Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 645
Tổng truy cập : 563,198

Trồng trọt

Những lưu ý trong chăm sóc cây điều kinh doanh

Việc chăm sóc cây điều để mang lại hiệu quả kinh tế cao cần lưu ý: tỉa cành, tạo tán và vệ sinh vườn, phân bón cho cây và biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại điều.


1. Tỉa cành, tạo tán và vệ sinh vườn

Cần cắt bỏ những cành khô, cành mục, cành bị sâu bệnh, các cành cớm rợp trong tán cây và các cành đan xen vào nhau.

Khi tỉa cành cần chú ý vệ sinh tốt các vết cắt, nhất là các cành to, nếu không sẽ tạo điều kiện cho bệnh chảy mủ phát triển làm suy yếu cây. Quét dung dịch Boóc-đô 1% lên các mặt cắt lớn.

Thu dọn tàn dư thực vật (lá khô, cành khô, cỏ dại), có thể  đốt hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi.

Lưu ý: Dụng cụ tỉa cành là cưa, kéo. Khi tỉa cành tránh làm tổn thương các cành giữ lại trên cây.

2. Phân bón cho cây điều kinh doanh

Cần chú ý bón phân theo nguyên  tắc 4 đúng (đúng loại phân, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách). Lượng phân bón cho điều thường được chia làm 2 đợt, đợt 1 bón vào đầu mùa mưa (tháng 5 - 6),  đợt 2 bón vào cuối mùa mưa nhưng phải trước khi chấm dứt mưa khoảng 1 tháng (tháng 9 - 10).

Liều lượng phân bón hóa học khuyến cáo cho cây điều ở thời kỳ kinh doanh như sau:

Tuổi cây

(năm)

Số lần bón (lần/năm)

Loại phân (gram/cây/đợt)

Urê

Lân nung chảy

Kaliclorua

Năm thứ 4

1

2

800

700

500

500

150

200

Từ năm thứ 5 trở đi

Điều chỉnh lượng phân bón theo tình trạng của vườn cây

 Nếu dùng phân bón NPK 16-16-8, bón mỗi gốc khoảng 3.500 - 4.000 gram/cây/2 lần/năm. Ngoài phân vô cơ thì cần bón thêm phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh.

3. Sâu bệnh hại điều

Năng suất, chất lượng hạt điều thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loại sâu hại chủ yếu như: bọ xít muỗi, bệnh thán thư … Chính vì vậy, để giúp vườn điều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, ngoài việc chăm sóc, bón phân, tỉa cành tạo tán hàng năm, bà con cần quan tâm phòng trừ các loại sâu, bệnh chính sau:

a) Bệnh thán thư

- Triệu chứng: Biểu hiện đặc trưng là khi cây bị bệnh thường thấy những đốm màu nâu xuất hiện trên chồi, cành non, cành hoa và quả. Ở cây bị bệnh nặng có thể thấy nhựa cây tiết ra trên các vết bệnh, cành hoa bị khô và chết dần; hạt và quả nhăn lại, khô đen và rụng.

- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ, phát quang bụi rậm để vườn thông thoáng, cắt tỉa và đốt các cành bị sâu bệnh, chết khô nhằm tiêu diệt mầm bệnh tiềm tàng trong vườn. Tăng cường chăm sóc vườn cây, khi bệnh phát sinh, có thể sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Carbendazim như Carbenda 60WP, 50SC; Derosal 50SC, 60WP; hoạt chất Propineb như Antracol 70WP để phun.

b) Bọ xít muỗi 

- Bọ xít chích vào các mô non của lá, chồi non, hoa, quả và hạt non. Lá non bị hại thì trên phiến lá xuất hiện các chấm màu đen, lá cong biến dạng và khô trên cây. Hạt non bị hại thì bề mặt hạt non có những đốm tròn, nâu, hạt bị nhăn lại và khô. Quả bị hại gây rụng quả non, vết chích của bọ xít muỗi còn tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập.

- Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Tạo hình, tỉa cành thông thoáng cho cây, dọn vệ sinh, làm cỏ... nhất là vào thời gian trước lúc ra hoa. Nuôi kiến đen (Dolichoderus  thoracinus) trong vườn điều để hạn chế sự phát triển của bọ xít muỗi.

Biện pháp hóa học: Khi mức độ gây hại của bọ xít muỗi lên cao > 10% cây, chồi bị hại có thể dùng một trong số các loại thuốc như: Alfathrin 5EC, Etimex 26ECvà Tungcydan 60EC, Permecide 50EC để phòng trừ bọ xít muỗi.

Bên cạnh đó, trên cây điều thường xuất hiện hiện tượng khô hoa do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiệt độ cao kết hợp với mưa trong thời kỳ nở hoa hay do bọ trĩ chích hút, bệnh thán thư. Do đó, ngoài việc vệ sinh đồng ruộng, cắt tỉa tán, đốn thưa làm cho vườn thông thoáng, bà con cần phun Bortrac sớm để chống khô hoa, rụng quả do sương muối, chống khô đen hạt.

Đối với các vườn điều bị sâu róm (sâu róm non ăn phiến lá chỉ còn trơ cuống, sâu thường sống  thành từng đàn ở mặt dưới lá. Sâu có thể phát triển thành dịch, ăn trụi lá cả vườn điều làm cây suy kiệt và chết cành): bên cạnh việc phòng trừ bằng biện pháp canh tác, bà con kết hợp biện pháp hóa học để phun trừ khi sâu non còn nhỏ (tuổi 1, 2), sử dụng thuốc trừ sâu: Vovinam 2.5EC, Tungcydan 55EC, 30EC, Tungent 5SC và Tungperin 10EC, 25EC để phòng trừ.

Lưu ý: Liều lượng và nồng độ thuốc thực hiện đúng theo khuyến cáo trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Áp dụng phương pháp 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.

Bà con cần thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện những đối tượng sâu bệnh gây hại để có kế hoạch phòng trừ kịp thời.

Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, nếu phun thuốc xong gặp trời mưa hay quá trình ra hoa đậu quả gặp mưa, bà con nên phun thuốc lại trong thời gian sớm nhất.

Nếu vườn đang có bệnh hại làm khô hoa, khô quả non chỉ nên sử dụng thuốc trừ bệnh để phun, không nên pha chung với các loại phân bón lá và thuốc điều hòa sinh trưởng.

 

44212-ntm.002489_nhung-luu-y-trong-cham-soc-cay-dieu-kinh-doanh.pdf


Phạm Thanh Sơn