Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1668
Tổng truy cập : 559,270

Chăn nuôi

Một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Để sử dụng kháng sinh hiệu quả và an toàn trong quy trình chăn nuôi, người chăn nuôi cần lưu ý tìm hiểu: những nguyên tắc khi sử dụng kháng sinh, những biến chứng khi sử dụng kháng sinh và cách phòng tránh.


Kháng sinh là chất có nguồn gốc từ vi sinh vật hoặc tổng hợp, bán tổng hợp với liều điều trị có tác dụng ngăn cản hay diệt vi sinh vật gây bệnh trong cơ thể vật nuôi. Hầu hết các kháng sinh có tác dụng kìm hãm hoặc tiêu diệt vi khuẩn, chỉ có một số rất ít có tác dụng với các bệnh do nấm, ký sinh trùng và siêu vi trùng. Kháng sinh chiếm 60-70% các loại thuốc được sử dụng; phong phú về chủng loại và biệt dược, được phân loại chủ yếu dựa trên nhóm hóa học kết hợp với cơ chế tác dụng của chúng. Theo Cục thú y Trung ương, hiện có trên 4000 sản phẩm được sử dụng trong thú y có mặt tại thị trường Việt Nam trong số gần 6000 sản phẩm kháng sinh được nghiên cứu, đưa vào sử dụng.

Hiện nay, kháng sinh có mặt trong tất cả quy trình chăn nuôi: trong thức ăn do nhà sản xuất đưa vào, chủ trang trại sử dụng với mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, kích thích sinh trưởng; kháng sinh đem lại ý nghĩa quan trọng trong phòng và chữa bệnh cho vật nuôi.

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong phòng chữa bệnh cho vật nuôi dẫn đến vi khuẩn kháng kháng sinh, vi khuẩn đột biến gen, sự tồn dư kháng sinh trong thực phẩm là vấn đề bức xúc trong những năm gần đây được đặc biệt quan tâm. Vi khuẩn kháng kháng sinh với nhiều loại kháng sinh phổ biến (đã sử dụng lâu) như: Penicilin, Streptomycin, Tetracyclin… dẫn đến khó khăn trong công tác phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, sự tồn dư kháng sinh trong thực phẩm dẫn đến sản phẩm chăn nuôi không an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tăng chi phí trong chăn nuôi.

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và PTNTT đã ban hành quy định chỉ cho phép sử dụng 15 loại kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi có hàm lượng quy định; trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, chỉ được sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh, phải có căn cứ khoa học; tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng Premix có hàm lượng kháng sinh không vượt quá 20% để trộn vào thức ăn hỗn hợp, các loại kháng sinh được phép sử dụng bao gồm: Bambermycins, BMD, Chlortetracycline, Colistinsulphate, Enramycin, Kitasamycin, Lasalocidsodium, Lincomycin, Monensin, Narasin, Neomycinsulphate, Nosiheptide, Salinomycin sodium, Tylosin phosphate, Virginiamycin.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT cấm tuyệt đối sử dụng các loại kháng sinh: Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Carbadox, Olaquidox... do lượng tồn dư trong động vật, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các quy định mới về sử dụng kháng sinh đều theo hướng giảm dần việc sử dụng với mục đích kích thích sinh trưởng, phòng chữa bệnh cho vật nuôi.

Hiện nay, nhiều người chăn nuôi đã chủ động học hỏi, trao đổi, nghiên cứu và sử dụng kháng sinh để tự phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, trước thực trạng nêu trên, để sử dụng kháng sinh hiệu quả và an toàn, người chăn nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Những nguyên tắc khi sử dụng kháng sinh

- Chọn kháng sinh đúng với bệnh vì mỗi loại kháng sinh có tác dụng đặc hiệu với một hay một vài loại vi khuẩn nhất định. Ngay từ đầu, dùng 2 - 3 liều cao hơn 1,5 - 2 lần liều chỉ định (gọi là liều tấn công), sau đó dùng liều duy trì; không dùng liều thấp tăng dần để tránh hiện tượng vi khuẩn nhờn thuốc. Dùng thuốc đủ liều trong cả đợt điều trị, nếu sau khoảng 5 - 6 ngày điều trị không có hiệu quả (thấy bệnh không chuyển biến) thì nên thay kháng sinh, hoặc phối hợp với kháng sinh khác. Sau khi hết những triệu chứng lâm sàng, nên dùng thuốc thêm ít nhất 02 ngày nữa để kháng sinh tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh.

- Dùng kháng sinh ở thời điểm thích hợp trong một ngày, theo khoảng thời gian nhất định để duy trì nồng độ của thuốc liên tục ổn định trong máu và các mô bào cho tới khi khỏi bệnh. Căn cứ vào đặc điểm của thuốc mà cho con vật uống trư­ớc hay sau bữa ăn, tiêm một lần hay chia nhiều lần: thuốc có phân hủy trong dịch vị không; tốc độ hấp thu, đào thải nhanh hay chậm; bài tiết qua cơ quan nào.

