit… nồng độ và liều lượng như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Điều tiết nước cho lúa gieo thẳng: Sau gieo xong giữ mặt luống phải đủ ẩm nhưng rãnh luống cần có nước, tuyệt đối không để mặt luống bị đọng nước nhưng cũng không để quá khô hạn ảnh hưởng đến khả năng mọc của cây lúa đồng thời giảm hiệu lực của thuốc trừ cỏ.

Nếu trời nắng, nhiệt độ cao, mặt ruộng nứt nẻ hoặc thời tiết rét kiểm tra lúa được 1,5 - 2 lá có thể đưa nước vào láng chân nhưng cần xử lý ốc bươu vàng ngay sau khi đưa nước vào.

Khi lúa được 2,5 - 3 lá, thời tiết ấm nhiệt độ trên 150C, nhổ lên thấy rễ trắng tiến hành bón nhử 2-3kg đạm urê/ sào, tiến hành dặm tỉa và chăm sóc như lúa cấy.

3. Kỹ thuật cấy thưa (cấy hàng rộng hàng hẹp – Hiệu ứng hàng biên)

Đây là phương thức gieo cấy giúp cây lúa tận dụng được nhiều năng lượng ánh sáng mặt trời kết hợp với sức tạo bông tối ưu trên khóm để cấy lúa đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. 

* Chuẩn bị giống

Do cấy thưa, nên Lượng giống cần ít và đặc biệt là cấy nhanh nên sẽ giảm được công cấy, lượng giống chỉ cần từ 0,5-0,8 kg/sào, tùy giống hạt to hay nhỏ. Nên chọn những giống lúa có khả năng đẻ nhánh khá, đẻ nhánh khỏe sẽ cho hiệu quả cao hơn.

* Mật độ cấy:

Cấy hàng rộng hàng hẹp: là cứ cấy 2 hàng như thông thường lại bỏ 1 hàng, cấy lặp lại như thế cho đến khi hết ruộng. Để giúp bà con nông dân dễ nhớ, dễ thực hiện nên áp dụng các khoảng cách, mật độ sau:

Với những giống đẻ nhánh khỏe như lúa lai và BC15: cấy mật độ xung quanh 16 khóm/m2

          Trong đó:  Hàng sông lớn: 40 cm

                           Hàng sông bé: 20 cm

                           Khóm cách khóm: 20-25 cm (cấy từ 4-5 khóm/1m dài)

Với những giống lúa đẻ nhánh trung bình - khá như TBR1, TBR225, Thiên ưu 8… cấy mật độ xung quanh 20 khóm/m2

          Trong đó: Hàng sông lớn: 40 cm

                          Hàng sông bé: 20 cm

                          Khóm cách khóm: 15-20 cm (cấy 5-6 khóm/1m dài)

Có thể dùng bộ cữ cấy chuẩn bị từ trước để cấy dễ dàng hơn.

Cấy 2-3 dảnh/khóm, cấy nông tay, nếu cấy được các khóm ở các hàng so le nhau thì càng tốt.

Khi cấy thưa cây lúa nhận được nhiều ánh sáng, không những cây đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, cứng cây bông to hạt mẩy mà còn ít sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu và khô vằn nên giảm số lần phun thuốc.

Lưu ý:

          - Dặm tỉa kịp thời tránh để khuyết mật độ làm ảnh hưởng đến năng suất.

          - Ánh sáng nhiều thì cỏ dại phát triển mạnh, do đó phải diệt trừ cỏ dại để tránh hiện tượng cỏ mọc nhiều sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây lúa.

          - Lượng phân bón tương tự như các phương thức gieo cấy khác. Thực hiện bón lót sâu, bón thúc sớm và bón tập trung.


30843-ntm.001825_mot-so-ky-thuat-gieo-cay-moi.pdf