Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 704
Tổng truy cập : 563,313

Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ

Ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp sơ cứu

Bài trích nêu ra các con đường thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xâm nhập vào bên trong cơ thể và triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV. Những việc cần làm ngay khi bị ngộ độc thuốc BVT và các biện pháp sơ cứu.


1. Xâm nhập của thuốc BVTV vào bên trong cơ thể:

Thuốc BVTV có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể theo 3 con đường chính:

- Thuốc dây rớt trên da, xâm nhập vào bên trong cơ thể: trong quá trình pha và phun thuốc BVTV, tay chân là bộ phận dễ bị nhiễm thuốc nhất; mắt miệng và bộ phận sinh dục là nơi dễ mẫn cảm với thuốc nhất. Trời nóng nực, mồ hôi ra nhiều càng làm cho thuốc dễ xâm nhập qua da vào bên trong cơ thể.

- Nuốt phải thuốc: Thuốc theo cùng đồ ăn, uống xâm nhập vào cơ thể; nếu thuốc BVTV xâm nhập vào cơ thể theo con đường này thường gây trúng độc nặng nhất.

- Hít phải hơi độc của thuốc: Hơi độc sẽ đi qua mũi xâm nhập vào phổi

Chỉ khi xâm nhập được vào bên trong cơ thể, thuốc BVTV mới gây độc cho người và gia súc.

2. Triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV:

Về điều kiện, nạn nhân phải có tiếp xúc một thời gian nhất định với thuốc BVTV, hoặc ăn uống nhầm phải thực phẩm có chứa độc chất. Những nạn nhân uống thuốc BVTV để tự tử.

- Trường hợp nhiễm độc nhẹ: Có thể gặp một hoặc nhiều biểu hiện trong các triệu chứng như: Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, chảy nước miếng, chảy nước mắt.

- Ngộ độc ở mức độ trung bình: Buồn nôn, nôn, mờ mắt, đánh trống ngực, tức ngực, đau thắt dạ dày, run rẩy, vã mồ hôi, co đồng tử, mạch chậm, …

- Ngộ độc nặng: Co giật, thở yếu, mê sảng, rối loạn nhịp tim, … tử vong.

3. Những việc cần làm ngay:

Khi gặp một người bị ngộ độc thuốc BVTV, phải khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi nơi có độc đến chỗ yên tĩnh, thoáng mát. Tạo điều kiện đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu xa cơ sở điều trị và không có thầy thuốc thì tiến hành việc sơ cứu những trường hợp đó như sau:

- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nhiễm độc.

- Xử lý vùng da bị dính thuốc.

- Thay ngay hoặc cởi bỏ quần áo bị dính thuốc.

- Chỗ da bị dính thuốc, dùng khăn ướt vắt dáo thẩm sạch, sau đó rửa bằng xà phòng. Không nên dùng bàn chải chà sát làm tróc da dễ gây bội nhiễm; tóc, móng tay cũng được rửa sạch như vậy.

4. Các biện pháp sơ cứu:

- Cách xử lý thuốc bắn vào mắt: Không được dụi mắt và cũng không nhỏ một loại thuốc đau mắt nào vào mắt bị nhiễm độc. Dùng bông y tế hoặc khăn tay nhúng vào nước sạch vắt ráo, thấm lấy hết thuốc ở mi và hố mắt, sau đó rửa ngay bằng nước sạch.

Cách rửa mắt: Người bệnh ngồi, mặt ngửa và nghiêng về phía bên mắt định rửa. Dùng nước sạch rửa liên tục từ 15 - 20 phút. Nơi có điều kiện cho vòi nước chảy liên tục trong 10 phút để rửa mắt.

- Nạn nhân ăn uống phải thuốc BVTV cần thực hiện ngay việc gây nôn như sau: Nếu có điều kiện pha 03 muỗng cà phê muối ăn với một chén nước chín, cho nạn nhân uống và sau đó bảo bệnh nhân há miệng, dùng ngón tay kích thích lưỡi gà (đóc giọng) để gây nôn. Nếu cấp cứu tại hiện trường, chỉ cần dùng ngón tay trỏ kích thích lưỡi gà cũng có thể gây nôn được cho bệnh nhân.