- Cần phối hợp kháng sinh thích hợp với từng loại vi khuẩn, tuy nhiên phải nắm vững đến tính tương kỵ hay tính hiệp đồng các loại kháng sinh dùng phối hợp. Chọn kháng sinh thích hợp để tránh các hiện t­ượng vi khuẩn kháng thuốc. Ví dụ: Tụ cầu tiết men Penicilanaza kháng các thuốc PenicilinG, Ampicilin, Colistin; Liên cầu trùng dung huyết kháng Penicilin, Gentamycin... để giảm hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc nên dùng kháng sinh phổ hẹp, dùng đúng chỉ định, liều lượng.

- Trong thời gian điều trị cho vật nuôi bằng kháng sinh, nên kết hợp bổ sung thêm các loại Vitamin, đặc biệt là Vitamin nhóm B; sử dụng khẩu phần chất lượng cao, giàu dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, bổ sung đường Glucoza đối với gia súc non, già, yếu. Không dùng kháng sinh trong những tr­ờng hợp: Penicilin không dùng đối với gia súc có tiền sử choáng, dị ứng; Penicilin chậm, Tetracyclin, Streptomycin, Gentamycin, Kanamycin Sulfamid không dùng cho gia súc sơ sinh; Sulfamid, Tetracyclin, Rifampicin, Bactrim không dùng cho gia súc có thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.

2. Những biến chứng khi sử dụng kháng sinh

Khi dùng kháng sinh tiêm, uống hoặc tiếp xúc với kháng sinh (Penicilin, Streptomycin...) thư­ờng gặp hiện tựợng sốc phản vệ do kháng sinh gây ra với những biểu hiện: con vật loạng choạng, khó thở, mạch nhanh, không đều, huyết áp tụt thấp, có con biểu hiện co giật, nổi ban, hôn mê và có thể chết. Nhẹ hợn xuất hiện những phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau: trên da, hô hấp, tim mạch, gan, thận, thần kinh với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, cũng có khi dẫn đến chết.

Biến chứng sau tiêm kháng sinh gây bệnh huyết thanh: Sau khi dùng kháng sinh (Penicilin, Streptomycin, Sulfamid...) vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 14. Con vật bỏ ăn, mệt mỏi, ủ rũ, có triệu chứng buồn nôn, đi loạng choạng, xiêu vẹo do đau khớp, s­ưng nhiều hạch, sốt cao, mẩn đỏ toàn thân. Chẩn đoán chính xác và ngừng ngay kháng sinh, con vật sẽ mất dần triệu chứng, tiếp tục dùng kháng sinh và tăng liều lư­ợng sẽ làm bệnh càng nặng và dẫn đến trụy tim mạch và chết.

Biểu hiện ở da: Nổi mề đay, mẩn ngứa, phù mí mắt, phù thanh quản, viêm da, chấm xuất huyết ngoài da, ngừng sử dụng kháng sinh. Biểu hiện ở hệ máu: khi dùng kháng sinh liều cao, gây thiếu máu dung huyết cấp tính với các triệu chứng: sốt cao, con vật run rẩy, hạ nhiệt độ, buồn nôn và nôn, chảy máu mũi, vàng da. Xét nghiệm máu lúc này hồng cầu giảm, bạch cầu trung tính giảm, số lượng bạch cầu khác lại tăng lên.

Nếu tình trạng con vật bị biến chứng nặng do sử dụng kháng sinh: cần đưa con vật vào vị trí yên tĩnh, trợ sức bằng đường Glucoza, điện giải; sử dụng các loại thuốc trợ tim, an thần, thuốc kháng Histamin: Cafein, Adrenalin, Dimedron, Promethazin... liều lượng theo Kilogam thể trọng (sử dụng thận trọng và cân nhắc theo tình trạng sức khỏe con vật).

Muốn phòng biến chứng do kháng sinh gây ra, ngoài việc chẩn đoán đúng bệnh, lựa chọn kháng sinh đúng chỉ định, dùng đúng liều lượng thì một trong những khâu bắt buộc là phải thử phản ứng (Test). Thông thường có bốn cách cơ bản là: test nhỏ giọt trên bề mặt da, test dưới da, test kích thích qua niêm mạc mũi và test dưới lưỡi; từ kết quả phản ứng test rồi mới cân nhắc và quyết định sử dụng kháng sinh./.

 47546-ntm.003009_mot-so-luu-y-khi-su-dung-khang-sinh-trong-chan-nuoi.pdf


Hà Đình Long - Chi cục thú y Phú Thọ