Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 13612
Tổng truy cập : 2,032,705

Bà con cần biết

Những lưu ý khi sử dụng ba nguyên tố dinh dưỡng cần thiết nhất cho cây trồng

Ở điều kiện bình thường, cây trồng sử dụng được 30-45% lượng đạm, 40-45% lượng lân, 40-50% lượng kali. Lượng phân bón cây trồng không sử dụng được do bón không đúng kỹ thuật bị bốc hơi, rửa trôi hoặc bị đất giữ chặt.


Vì vậy, mỗi loại phân bón phải có cách bón phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng. Bà con nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng đạm, lân và kali:

+ Đối với phân đạm: Cần bón đạm nhiều cho cây trồng ở giai đoạn đầu để cây phát triển thân lá, đẻ nhánh, phân cành tạo tán. Bón đạm phải căn cứ vào đất đai, lượng mưa hay cây trồng trước. Đất có thành phần cơ giới nhẹ phải bón nhiều lần, lượng mưa lớn thì nên giảm đạm bón, cây vụ trước làm giàu đạm cho đất thì vụ sau bón ít đạm… Nên bón đạm vào lúc chiều mát, đối với lúa khi bón giữ mực nước nông 5-6 cm. Bón đạm sâu vào đất hoặc pha tưới cho cây trồng cạn để tránh mất đạm. Ngoài ra, khi trộn đạm với lân nên dùng ngay tránh chảy nước.

+ Bón phân lân: Vì lân được sản xuất chủ yếu theo 2 cách dùng axit sunfuric đặc để khử quặng thành lân (lân supe) nên lân có pH từ 4-4,5 (gây chua đất). Trong khi đó lân nung chảy lại có tính kiềm (pH = 8-8,5) vì quặng được nung chảy ở nhiệt độ cao thành lân. Do đó, nông dân cần kiểm tra để biết đất ruộng là chua, trung tính hay kiềm mà chọn lân nào cho thích hợp. Cụ thể là đất chua nên bón lân nung chảy, đất hơi chua hoặc trung tính nên bón supe lân. Do chậm phân giải nên phân lân phải bón sớm cho cây (bón lót là chủ yếu). Bón lân nên kết hợp với phân chuồng.

* Lưu ý: Khi bón lân phải giữ đủ độ ẩm cho đất, không để đất khô. Khi bón nên trộn vào đất để phân càng gần rễ càng tốt.

+ Với phân kali: Bón kali cho cây trồng cần tìm hiểu về nhu cầu của cây đối với loại phân này ở từng thời kỳ sinh trưởng. Từng loại cây trồng khác nhau sẽ có nhu cầu về kali khác nhau. Mặt khác, nông dân cũng cần biết những loại đất nào giàu kali và ngược lại. Cụ thể là trên đất thịt nhẹ hoặc cát pha cần bón đủ lượng kali bằng hoặc hơn một chút lượng cây trồng lấy đi. Khi bón nên chia ra bón nhiều lần để hạn chế rửa trôi. Không nên bón kali lượng lớn một lúc khi mới bắt đầu gieo trồng. Kali là yếu tố dinh dưỡng mà cây trồng cần có ở tất cả các giai đoạn của quá trình sinh trưởng. Phân kali đều dùng làm phân lót, đặc biệt cần phải lót phân kali trên đất vụ trước trồng cây lấy củ. Khi bón kali nên trộn đều vào đất. Đất cày vùi rơm rạ hoặc bón nhiều phân chuồng thì giảm lượng kali. Đất có tỷ lệ sét nhiều hoặc đất để ải cách vụ thì bón kali ít hơn các chân đất khác...

Có thể nói đạm, lân, kali là 3 nguyên tố dinh dưỡng cần thiết nhất cho mỗi cây trồng. Chúng là nguồn phân bón đa lượng mà cây trồng lấy đi để tạo năng suất, chất lượng cho nông sản sau này. Vì vậy, bón phân đúng, đủ và cân đối là điều kiện cần thiết khi thâm canh cây trồng nhằm nâng cao giá trị canh tác của nông dân./. 

Nguồn: Khuyến nông Hà Nội