Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 6406
Tổng truy cập : 2,041,631

Bà con cần biết

Một số lưu ý trong gieo cấy và chăm sóc lúa vụ mùa 2021

Sản xuất ở vụ mùa thường phải đối mặt với những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu như nắng nóng và ngập úng đầu vụ, mưa bão cuối vụ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa mùa, sâu bệnh phát sinh nhiều, lúa đổ ngã… là những nguyên nhân dẫn đến giảm năng suất. Để chủ động giành được vụ mùa bội thu, bà con cần lưu ý một số biện pháp trong gieo cấy và chăm sóc lúa mùa như sau:


1. Đối với gieo cấy

- Lựa chọn các giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt ở vụ mùa, đặc biệt là khả năng chống chịu bệnh bạc lá và chống đổ, nên sử dụng giống đảm bảo chất lượng do các đơn vị có uy tín sản xuất, không nên tự để giống của gia đình, tuyệt đối không lấy thóc ở vùng những vụ trước đã xuất hiện lúa cỏ để làm giống. Lượng thóc giống tùy thuộc vào từng loại giống và kích cỡ hạt giống: lúa lai từ 0,8-1 kg/sào, lúa thuần từ 1-1,5 kg/sào. Trà cuối nên gieo tăng 5-10% để làm mạ dự phòng khi gặp điều kiện bất thuận xảy ra.

- Ngâm ủ: Ngâm giống theo hướng dẫn có ghi sẵn ở trên bao bì. Trong quá trình ngâm hạt giống, thực hiện thay nước, rửa chua định kì từ 6 - 8 giờ/lần. Để phòng chống bệnh Lùn sọc đen, nên xử lý hạt giống trước khi gieo bằng một trong những chế phẩm như: CruiserPlus 312.5FS, Enado 40FS, Gaucho 600FS, Kola 600FS,…

- Gieo cấy: Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và ngập úng đầu vụ, nên ưu tiên gieo mạ cấy, hạn chế gieo thẳng ở vụ mùa, tăng diện tích cấy máy. Có thể gieo mạ nền cứng, mạ dày xúc, mạ khay cấy máy, mạ lốc (mạ vườn) hoặc mạ dược, tùy vào điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn phương pháp gieo cấy hợp lý.

- Gieo mạ: Với mạ nền cứng hoặc mạ dày xúc nên lấy bùn ở những nơi có nguồn nước lưu thông, không lấy ở những nơi ao tù, nước đọng, chỗ bóng cây có nhiều lá rụng. Tranh thủ lấy bùn sớm để hả hơi (loại bỏ các khí độc ảnh hưởng tới cây mạ), có thể trộn thêm trấu mục vào bùn để tạo độ xốp cho bùn, dễ ra mạ khi cấy. Khi gieo mạ, làm bùn nhuyễn, san phẳng mặt luống và để lớp bùn mỏng khoảng 1 - 1,5 cm (mạ nền cứng) và 2,5 - 3 cm (mạ dày xúc), khi bùn se mặt thì gieo mạ đều với mật độ vừa phải sao cho cứ 3 - 4 m2/sào (mạ nền cứng) và 8 - 10 m2/sào (mạ dày xúc). Khi mạ có 2,5 - 3 lá thật là tốt nhất.

- Mạ khay cấy máy: Chuẩn bị khay nhựa và giá thể gieo mạ. Cần khoảng 6-8 khay mạ/sào. Giá thể gieo mạ có thể tự chuẩn bị từ trước, gồm đất bột và mùn cưa hoặc trấu mục xay mịn với tỉ lệ 5:2, hoặc mua từ những cơ sở chuyên bán giá thể gieo mạ khay. Cho giá thể vào 2/3 chiều cao khay, san phẳng tưới nước đẫm rồi gieo mạ đều trên khay, sau đó phủ đất kín. Gieo xong mạ vào khay, xếp chồng các khay lên nhau và phủ kín khoảng 1 ngày đêm khi mạ ra mũi chông, xếp rải như luống mạ và chăm sóc như mạ nền cứng.

- Gieo mạ lốc (mạ vườn): Chọn chân ruộng cao hoặc vườn có đất cát pha. Đây là phương pháp dễ làm, cây mạ cao, đanh dảnh, khi cấy không bị chột mạ. Làm sạch cỏ dại, làm đất tơi, lên luống như gieo hạt rau, gieo với diện tích 15 - 20 m2, gieo xong tưới đẫm nước rồi phủ kín hạt bằng đất bột hoặc cát. Sau 10 - 12 ngày tuổi là nhổ mạ đi cấy được, thậm chí có thể để đến 18-20 ngày như mạ dược.

- Chăm sóc mạ: Giai đoạn gieo mạ thường có nắng nóng, cần chống nóng cho mạ, đặc biệt là mạ nền cứng và mạ khay bằng cách dùng lưới đen để che bớt nắng, thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho luống mạ, tuyệt đối không tưới vào giữa trưa nắng nóng. Khi mạ ngoài 3 lá thật, cần tưới bổ sung dinh dưỡng bằng lân supe hoặc NPK có hàm lượng lân cao, pha loãng để tưới cho luống mạ. Phun trừ rầy trước khi đưa mạ ra ruộng cấy từ 2 - 3 ngày.

2. Chăm sóc

- Phân bón: Thực hiện bón phân theo phương châm “bón lót sâu, thúc sớm”, bón phân cân đối, hạn chế bón đạm đơn, không sử dụng đạm đơn bón đòng, nuôi hạt. Lượng phân bón cho 1 sào: 20 - 25 kg/sào NPK chuyên lót loại 5:10:3, 6:11:2,.. và 12 - 15 kg/sào NPK chuyên thúc loại 12:5:10, 16:5:17,… hoặc 15 - 17 kg NPK 16:16:8/sào (bón lót 5-6 kg/sào, bón thúc lượng còn lại).

- Điều tiết nước: Áp dụng chế độ “Nông - Lộ - Phơi” cho suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa.

- Ốc bươu vàng: Ốc cắn phá cây lúa non làm khuyết mật độ lớn, nhất là chỗ trũng. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và chủ động tiêu hủy trứng ốc bươu vàng trên đồng ruộng, kênh mương; bắt thủ công với ruộng có mật độ ốc bươu vàng thấp, chăng lưới ở đầu lối dẫn nước vào ruộng; nếu mật độ cao mới dùng thuốc sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học để trừ ốc bươu vàng.

- Hạn chế cỏ dại: Cần phải làm đất kĩ để tàn dư thực vật (rơm rạ, hạt cỏ,..) được phân hủy toàn bộ. Sau cấy nên giữ một lớp nước nông để giúp cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh đồng thời hạn chế cỏ dại phát triển. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và nhổ bỏ tiêu hủy cỏ dại, không để cỏ dại kết hạt là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để hạn chế cỏ dại ở những vụ sau. Hạn chế tối đa việc xử lý cỏ dại bằng thuốc hóa học.

Ngộ độc hữu cơ: Biểu hiện như lúa còi cọc, kém phát triển, lá lúa biến vàng, rễ vàng hoặc đen có mùi hôi tanh, ruộng có nhiều bọt khí. Trường hợp này, không nên sốt ruột mang phân ra bón ngay, nhất là phân đạm mà cần bình tĩnh xử lý để bộ rễ nhanh phục hồi.

- Các loại sâu bệnh khác: Thực hiện nghiêm việc phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn./.

Nguồn: Khuyến nông Thái Bình