Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1028
Tổng truy cập : 557,555

Nuôi trồng thủy, hải sản

Phòng bệnh cho tôm mùa mưa bão

Vào mùa mưa bão, thời tiết thay đổi, môi trường nước không ổn định dễ gây ra dịch bệnh trên tôm. Hướng dẫn các giải pháp thực hiện phòng bệnh hiệu quả cho tôm nhằm hạn chế thiệt hại.


1. Dự trữ vật tư cần thiết

Mưa thường diễn ra vào buổi chiều hoặc buổi tối, do đó người nuôi cần chuẩn bị sẵn hóa chất xử lý cho ao nuôi khi trời mưa như: Vôi, Dolomite, ôxy viên, Vitamin C, khoáng tạt. Cần chuẩn bị ôxy viên để đánh xuống ao khi mưa, nhằm đảm bảo lượng ôxy trong ao, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước. Dự trữ máy phát điện phòng trường hợp mưa bão lớn gây mất điện.

2. Ổn định môi trường

Người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp để ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi. Trước khi mưa, nên chủ động bón vôi khắp bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi và ổn định nguồn nước ao nuôi. Không nên xả bớt nước mặt khi trời có mưa, vì đây là nguồn nước bổ sung để giảm độ mặn trong ao nuôi sau những ngày nắng hạn vừa qua, nhằm kích thích tôm lột xác và phát triển.

Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước quan trắc trước khi thả giống; tại điểm quan I trắc có NO2 cao, cần sử dụng chế phẩm sinh học xử lý khí độc trong ao. Những khu vực có độ mặn cao, khi lấy nước vào ao cần pha loãng làm giảm độ mặn bằng nước ngọt. Ngoài ra, người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp cải tạo ao thật tốt và phải bảo đảm đủ thời gian cách ly mầm bệnh (tối thiểu là 30 ngày).

Khi thả tôm người dân cần tuân thủ lịch thời vụ. Đặc biệt, người dân nên nuôi tôm với mật độ phù hợp: Đối với tôm sú, nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 15 – 25 con/m2; tôm thẻ chân trắng, nuôi 2 vụ/năm, mật độ thả từ 60 – 80 con/m2; đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào quá trình nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Thường xuyên mang mẫu nước, mẫu tôm đến các phòng xét nghiệm tại địa phương để kiểm tra khuẩn Vibrio và diệt khuẩn định kỳ. Thường xuyên quan sát tình trạng tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân do đâu, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 30 kg/1.000 m3 nước để làm cho nước trong sạch.

3. Chăm sóc sức khỏe

Khi thấy trời có dấu hiệu chuyển mưa, cần giảm 30 – 50% lượng thức ăn hoặc ngưng cho tôm ăn và đến khi tạnh mưa mới cho ăn.

Người nuôi cần kiểm tra sự sinh trưởng của tôm để có biện pháp phòng ngừa; đặc biệt là nhận biết dấu hiệu mắc bệnh của tôm trong mùa mưa để phòng bệnh như tôm vùi mình, tiêu hóa thức ăn và bắt mồi kém, dễ mắc các bệnh như vi khuẩn nấm, bệnh phân trắng....

Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sử dụng. Đặc biệt người dân có thể áp dụng phương pháp nuôi tôm cho ăn tỏi để tăng sức đề kháng, có thể phòng được bệnh gan tụy và phân trắng. Đồng thời, cách nuôi này có thể giải phóng được chất cặn bã, tránh bệnh tật cho tôm. Tạt Vitamin C, khoáng xuống ao để chống sốc cho tôm.

 38027-ntm.003352-phong-benh-cho-tom-mua-mua-bao.pdf