Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1531
Tổng truy cập : 558,468

Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác

Phát triển cơ sở hạ tầng là đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Bài viết nhận định phát triển cơ sở hạ tầng là đòn bẩy xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng. Nhờ đó mà đời sống, diện mạo nông thôn đổi thay, tạo sức bật mới cho khu vực ngoại thành Hải Phòng


Sau 10 năm triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Hải Phòng, nhất là cơ sở hạ tầng đã có thay đổi vượt bậc, tạo nên sức bật mới cho khu vực ngoại thành của thành phố Cảng.

Đời sống, diện mạo nông thôn đổi thay

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, thành phố có 15 đơn vị hành chính gồm 7 quận, 8 huyện (có 2 huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vĩ) với 223 xã, phường, thị trấn.

Từ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, dân số đến dân số trong độ tuổi lao động, khu vực ngoại thành của Hải Phòng đều chiếm trên 53% so với toàn thành phố.

Do đó, việc triển khai chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển về kinh tế, xã hội của Hải Phòng cũng như thay đổi cuộc sống của người dân.

Năm 2015, Xã Đặng Cương, huyện An Dương về đích nông thôn mới. Ông Trương Văn Thiết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đặng Cương cho biết, từ vùng đất chuyên trồng lúa nước, với sự thay đổi tư duy của lãnh đạo địa phương, sự đồng lòng chung sức của người dân, xã Đặng Cương chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh.

Hoa Hải Đường Đặng Cương trở thành thương hiệu hoa nức tiếng khu vực phía Bắc.

So với trồng lúa, thu nhập bình quân từ trồng hoa, cây cảnh của người dân đều tăng ít nhất từ 2-3 lần. Có những hộ gia đình thu nhập cả tỷ đồng mỗi vụ hoa.

Huyện đảo Cát Hải là huyện đầu tiên của Hải Phòng đang chờ Chính phủ thẩm tra, đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện.

Theo ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, trong các thay đổi của Cát Hải phải kể đến sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông.

Ngoài hệ thống giao thông thuận tiện của thành phố như cầu vượt biển Đình Vũ- Lạch Huyện rút ngắn khoảng cách từ Hải Phòng ra Cát Bà, đến nay, 100% đường trục xã, liên xã, liên thôn, trục chính đường nội đồng đều được mở rộng, đổ nhựa hoặc bê tông, đảm bảo giao thông thuận tiện.

Các tuyến đường đều có biển hướng dẫn giao thông, có hệ thống chiếu sáng. 100% hộ gia đình đều sử dụng điện chiếu sáng thường xuyên.

Từ sự thay đổi về hạ tầng giao thông, cộng với các thành tố khác như thiên nhiên ưu đãi, sự nỗ lực của người dân Cát Hải trong gìn giữ văn hóa bản địa, xây dựng phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch nên kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng.

Chỉ riêng từ hoạt động du lịch, đến hết tháng 9/2019 đã đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Cát Bà là trọng điểm du lịch của Hải Phòng, thu hút 1/3 lượng khách trong tổng lượng khách đến Hải Phòng hàng năm. Dự kiến năm 2019, Cát Bà sẽ thu hút trên 2,7 triệu lượt khách.

Xã Đặng Cương (huyện An Dương), huyện Cát Hải là 2 đơn vị trong 139 xã và 7 huyện của Hải Phòng triển khai chương quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn Hải Phòng đã có thay đổi đáng kể. Kết cấu hạ được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại, nông thôn khang trang, sạch, đẹp, đáp ứng tốt hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dấn thành phố Hải Phòng, đến tháng 6/2019, có 97/139 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (tăng 51 xã so với giai đoạn 2010-2015), đạt 69,78%.

Hết năm 2019, 100% số xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố và chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Đóng góp cho sự thành công trong phát triển xây dựng hạ tầng nông thôn tại Hải Phòng phải kể đến sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân và chương trình hỗ trợ ximăng xây dựng đường giao thông nông thôn với cơ chế đặc thù.

Thành phố hỗ trợ 100% ximăng, nhân dân tự đóng góp vật tư khác, mặt bằng, nhân công và tự tổ chức thực hiện.

Bắt đầu từ năm 2013, đến nay thành phố đã xây dựng được trên 30.000 đoạn, tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài 3.500km, trong đó đường nội đồng 1.136km, đường thôn xóm 2.325km, đường nội bộ nghĩa trang 39km.

Nhân dân đã đóng góp trên 1,2 triệu ngày công lao động, hiến trên 4,1 triệu m2 đất và khoảng 1.000 tỷ đồng tiền mặt.

Hết năm 2019, cơ bản đường thôn, xóm, nội bộ nghĩa trang được bêtông hóa.

Trong 10 năm qua, các hạng mục hạ tầng được cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Ngoài ra, thành phố còn xây mới, nâng cấp, sửa chữa 559 công trình trường học các cấp, 525 công trình văn hoá, 50 chợ nông thôn,110 nhà máy nước mini, 48 hệ cấp nước đạt quy chuẩn nước đô thị và nhiều loại công trình khác.

Cùng với xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng chú trọng tái tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tại đây đã hình thành và mở rộng các khu, cụm công nghiệp, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hoá tập trung như khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao VinEco tại huyện Vĩnh Bảo, nhà máy chế biến rau củ quả tại huyện Tiên Lãng.

Ruộng đất được tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp với ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sản xuất hàng hoá tập trung giá trị kinh tế cao.

Sự thay đổi về cơ sở hạ tầng và văn hóa xã hội đã tác động tích cực đến đời sống của nhân dân. Thu nhập đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 50,4 triệu đồng/người/năm, tăng 13,5 triệu đồng so với năm 2015.

Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 23.950 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 65%, tăng 36% so với năm 2010.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo 2016-2020 còn 1,6%, giảm 7,05% so với 2010, giảm 3,54% so với năm 2015. Toàn thành phố đã triển khai thực hiện 280 mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Sức bật mới cho khu vực ngoại thành

Trong giai đoạn tới, Hải Phòng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài,là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.

Từ nay đến năm 2020, Hải Phòng tập trung xây dựng nông thôn mới cấp huyện theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài huyện Cát Hải hoàn thành 9/9 tiêu chí, đang trình Trung ương thẩm định, xét, công nhận huyện nông thôn mới còn 2 huyện An Dương, Kiến Thuỵ đạt 8/9 tiêu chí, đang xây dựng hoàn thành tiêu chí chưa đạt về y tế, văn hoá, giáo dục, phấn đấu hết năm 2019 cơ bản hoàn thành.

Bốn huyện khác là Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên đạt 6/9 tiêu chí, dự kiến hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2020.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng phấn đấu hết năm 2025, có 4 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2-2,5 lần so với năm 2020.

Tỷ lệ hộ nghèo không quá 1%, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% trở lên, người dân được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Đến năm 2030, có 100% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. 100% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2 lần so với năm 2025.

Toàn thành phố không còn hộ nghèo. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100% trở lên. Duy trì tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Hải Phòng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2030 phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập của đất nước.

Thành phố cũng đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư.

Cùng với đó, Hải Phòng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050./.

 


8398-ntm.002629_hai-phong-phat-trien-co-so-ha-tang-la-don-bay-xay-nong-thon-moi.pdf

Minh Thu