Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1694 |
Tổng truy cập : | 559,339 |
Chăn nuôi
Một số lưu ý trong nuôi thỏ
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong nuôi thỏ: bắt thỏ, phân biệt thỏ đực và thỏ cái, vận chuyển thỏ, đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, tiêm thỏ, cho thỏ uống thuốc, sát trùng tiêu độc, kiểm tra định kỳ sức khoẻ của thỏ.
1. Bắt thỏ:
Không được cầm tai thỏ nhấc lên vì dễ làm cho các mạch máu, dây chằng, dây thần kinh bị đứt, làm tụ máu, rũ tai thỏ. Không được ôm ngang bụng thỏ để xách lên dễ làm bục dạ dày, đứt ruột, sẩy thai. Không được nắm hai chân sau nâng lên thỏ sẽ giãy giụa mạnh gây sẩy thai. Bắt thỏ đúng cách là phải nắm chắc da gáy phía sau gốc tai thỏ nhấc lên.
Ngoài ra, nếu bắt thỏ cho người khác kiểm tra hoặc tiêm thuốc thì nắm da vùng xương hông, sát đuôi, đặt thỏ ngửa về phía người kiểm tra, người tiêm. Nếu tự mình kiểm tra hoặc nhỏ thuốc mũi, cho thỏ uống thuốc thì tay kia ôm vòng xuống sống lưng, đặt thỏ nằm ngửa trên bàn hoặc trên nắp lồng trong vòng cánh tay để nhỏ thuốc.
2. Phân biệt thỏ đực, cái:
Khi chọn giống, việc phân biệt thỏ đực cái từ lúc 20-30 ngày là cần thiết. Cách xác định như sau: một tay cầm da gáy nhấc thỏ lên, tay kia kẹp đuôi thỏ vào giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, tay ngón cái ấn nhẹ vào lỗ sinh dục vuốt ngược lên phía bụng. Nếu thấy lỗ sinh dục tròn, hình trụ nổi lên và xa hậu môn là con đực. Nếu lỗ sinh dục kéo dài thành khe rãnh gần lỗ hậu môn là con cái.
3. Vận chuyển thỏ:
Khi vận chuyển thỏ đi xa, cần nhẹ nhàng, đảm bảo cho thỏ yên tĩnh, nếu thỏ hoảng sợ sẽ phát ốm hoặc làm thỏ chết. Nếu vận chuyển đường dài thì thỉnh thoảng nên cho thỏ uống nước. Đêm hôm trước khi vận chuyển thì không nên cho ăn quá no, có thể ủ mầm thóc (hoặc bắp) bỏ vào lồng cho thỏ ăn vừa thay thức ăn tinh vừa cung cấp nước cho thỏ để thỏ đỡ khát nước. Khi vận chuyển thỏ đi xa tốt nhất nên nhốt mỗi con một ngăn thùng hoặc vào bội đan bằng tre đựng gà; nếu vận chuyển gần thì có thể nhốt thỏ vào một túi xách cứng, khi trời nóng thì nên vận chuyển vào sáng sớm.
4. Đo thân nhiệt:
Nếu có 2 người thì một người giữ thỏ ở tư thế nằm sấp trên bàn, hai tay nắm da vùng gáy và mông, người đo nhiệt độ một tay cầm đuôi, một tay cầm nhiệt kế loại nhỏ thấm ướt đầu thuỷ ngân rồi đặt vào lỗ hậu môn xoay nhẹ vào trực tràng sâu 2cm và sau một phút là đọc được. Nếu chỉ có một mình thì đặt thỏ trên bàn, quay đầu thỏ kẹp vào nách mình, một tay nắm lấy da mông và đuôi, tay kia cầm nhiệt kế đo như trên.
5. Đếm nhịp thở:
Để thỏ yên tĩnh, tư thế tự nhiên ở trong lồng chuồng, quan sát và đếm nhịp dao động thành bụng trong 10 giây rồi nhân với 6.
6. Tiêm thỏ:
Thông thường chỉ tiêm bắp ở mặt trong đùi. Một người bắt thỏ, người khác tiêm cầm chân thỏ sao cho ngón tay trỏ đặt vào đầu gối chân đó, tay thuận cầm bơm tiêm đặt kim tiêm vào điểm đặt của ngón tay cái giữ chân thỏ, chỗ tiêm có cơ bắp dày, không có mạch máu lớn. Cần chú ý khi thỏ đạp, cựa mạnh có thể làm rơi bơm tiêm.
7. Cho thỏ uống thuốc:
Để tiết kiệm thuốc và dùng đúng liều thuốc, cần phải bắt thỏ cho uống thuốc trực tiếp chứ không nên pha thuốc vào nước uống hoặc thức ăn đại trà, thỏ ăn uống không hết ngay, thuốc biến chất, không có tác dụng.
Cho thỏ uống thuốc trực tiếp bằng ống bơm hoặc ống hút nhỏ, đặt sâu vào miệng qua mép thỏ rồi bơm từ từ vào miệng, thỏ sẽ nuốt dần. Đối với thỏ con theo mẹ, khi bắt nhấc thỏ lên chờ khi thỏ kêu há mồm ra thì nhỏ thuốc vào miệng, nếu nó không kêu thì nhỏ giọt dưới môi rồi nó sẽ uống được, không nên cho trực tiếp ống bơm vào miệng dễ làm sây sát niêm mạc miệng.
8. Sát trùng tiêu độc:
Ngoài công việc vệ sinh hàng ngày ra, cần định kỳ sát trùng lồng chuồng, máng ăn uống, ổ đẻ… để tiêu diệt có các mầm bệnh tích tụ lâu ngày. Lịch sát trùng tiêu độc như sau:
- Hai tuần sát trùng lồng chuồng, lưới cỏ 1 lần.
Mỗi 2-3 tháng phải quét dọn mặt bằng, rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng, thuốc diệt ruồi muỗi một lần. Trước khi sát trùng cần phải quét dọn rửa sạch rồi mới xử lý các biện pháp sát trùng như: dùng nước vôi dội, ngâm sát trùng dụng cụ, chuồng nuôi. Có thể dùng Dipterex 2% phun chuồng thỏ (chuồng trống) có tác dụng phòng ghẻ, ruồi muỗi.
9. Kiểm tra định kỳ sức khoẻ của thỏ:
Trong quá trình chăn nuôi thỏ phải quan sát kỹ tình trạng sức khoẻ của thỏ để có thể can thiệp kịp thời khi thỏ có bệnh.
Thỏ mạnh khoẻ thì rất linh hoạt, phản ứng nhanh với tiếng động xung quanh, khi ăn thỏ đến ngửi thức ăn và ăn ngay. Thỏ khoẻ thì da căng, lông bóng mượt và không có vảy rộp hoặc không rụng lông thành từng mãng. Mũi và mắt khô, không có dịch nhờn, phân ở dạng viên cứng, nếu thấy viên phân mềm, nhẵn, nhỏ kết dính vào nhau như chùm nho thường thải vào sáng sớm thì đó là “phân vitamin” bình thường. Niêm mạc hậu môn, cơ quan sinh dục khô, không có vảy, loét, không dính bết dịch thể khác. Thỏ khoẻ thì thở đều, nhẹ nhàng.
1825-ntm.002917_mot-so-luu-y-trong-nuoi-tho.pdf