Chú ý: Những bệnh nhân co giật, ngất, hôn mê, khó thở, suy tim nặng, có thai gần ngày sinh không được gây nôn và những trường hợp không phải nhiễm độc đường tiêu hoá thì không cần gây nôn.

- Khi bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến khó thở thì phải làm hô hấp hỗ trợ, đơn giản nhất là dùng phương pháp thổi ngạt: Cởi khuy áo cổ, móc hết đờm, dãi trong miệng và họng đồng thời lau sạch chất độc bám trong miệng nạn nhân nếu có. Đặt bệnh nhân nằm ngửa, độn gối dưới cổ để đầu ngửa tối đa, quỳ bên cạnh nạn nhân dùng bàn tay thuận kéo hàm ra phía trước và lên trên để lưỡi khỏi lấp họng, nếu nạn nhân bị tụt lưỡi, thì phải dùng gạt hoặc khăn nắm kéo lưỡi ra và tìm cách giữ chặt bên ngoài. Dùng ngón cái và trỏ của bàn tay còn lại bịt mũi và kết hợp ấn trán để cổ ngửa hẳn ra sau.      

Hít thật sâu, miệng ngậm miệng nạn nhân thổi thật mạnh làm cho lồng ngực nhô lên trông thấy, thổi 4 lần liền. Sau đó, buông miệng nạn nhân để không khí tự động thoát ra khỏi phổi, lồng ngực xẹp xuống. Tiếp tục thổi ngạt 15 lần/phút đến khi hết khó thở, nếu sau 20 phút không hết khó thở thì phải nhanh chóng chuyển đi bệnh viện và phải liên tục thổi ngạt trong lúc di chuyển.

- Khi gặp bệnh nhân ngưng tim, phải giúp nạn nhân phục hồi hoạt động tim bằng các phương pháp sau đây: Đấm vào vùng trước tim 5 cái đồng thời xem mạch bẹn (Điểm giữa rãnh đùi - bụng), nếu tim không đập thì xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên một nền cứng, đầu thấp chân gác cao. Quỳ bên phải bệnh nhân, đặt lòng bàn tay trái ở 1/3 dưới xương ức bệnh nhân, lòng bàn tay phải đặt lên trên bàn tay trái, dùng sức mạnh của 2 tay và cơ thể ấn mạnh nhịp nhàng 60 lần phút, cứ 4 lần xoa bóp tim thì 1 lần thổi ngạt. Lực ấn khi xoa bóp tim phải đủ cho lồng ngực bệnh nhân xẹp xuống khoảng 4 cm; tuỳ thể trạng bệnh nhân dùng lực thích hợp để tránh gây tổn thương thêm.

Việc cần làm tiếp sau là giữ ấm cho nạn nhân, nếu người bệnh cảm thấy lạnh thì đắp ấm và cho uống nước trà, cà phê đặc hoặc cho ăn nhẹ (cháo đậu, cháo thịt nạc băm, cháo trứng), cho uống Vitamin C, B1 và nước quả. Nếu bệnh nhân sốt, lau mát cho bệnh nhân.

Không cho uống sữa khi còn nhiễm độc và cũng không cho ăn uống các dung dịch có chứa dầu, mỡ, rượu hoặc các loại nước giải khát có chứa rượu; các gia vị kích thích như tiêu, ớt.

Trên đường vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, cần đặt nạn nhân nằm nghiêng, tốt nhất là nghiêng sang phải.

Tiếp tục làm hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân còn ngất hoặc khó thở. Cử người đi theo (có mang nhãn, bao bì thuốc gây nhiễm độc) và thông báo cho cơ sở y tế biết những biện pháp sơ cứu đã thực hiện.

 11232-ntm.00523_ngo-doc-thuoc-bvtv.pdf