Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2438
Tổng truy cập : 1,160,752

Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ

Những lưu ý khi sử dụng thuốc ho

Điều trị ho phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân gây ho, mỗi loại ho lại có cách sử dụng thuốc khác nhau. Khi sử dụng những loại thuốc ho này, cần lưu ý một vài điều: thuốc làm tăng dịch tiết, thuốc làm tiêu chất nhày, N- acetylcystein, Bromhexin, thuốc kháng histamin, Dextromethophan


Ho là một phản xạ quan trọng giúp làm sạch thông đường thở, tống xuất chất tiết và vật lạ ra khỏi đường thở của cơ thể (các ống hay còn gọi là phế quản đưa dẫn không khí trong phổi/hô hấp).

Có 2 kiểu ho. Ho được gọi là "khan" nếu không có chất nhầy đàm và "ho đàm" khi có chất nhầy đàm. Những âm thanh ho có thể khác nhau tùy thuộc vào ho đàm hay ho khan. Một số ho nhẹ, nhưng có trường hợp ho nghiêm trọng. Cơn ho nặng có thể dẫn đến khó thở.

Hiện điều trị ho có một số thuốc như thuốc làm giảm viêm  hầu họng (có Lozenges, thuốc ho giọt, xi rô chứa linctuses, glycerin, liquorice), thuốc long đàm hoặc tan đàm và thuốc giảm ho (làm ức chế ho trung ương). 

Ngoài ra, điều trị ho còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ho: 

- Một số bệnh nhiễm trùng cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu bệnh do nhiễm vi khuẩn, điều trị bằng kháng sinh. Nếu bệnh do siêu vi (như cảm lạnh thông thường), không sử dụng kháng sinh.

- Hen suyễn: điều trị bằng các loại thuốc đưa hít  thở vào phổi.

- Nếu dị vật lọt vào trong đường hô hấp, bác sĩ có thể  tìm và gắp bỏ qua nội soi phế quản.  

Các bác sĩ thường không sử dụng thuốc ho cho trẻ em. Những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ em.

Khi sử dụng những loại thuốc ho này, cần lưu ý một vài điều như sau:

- Thuốc làm tăng dịch tiết: là loại thuốc làm tăng bài tiết dịch ở đường hô hấp, bảo vệ niêm mạc chống lại các tác nhân kích thích và khi làm tan được những tác nhân đó sẽ giúp loại trừ chúng dễ dàng. 

Cần lưu ý: Thuốc có thể kích thích dạ dày và có thể gây nôn. 
Khi dùng kéo dài, có thể gây tích lũy iod (do một số thuốc có chứa natri iodid và kali iodid...), thận trọng đối với phụ nữ có thai, trẻ em, người bị bướu giáp. 
Thuốc kích thích trực tiếp các tế bào xuất tiết, thường dùng các tinh dầu bay hơi như terpin, gaicol, eucallyptol. Những tinh dầu này còn có tác dụng sát khuẩn. Không dùng gaicol cho trẻ em dưới 30 tháng tuổi.

- Thuốc làm tiêu chất nhày: các thuốc này có tác dụng làm lỏng các dịch tiết của niêm mạc khí - phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhày, dẫn đến giảm độ nhớt của chất nhày. Vì vậy, các chất nhày có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc sự khạc đàm. Các thuốc trong nhóm gồm có: acetylcystein, bromhexin...

Cần lưu ý: có thể làm phá vỡ hàng rào chất nhày bảo vệ ở dạ dày, phải thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng.

- N- acetylcystein: là thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đàm ở phổi, tạo thuận lợi để tống đàm ra ngoài bằng phản xạ ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học. 

Chỉ định: bệnh nhày nhớt, các bệnh lý hô hấp có đàm nhày quánh như trong viêm phế quản cấp hoặc mạn. Là thuốc giải độc khi dùng paracetamol quá liều. 
Cần lưu ý: thuốc có thể gây: buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhức đầu, phản ứng dị ứng. Không dùng trong trường hợp đang có cơn hen suyễn cấp (nguy cơ phản ứng co thắt phế quản). Không dùng đồng thời với các thuốc chống ho hoặc các thuốc làm giảm bài tiết dịch phế quản.

- Bromhexin: dùng điều trị những bệnh lý hô hấp đi kèm với ho có đàm. Khi điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bromhexin làm tăng sự xâm nhập của một số kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng đáp ứng với kháng sinh. 
Cần thận trọng: khi có tiền sử loét dạ dày - tá tràng. Bệnh hen (thuốc có thể gây co thắt phế quản). Suy gan hoặc suy thận nặng (có thể gặp các triệu chứng không mong muốn do thuốc như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ enzym gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da).

- Thuốc kháng histamin là thuốc có tác dụng kháng histamin và kháng serotonin mạnh, có tác dụng giảm ho, an thần và chống nôn. Trong điều trị ho, thuốc dùng trong các chứng ho khan do dị ứng, do kích thích, nhất là về ban đêm (do tác dụng an thần của thuốc). 

Tuy nhiên, cần thận trọng: Không dùng trong rối loạn chức năng gan hoặc thận, động kinh, bệnh Parkinson, thiểu năng tuyến giáp, u tế bào ưa crom, bệnh nhược cơ, phì đại tuyến tiền liệt. Mẫn cảm với thuốc.  Trẻ em dưới 2 tuổi... 
Thận trọng khi dùng cho người cao tuổi, đặc biệt khi thời tiết rất nóng hoặc rất lạnh (gây nguy cơ tăng hoặc hạ nhiệt). 

- Dextromethophan là thuốc thường được phối hợp với các thuốc khác như paracetamol, pseudoephedrin, clopheniramin trong một số chế phẩm trị ho, cảm lạnh. 

Không dùng khi: quá mẫn với thuốc và các thành phần khác của thuốc có trong chế phẩm. Đang điều trị các thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO) vì có thể gây những phản ứng nặng như sốt cao, chóng mặt, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí tử vong. 

Trẻ em dưới 2 tuổi. Người bệnh có nguy cơ suy hô hấp.
Khuyến cáo: Nếu ho là do cảm lạnh, viêm thanh quản, hoặc nhiễm trùng khác, thì có thể: tăng cường uống nhiều nước, sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ, uống các loại thảo dược, tắm nước ấm trong phòng tắm.

Không được dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm cho trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi. Thuốc cảm và ho không có ích và còn có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng ở trẻ nhũ nhi. Không được dùng aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi. Aspirin có thể gây ra  tình trạng đe dọa tính mạng gọi là hội chứng Reye (là bệnh lý não - gan, chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm). 

Không được dùng thuốc làm long đàm đồng thời (phối hợp) với thuốc giảm ho, vì sự phối hợp này không hợp lý. Có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu lực của chúng, trong khi người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ức chế phản xạ ho sẽ dẫn đến ứ đọng đờm).

Cần lưu ý những biện pháp phòng ngừa như vệ sinh, rửa tay và chủng ngừa đầy đủ. 


48057-ntm.001713_luu-y-khi-su-dung-thuoc-ho.pdf

BS.CKII. Đặng Thị Kim Huyên (Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện nhi đồng 2 TP.HCM)