Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 508 |
Tổng truy cập : | 562,679 |
Trồng trọt
Một số lưu ý khi trồng và chăm sóc cây dưa chuột trong vụ đông muộn
Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật bà con cần lưu ý để trồng được dưa chuột vào vụ đông muộn: giống và thời vụ, chuẩn bị đất, kỹ thuật trồng, làm giàn và chăm sóc, phòng trừ sâu hại
Cây dưa chuột là cây trồng chịu thâm canh, ưa khí hậu mát mẻ, có giá trị kinh tế cao. Điều kiện thời tiết vụ đông muộn khá khắc nghiệt và thất thường, có các đợt rét đậm, rét hại nhiệt độ giảm thấp (dưới 15oC), nhiều cây trồng ngừng sinh trưởng hoặc bị chết rét, kèm với nó là những ngày đông ấm. Cây dưa chuột có thời gian sinh trưởng ngắn nên vẫn “chớp” được thời tiết để sinh trưởng, phát triển. Thời điểm thu hoạch vụ đông muộn giá bán dưa chuột lại cao nên nhiều người dân vẫn tiến hành gieo trồng. Để trồng được dưa chuột vào thời điểm này, bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật như sau:
1. Giống và thời vụ
Vụ đông muộn trồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau phải sử dụng các giống chịu rét như nếp địa phương, nếp số 1, giống nếp lai (Việt á VA66, VA 67, VA68).
Lượng hạt giống: 25 gram hạt giống/sào Bắc bộ 360 m2.
Chú ý: Nên ươm cây con để trồng. Nếu đang trong đợt rét đậm, rét hại bà con không được xuống giống.
2. Chuẩn bị đất
Dưa chuột thích hợp với đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, không quá phèn, mặn. Chọn đất vụ trước không trồng họ bầu bí là tốt nhất.
Đất trồng dưa chuột phải cày bừa kỹ cho tơi xốp, làm sạch cỏ, lên luống cao 20 - 25cm, mặt luống rộng 1m, rãnh rộng 40 cm. Luống trồng nên phủ nilon để giữ ấm, giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.
3. Kỹ thuật trồng
+ Về chuẩn bị cây con: Hạt giống ngâm bằng nước ấm từ 3 - 4 giờ sau đó vớt hạt rồi ủ ấm trong khăn ẩm, khi hạt nảy mầm tra vào bầu.
- Làm bầu: Làm bầu bằng đất bùn, trộn phân chuồng hoai mục với đất bùn tỷ lệ 1:1, độ dày bùn 3 cm, khi ráo cắt ô vuông 3 x 3 cm, sau đó gieo hạt vào và phủ một lớp đất bột mỏng. Hoặc có thể gieo vào khay ươm cây con chuyên dụng.
+ Về mật độ, khoảng cách trồng:
- Mật độ: Khoảng 1.000 cây/sào.
- Khoảng cách: Luống trồng 2 hàng: Hàng cách hàng 65 - 70 cm, cây cách cây 40 cm. Thứ tư, về phân bón và cách bón phân
- Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2):
+ Phân chuồng hoai mục: 500 kg
+ Vôi: 25 kg
+ Phân hữu cơ vi sinh: 30 kg
+ Lân supe: 20 kg
+ Đạm urê: 10 kg
+ Kali: 10 kg
- Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, hữu cơ vi sinh + 10 kg lân supe. Vôi rắc đều vào đất trước khi lên luống.
+ Bón thúc lần 1 (sau trồng 7 ngày): Bón 5 kg lân + 2 kg đạm + 2 kg kali
+ Bón thúc lần 2: Bón 5 kg lân + 2 kg đạm + 2 kg kali
+ Bón thúc lần 3, 4, 5: Bón 2 kg đạm + 2 kg kali
Các lần bón cách nhau 10 ngày, nên hòa ra để tưới cho cây hấp thu dinh dưỡng nhanh.
Chú ý: Không bón phân khi thời tiết rét đậm, rét hại.
4. Làm giàn và chăm sóc
- Làm giàn: Khi cây được 3 lá thật thì tiến hành làm giàn, dùng cọc dài khoảng 2,5m cắm hình chữ A, khoảng cách các cọc chữ A từ 2 - 6m (tùy độ cứng của cọc), sau đó giăng lưới nilon có mắt lưới rộng 20cm lên giàn để cho dưa leo. Thường xuyên buộc thân dưa vào giàn để dây và quả sau này không bị tuột xuống.
- Làm cỏ, tưới nước và các biện pháp kỹ thuật khác:
+ Nếu che phủ nilon, chỉ cần làm cỏ rãnh và hốc trồng.
+ Tưới nước cho dưa đảm bảo độ ẩm đất 85 - 90%. Lượng nước tưới, số lần tưới cần căn cứ vào độ ẩm đất trước lúc tưới.
+ Thường xuyên ngắt lá già, lá bệnh để cho ruộng thông thoáng, giảm thất thoát dinh dưỡng.
+ Sử dụng lưới đen hoặc bạt có cọc đỡ để che hướng gió Bắc thổi, tránh táp lá khi cây lên giàn, chiều cao che bằng hoặc cao hơn giàn dưa.
5. Phòng trừ sâu bệnh hại
Các đối tượng sâu bệnh hại chính trên dưa chuột như: sâu vẽ bùa, bọ trĩ, bọ phấn, bọ dưa, sâu ăn lá, bệnh lở cổ rễ, thán thư, sương mai, phấn trắng, khảm virus. Để phòng trừ bà con cần áp tổng hợp các biện pháp:
- Luân canh cây trồng;
- Chọn giống chống chịu;
- Vặt bỏ, thu gom, tiêu hủy lá già, lá bệnh trên ruộng;
- Bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây;
- Thường xuyên thăm ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV.
6283-ntm.002563_mot-so-luu-y-khi-trong-va-cham-soc-cay-dua-chuot-vu-dong-muon.pdf
Phan Thị Thúy