Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 585 |
Tổng truy cập : | 562,974 |
Chăn nuôi
Nguyên nhân và cách phòng trị bệnh dịch tả trâu bò
Bài viết giới thiệu các triệu chứng và bệnh tích của bệnh dịch tả ở trâu bò ở thể quá cấp tính, thể cấp tính, thể mãn tính. Từ đó đưa ra phương pháp phòng trị bệnh bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả
Dịch tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, do virus gây ra. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Virus dịch tả thích nghi trên niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc ống tiêu hóa, gây ra hiện tượng hoại tử, viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.
Bệnh lây lan trực tiếp và gián tiếp từ trâu, bò bệnh sang trâu, bò khoẻ do tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chăn thả cùng bãi, qua dụng cụ chăn nuôi, người chăn nuôi hoặc do ăn uống phải thức ăn, nước uống cỏ chứa mầm bệnh, do trâu, bò bệnh thải ra qua phân, nước tiểu, các chất dịch bài xuất.
1. Triệu chứng và bệnh tích:
Thời gian ủ bệnh trung bình 3-9 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài tới 12-15 ngày. Trâu, bò bị bệnh ở 4 thể:
- Thể quá cấp tính: diễn ra khoảng 12-24 giờ, trâu, bò lăn ra chết mà chưa có các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng. Thông thường chỉ thấy niêm mạc xung huyết, đỏ thẫm.
- Thể cấp tính: gia súc sốt cao, 40-410C trong vòng 3-4 ngày, ủ rũ, mệt nhọc, ăn ít hoặc bỏ ăn. Ban đầu niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ thẫm, có chấm xuất huyết sau đó mọc các mụn nhỏ, bằng hạt kê thành từng đám, mầu xám. Khi sốt cao, con vật đi táo, khi nhiệt độ hạ đi ỉa lỏng vọt cầu vồng. Phân màu nâu đen có lẫn máu và màng giả. Trâu, bò gầy tọp và sau đó bị chết do kiệt sức. Thời gian trâu, bò bị bệnh kéo dài 7-8 ngày và gây tỷ lệ chết rất cao với tỷ lệ từ 90-100%.
- Thể mãn tính: các triệu chứng thể hiện rõ nhất là suy nhược, kiệt sức, đi xiêu vẹo, lúc đi táo, lúc đi lỏng và kéo dài hàng tháng. Đa số trâu, bò bệnh bị chết do kiệt sức, một số con có thể khỏi bệnh và sau khi hồi phục vẫn là ổ chứa virus, gieo rắc virus vào môi trường.
Các bệnh tích chủ yếu ở bộ máy tiêu hoá: niêm mạc miệng, dạ múi khế, van hồi manh tràng, ruột tụ máu và có những vết loét nhỏ như hạt kê hoặc hạt đỗ màu vàng xám hoặc đỏ tím. Gan vàng úa và dễ nát. Túi mật sưng to, niêm mạc túi mật tụ máu và xuất huyết.
Lá lách, thận, màng treo ruột sưng, tụ máu và xuất huyết giống như niêm mạc túi mật.
2. Phòng trị bệnh:
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh dịch tả. Trường hợp bệnh mới phát, con vật chưa bị ỉa chảy, có thể điều trị bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả trâu, bò.
Liều lượng:
- Từ 60 đến 100 ml/ngày/con bê, nghé có khối lượng dưới 100 kg.
- Từ 100 đến 160 ml/ngày/con trâu, bò có khối lượng 100-200 kg.
- Từ 160 đến 200 ml/ngày/con trâu, bò có khối lượng trên 200 kg.
Sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng:
- Khi con vật sốt cao, tiêm dưới da Urotropin 10%, liều 10 ml/ngày.
- Hạn chế ỉa chảy bằng việc cho uống các loại lá chát như lá ổi, lá sim, lá chè tươi.
- Trường hợp trâu, bò bị ỉa chảy mạnh, mất nước, cần truyền tĩnh mạch dung dịch sinh lý mặn, sinh lý ngọt đẳng trương với liều 1000 ml/100 kg khối lượng.
Đối với bệnh dịch tả, biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Khi chưa có dịch xảy ra, cần tiêm vắc-xin cho toàn đàn mỗi năm 1-2 lần, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, những vùng xung quanh các ổ dịch, những vùng có nguy cơ cao, kết hợp với việc tổ chức kiểm dịch nghiêm ngặt và tăng cường các biện pháp vệ sinh thú y.
Khi có dịch xảy ra, cần tổ chức kiểm tra để phát hiện con ốm, cách ly để điều trị và tránh lây nhiễm sang những con khác.
Tiêm huyết thanh dịch tả cho những con nghi mắc bệnh và tiêm vắc-xin cho những con trâu, bò khoẻ mạnh. Tiến hành công bố dịch và nghiêm cấm hoàn toàn việc giết mổ, vận chuyển gia súc. Những con trâu, bò bị chết do dịch tả phải được chôn sâu 2m, đổ vôi sát trùng và lấp đất cẩn thận. Tẩy uế và khử trùng chuồng trại bằng dung dịch nước vôi 10% hoặc Crezin 2-3% và phải để trống chuồng 30 ngày.
3133-ntm.002019_benh-dich-ta-o-trau-bo.pdf